Ở thời điểm hiện tại, việc mua bán hành từ các website nước ngoài diễn ra khá thuận lợi. Trên thực tế, chỉ cần có tài khoản và thẻ thanh toán quốc tế, bất cứ ai cũng có thể truy cập và mua hàng tại vào các trang TMĐT lớn như Amazon, Alibaba, Ebay… Sau đó, việc chuyển phát sẽ tận nhà sẽ mất từ 5-15 ngày.
Không chỉ vậy, một số trang TMĐT trong nước như Lazada, Shopee… cũng sẵn sàng giúp các "thượng đế" đặt lệnh mua hàng trực tiếp từ nước ngoài thông qua dịch vụ liên kết của mình.
Trước thực trạng trên, Bộ Tài chính đánh giá TMĐT phát triển là xu hướng tất yếu, do đó nhà nước cần có các quy định cụ thể để thực hiện việc quản lý.
Để đáp ứng nhu cầu quản lý, đã có hàng loạt quy định được xây dựng trong Luật Giao dịch TMĐT, Nghị định 52 về TMĐT, Nghị định 72 về quản lý, cung cấp sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng, Luật An ninh mạng, Luật Quản lý thuế…
Tuy nhiên, các quy định này chưa đầy đủ, đồng bộ nên các bên tham gia hoạt động TMĐT, các cơ quan quản lý nhà nước còn gặp nhiều khó khăn trong việc triển khai thực hiện.
Đáng lưu ý, trong thực tế đã phát sinh nhiều tình huống đòi hỏi cần có quy định quản lý nghiêm ngặt.
"Khi TMĐT qua biên giới phát triển mạnh mẽ, các cơ quan quản lý nhà nước phải đối mặt với các vấn đề như thiếu thông tin, khai báo không chính xác; khó ngăn chặn các lô hàng cấm; hàng hạn chế nhập khẩu, xuất khẩu; hàng buôn lậu do số lượng hàng hóa gửi nhỏ lẻ trong khi chất lượng thông tin; dữ liệu trước về hàng hóa không có nhiều; khó kiểm soát chống gian lận về phân loại và xuất xứ hàng hóa để được hưởng các mức thuế suất ưu đãi đặc biệt…" - dự thảo của Bộ Tài chính nêu rõ.
Do đó, Bộ Tài chính đề xuất một số giải pháp như cần quy định chủ hàng hóa gửi kho ngoại quan phải cung cấp thông tin về hàng hóa và người bán hàng; cần quy định cụ thể về chấp nhận trị giá mua bán qua TMĐT là trị giá thực của giao dịch để thực hiện tính thuế với điều kiện các thông tin về việc mua bán được gửi đến hệ thống quản lý chung.
Theo Báo Lao Động