Tình trạng ngộ độc thực phẩm gia tăng
Quý I năm nay, cả nước xảy ra 16 vụ ngộ độc thực phẩm, làm gần 660 người bị ngộ độc, tăng gần 3 lần so với cùng kỳ năm 2023, trong đó có 3 người tử vong.
Đơn cử, chiều ngày 9 tháng 4 năm 2024, 28 học sinh các trường mầm non, tiểu học, THCS ở thị trấn Tô Hạp, huyện Khánh Sơn, tỉnh Khánh Hòa bị nôn ói, đau bụng sau khi ăn cơm cuộn, cơm nắm trước cổng trường học, đã có một học sinh tử vong.
Theo Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), ngộ độc thực phẩm là hậu quả của việc sử dụng thực phẩm không an toàn, chứa các tác nhân gây ngộ độc (thực phẩm bị ô nhiễm).
Các tác nhân gây ngộ độc bao gồm tác nhân sinh học (vi sinh vật, độc tố vi sinh vật, vi nấm…), tác nhân hóa học (thuốc trừ sâu, hóa chất bảo vệ thực vật, hóa chất bảo quản, chất cấm sử dụng trong thực phẩm…), hoặc do độc tố tự nhiên có sẵn trong thực phẩm (độc tố cá nóc, cóc, nấm độc, ốc biển lạ…).
Nguyên nhân dẫn đến các vụ ngộ độc thực phẩm do hầu hết các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm vẫn ở quy mô nhỏ lẻ, quy trình sản xuất, chế biến thực phẩm lạc hậu. Việc quy hoạch và thực hiện quy hoạch giết mổ gia súc, gia cầm tập trung còn chậm. Công tác xây dựng cơ sở kiểm soát an toàn dịch bệnh chưa được chú trọng.
Bên cạnh đó, thói quen lạm dụng, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, vật tư nông nghiệp không đúng quy trình, không rõ nguồn gốc còn khá phổ biến. Hoạt động của các ban chỉ đạo an toàn thực phẩm cấp xã, phường còn nhiều hạn chế bởi không có thiết bị chuyên dụng để kiểm tra, phát hiện vi phạm về an toàn thực phẩm; năng lực hậu kiểm còn hạn chế, thiếu hụt lực lượng triển khai, nhất là ở cấp quận, huyện, cơ sở…
Kiểm soát chặt chất lượng thực phẩm
Trước thực trạng này, TP Hồ Chí Minh - địa phương đông dân nhất cả nước, cũng là nơi có nguồn thực phẩm từ các địa phương khác đổ về rất lớn, hiện có khoảng 15.400 điểm bán thức ăn đường phố, được đánh giá là có nhiều nguy cơ gây ngộ độc thực phẩm đã có những giải pháp quyết liệt để "tuyên chiến" với thực phẩm bẩn.
Theo đó, Sở An toàn thực phẩm TP Hồ Chí Minh đã ban hành kế hoạch, kiên quyết đấu tranh, ngăn chặn, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân, cơ sở sản xuất, kinh doanh vi phạm quy định về an ninh, an toàn thực phẩm.
Đồng thời, nâng cao năng lực phòng ngừa, chủ động xử lý ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm; giảm thiểu ngộ độc do tiêu dùng thực phẩm không an toàn. Về công tác thanh tra và kiểm tra, thành phố tăng cường các lực lượng chuyên ngành và liên ngành với tất cả 21 quận, huyện và TP Thủ Đức. Đặc biệt, Sở An toàn thực phẩm sẽ thực hiện kiểm tra đột xuất bếp ăn ở một số trường học, không báo trước…
Tại Hà Nội, Sở Y tế Hà Nội cũng thông tin toàn thành phố hiện có hơn 70.000 cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố.
Trong đó, có hơn 10.000 cơ sở sản xuất thực phẩm, gần 25.500 cơ sở kinh doanh thực phẩm, hơn 35.000 cơ sở dịch vụ ăn uống và hơn 5.800 cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố. Đó là con số thống kê, còn trên thực tế chưa thể đếm hết được các quán hàng rong, các cơ sở sản xuất thực phẩm nhỏ lẻ không đăng ký kinh doanh.
Điều này cho thấy, công tác quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm đối với một thành phố trên dưới 10 triệu dân như Hà Nội vẫn còn là một thách thức lớn. Các cơ quan chức năng, địa phương cần tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm từ thành phố đến cơ sở, thông qua hoạt động hậu kiểm kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý các trường hợp vi phạm về an toàn thực phẩm, hạn chế ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm.
Ngoài ra, việc thực thi pháp luật về an toàn thực phẩm còn kẽ hở, nhiều lúc, nhiều nơi còn lỏng lẻo, dẫn đến tình trạng một số cá nhân, doanh nghiệp vì lợi ích kinh tế mà đưa ra thị trường các đồ ăn, thức uống không an toàn. Lực lượng làm công tác kiểm tra, giám sát an toàn thực phẩm còn mỏng khiến việc kiểm tra, giám sát an toàn thực phẩm lâu nay vẫn chủ yếu làm theo kế hoạch và thời vụ, nên số vụ vi phạm bị phát hiện, xử lý mới chỉ là một phần rất nhỏ so với thực tế diễn ra.
Với những biện pháp quyết liệt và sự chú trọng từ cấp cao nhất đến cơ sở, hy vọng rằng việc kiểm soát và bảo đảm chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm sẽ được thực hiện một cách hiệu quả, đem lại sự yên tâm và an tâm cho người tiêu dùng.
Theo VietQ.vn