Cục An toàn thực phẩm đã xử lý rất nhiều vụ thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe quảng cáo gian dối, sai sự thật, đặc biệt là các quảng cáo trên mạng xã hội. Thậm chí, có doanh nghiệp giả mạo đài truyền hình, lồng ghép video tinh vi để quảng cáo sai về thực phẩm chức năng. Do đó thời gian tới, cần hoàn thiện thể chế pháp luật phù hợp tình hình thực tế (như kinh doanh online, văn phòng ảo...), tạo thông thoáng cho doanh nghiệp nhưng phải bảo đảm an toàn sức khỏe người dân.
Theo bà Trần Việt Nga, Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, hiện nay, công nghệ thông tin rất phát triển, các nội dung quảng cáo "nổ", quảng cáo quá đà về công dụng của thực phẩm bảo vệ sức khỏe, thực phẩm chức năng rất phổ biến. "Cái khó là khi chúng tôi phát hiện những website, tên miền quảng cáo các sản phẩm này, khi làm việc với doanh nghiệp họ lại chối bay chối biến không liên quan đến các quảng cáo đó", bà Nga nói.
Cụ thể, theo bà Nga, việc đăng tên miền với tư cách cá nhân, cho phép cấp tên miền ẩn danh, nên khi phát hiện sai phạm, truy xuất rất khó khăn. Hơn nữa, việc cho phép công ty phần mềm (không phải người trực tiếp sản xuất kinh doanh đứng tên chủ tên miền), nên khi có những nội dung quảng cáo sai phạm, các công ty sản xuất, kinh doanh thường chối không liên quan tới họ, họ không phải là người thực hiện các nội dung quảng cáo này. Theo bà Nga, những khó khăn này, Cục An toàn thực phẩm đã tổng hợp để chuyển Bộ Thông tin và Truyền thông kiến nghị, đề xuất, trong trường hợp tìm ra đích danh công ty thực hiện quảng cáo sai phạm cần xử lý vi phạm.
"Đây là lý do trên website chính thức của Cục An toàn thực phẩm liên tiếp đưa ra các cảnh báo phát hiện sai phạm, khuyến nghị người dân trước mắt không mua các sản phẩm quảng cáo sai phạm ở các trang website này", lãnh đạo Cục An toàn thực phẩm cho biết.
Cục An toàn thực phẩm thông tin thêm, việc kinh doanh trực tuyến, quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe sai sự thật gây ảnh hưởng đến quyền lợi người tiêu dùng, gây bức xúc dư luận xã hội, trong khi đó sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý chưa đạt hiệu quả cao.
Cục An toàn thực phẩm đã xử lý rất nhiều vụ thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe quảng cáo gian dối, sai sự thật, đặc biệt là các quảng cáo trên mạng xã hội. Thậm chí, có doanh nghiệp giả mạo đài truyền hình, lồng ghép video tinh vi để quảng cáo sai về thực phẩm chức năng. Do đó thời gian tới, cần hoàn thiện về thể chế pháp luật phù hợp với tình hình thực tế (như kinh doanh online, văn phòng ảo...), tạo thông thoáng cho doanh nghiệp nhưng phải bảo đảm an toàn sức khỏe người dân.
Theo lãnh đạo Cục An toàn thực phẩm, trong gần 3 năm qua, tổ phản ứng nhanh với thành viên là các chuyên viên cơ quan chuyên môn của các bộ ngành đã kịp thời thông tin rất nhanh các vi phạm này trên các website, mạng xã hội, thông báo để cơ quan chức năng kịp thời ngăn chặn sự lan truyền thông tin. "Hiện nay, công nghệ thông tin phát triển, chỉ trong 1 giây thông tin đã có thể lan truyền nhanh, để thông báo đường văn bản sẽ rất lâu, tổ phản ứng nhanh sẽ thông tin trực tiếp để các đơn vị liên quan kịp thời xử lý", bà Nga nói.
Cục An toàn thực phẩm cho biết, theo lộ trình từ nay đến 2025, cơ cấu tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm sẽ được kiện toàn, xây dựng lại theo hướng thống nhất chỉ một đầu mối…
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên, đến nay hệ thống văn bản pháp luật, các quy chuẩn, tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm cơ bản đáp ứng yêu cầu công tác quản lý nhà nước và hội nhập quốc tế; Bước đầu hình thành một số mô hình sản xuất, chế biến thực phẩm an toàn; Nhiều hàng hóa, thực phẩm sản xuất trong nước đạt chuẩn quốc tế về an toàn thực phẩm...
Tuy nhiên, bên cạnh đó còn bộc lộ một số tồn tại, hạn chế như: Hệ thống cơ cấu tổ chức còn chưa thống nhất, đồng bộ; Tình hình ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm, đặc biệt là ở các bếp ăn tập thể tại các khu công nghiệp, trường học bước đầu đã có kiểm soát nhưng nguy cơ vẫn cao; Việc kinh doanh trực tuyến, quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe sai sự thật gây ảnh hưởng đến quyền lợi người tiêu dùng, gây bức xúc dư luận xã hội; Việc phối hợp giữa các cơ quan quản lý chưa đạt hiệu quả cao…
Về phía Bộ Y tế, Thứ trưởng thông tin, sau khi Ban Bí thư ban hành Chỉ thị số 17-CT/TW ngày 21/10/2022 về tăng cường bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm trong tình hình mới, Bộ Y tế đã tổ chức kế hoạch tuyên truyền, triển khai thực hiện. Theo Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, hệ thống pháp luật về an toàn thực phẩm của Việt Nam được đánh giá là đã tiếp cận với phương thức quản lý tiên tiến của thế giới.
Đặc biệt, bước đầu đã hình thành hệ thống tổ chức quản lý nhà nước về An toàn thực phẩm từ Trung ương đến địa phương. Dù vậy, thực tế triển khai cũng còn nhiều tồn tại, vướng mắc. Hiện nay mô hình quản lý an toàn thực phẩm không thống nhất, đa phần địa phương có Chi cục ATVSTP, 3 tỉnh thành có Ban Quản lý An toàn thực phẩm, cũng có tỉnh thì cơ quan quản lý an toàn thực phẩm là một phòng thuộc Sở Y tế…
Ngoài công tác chuyên môn như ban hành các văn bản quy phạm pháp luật; tăng cường thanh tra, kiểm tra; đẩy mạnh truyền thông… Chỉ thị của Ban Bí thư đặt ra yêu cầu rất quan trọng là phải xây dựng được một cơ quan quản lý thống nhất về an toàn thực phẩm từ Trung ương đến địa phương.
Thời gian tới sẽ xây dựng bộ máy quản lý nhà nước theo hướng thống nhất chỉ một đầu mối thực hiện nhiệm vụ đảm bảo an ninh, an toàn thực phẩm từ Trung ương đến địa phương; phân định rõ chức năng, nhiệm vụ, trách nhiệm của các ngành trong đảm bảo an ninh, an toàn thực phẩm.
Theo đó, mô hình tổ chức bộ máy mới sẽ được xây dựng theo hướng tập trung các lực lượng chuyên môn về y tế, công thương, nông nghiệp trong một cơ quan chung, giống như mô hình Ban Quản lý An toàn thực phẩm hiện đang được thực hiện thí điểm ở 3 tỉnh thành (TP.HCM, Đà Nẵng, Bắc Ninh). Lộ trình kiện toàn mô hình tổ chức là từ 2023-2025.
Theo VietQ