Gần 1 tháng nữa đến Tết Nguyên đán 2024, nhiều gia đình bắt đầu lên kế hoạch sắm sửa Tết sớm. Do đó, nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng tăng cao.
Ghi nhận của Lao Động chiều 12.1 cho thấy, tại một siêu thị lớn trên đường Trần Duy Hưng (quận Cầu Giấy), các hàng hoá thiết yếu và đặc trưng ngày Tết đều được bày bán với màu sắc rực rỡ, bắt mắt.
Những giỏ quà Tết đẹp mắt, giá cả phải chăng, dao động 500.000 - 1.000.000 đồng/giỏ tuỳ thuộc từng phân khúc sản phẩm và mẫu mã.
Các gian hàng bánh kẹo, mứt, ô mai, các loại hạt... được bán theo cân, thu hút nhiều người mua sắm với mức giá dao động từ vài chục nghìn đến vài trăm nghìn đồng tuỳ loại.
Bưởi da xanh, dưa lưới, cam, thanh long được chất đầy các gian hàng, đảm bảo độ tươi ngon, chất lượng tốt.
Ngoài ra, theo ghi nhận, các loại bia rượu, nước ngọt, nước giải khát sẵn sàng phục vụ người tiêu dùng và nhân viên siêu thị thường xuyên kiểm tra và bổ sung thêm.
Ngoài giảm giá, khuyến mãi lên đến 50% một số mặt hàng, các siêu thị còn có nhiều chương trình tri ân khách hàng trong dịp này.
Tranh thủ chọn đồ Tết cho gia đình, chị Nguyễn Hồng Hạnh (quận Hoàng Mai, Hà Nội) cho hay, năm nay, các mặt hàng Tết như bánh kẹo, giỏ quà biếu, đồ trang trí được bày bán đa dạng mẫu mã, chất lượng, giá cả để người dân lựa chọn.
Cũng theo chị Hạnh, việc phân định rõ ràng từng khu hàng hoá khác nhau giúp rút ngắn thời gian mua sắm cho gia đình, tránh được va chạm không đáng có trong dịp cao điểm.
Trong khi đó, với mục đích tìm mua quà biếu Tết gia đình nội ngoại, chị Nguyễn Thị Hải (quận Hoàng Mai, Hà Nội) quyết định “chốt sổ” giỏ quà có đủ bánh kẹo, mứt, trà và hạt thập cẩm với giá 500.000 đồng.
“Tôi đã tham khảo trên các hội nhóm trên mạng xã hội và một số cửa hàng gần nhà nhưng rồi quyết định mua tại siêu thị cho yên tâm hơn về nguồn gốc, xuất xứ. Hơn nữa, ở đây, mẫu mã, chủng loại rất đa dạng, đáp ứng tiêu chí của đại đa số khách hàng” - chị Hải chia sẻ.
Mặt hàng nông sản có nhiều ưu đãi hấp dẫn
Trước đó, Sở Công Thương Hà Nội đã đề nghị các doanh nghiệp sản xuất - kinh doanh thương mại trên địa bàn chủ động kết nối, khai thác hàng hoá nông sản, thực phẩm, các mặt hàng đặc sản truyền thống của các tỉnh, đa dạng hóa mặt hàng (ưu tiên đối với hàng Việt Nam) phục vụ nhu cầu thị trường Hà Nội trong dịp cuối năm, trước, trong và sau Tết Nguyên đán 2024, không để xảy ra tình trạng khan hàng khiến giá cả bị đẩy lên cao.
Đối với các doanh nghiệp kinh doanh thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện ích, các cửa hàng kinh doanh xăng dầu, theo Sở Công Thương, cần nghiên cứu đăng ký các điểm mở cửa bán hàng hết ngày 30 tháng Chạp và mở cửa bán trở lại vào các ngày mùng 1, mùng 2, mùng 3, mùng 4 tháng Giêng để phục vụ nhân dân.
Bên cạnh đó, Sở Công Thương sẽ triển khai tổ chức các chương trình, hoạt động, sự kiện kích cầu mua sắm phục vụ nhân dân trên địa bàn TP Hà Nội dịp cuối năm và Tết Nguyên đán như tổ chức các điểm bán hàng, các chuyến bán hàng phục vụ Tết tại các huyện, các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu vực nông thôn để phục vụ nhân dân trong dịp Tết Nguyên đán, tổ chức các chợ hoa Xuân phục vụ Tết.
Theo Laodong.vn