Những ngày cuối năm 2018, thời tiết miền Bắc thật lạnh. Đây cũng là thời điểm người Việt Nam đang tất bật hoàn tất mọi công việc cho một năm cũ Mậu Tuất sắp qua, chuẩn bị đón chào năm mới Kỷ Hợi 2019 đang tới gần. Trong vai những nhà nghiên cứu trẻ về vấn đề văn hóa vùng miền, chúng tôi tìm đến khu nội trú của các sinh viên nước ngoài thuộc Trường Đại học Hà Nội – nơi thu hút đông đảo sinh viên quốc tế theo học, nghiên cứu tiếng Việt với mong muốn thực hiện những ước mơ, hoài bão của tuổi trẻ trên dải đất hình chữ S đầy hấp dẫn.
Nói bằng tiếng Anh và một chút tiếng Việt, nam sinh viên Kearam, 21 tuổi, đến từ Palestine đang theo học Khoa Quốc tế học hào hứng chia sẻ: “Em đang nỗ lực học thành thạo tiếng Việt để hiểu hơn đất nước và con người Việt Nam. Đối với em, Tết Việt Nam thật đặc biệt, thật mới lạ và thú vị, để lại nhiều ấn tượng đáng nhớ. Trong đó, tục thờ cúng tổ tiên, gói bánh chưng ngày Tết là một trong những điều khiến em không thể nào quên. Theo em, đây chính là một trong những nét đẹp thể hiện bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam, có ý nghĩa và triết lý vô cùng sâu sắc mà người Việt luôn phải trân trọng gìn giữ. Phong tục ấy không những thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn mà còn bao hàm nhiều giá trị văn hóa mang đầy tính nhân văn, khiến mọi du khách, cư dân nước ngoài tại Việt Nam đều ghi nhận và học hỏi. Ngày Tết, lần đầu đến nhà các bạn sinh viên người Việt, em không khỏi ngạc nhiên, trong bữa cơm, nhà bạn nào cũng có đĩa bánh hình vuông hoặc hình tròn được làm từ gạo nếp, nhân đỗ xanh, thịt lợn, ăn kèm với dưa hành, với cái tên rất Việt: Bánh chưng. Từ chiếc bánh ấy, em đã biết đến cả một truyền thuyết. Qua truyền thuyết ấy, giúp em thêm hiểu, Việt Nam là đất nước có nền văn hóa lâu đời. Tuy nhiên, trong ngày Tết, em thấy, các bạn trẻ Việt Nam cũng cần ý thức trong văn hóa ăn uống, không nên lãng phí, uống đồ uống có cồn cần điều độ, tránh tràn lan, quá đà bởi nó để lại nhiều hệ lụy và mất hình ảnh trong lòng du khách”.
Đến từ thành phố Napoli của đất nước Italia tươi đẹp, nữ sinh Gabriella, 24 tuổi, đang theo học chuyên ngành Khảo cổ học nhớ lại: “Tuy em ăn Tết ở Việt Nam mới được đôi lần nhưng em thật ấn tượng về tục thăm hỏi họ hàng và mừng tuổi nhân dịp năm mới nơi đây. Qua phong tục này em cũng học hỏi được nhiều điều về tình đoàn kết, tình yêu thương, lòng biết ơn, sự lạc quan,... của người Việt Nam. Lần đầu tiên ăn Tết ở xứ sở nổi tiếng với lãnh tụ Hồ Chí Minh, em được một người bạn Việt Nam mừng tuổi một phong bao màu đỏ. Trong đó có một tờ Vietnam đồng rất mới, cùng mẩu thiệp nho nhỏ với những lời chúc thật ý nghĩa. Điều ấy khiến em nhớ mãi. Em cho rằng, cách thể hiện tình cảm của người Việt Nam qua phong tục này thật đáng trân trọng. Nó giúp chúng ta lạc quan hơn, yêu đời hơn khi bắt đầu một năm mới với biết bao hy vọng. Tuy nhiên, qua ngày Tết, bắt đầu trở lại những hoạt động thường nhật, em thấy, một số các bạn Việt Nam vẫn còn có các hoạt động vui chơi đầu xuân hơi nhiều, chưa tập trung ngay vào công việc. Điều này sẽ khiến các bạn lãng phí thời gian. Trong khi đó, ở những quốc gia hiện đại, phát triển, dường như ai cũng muốn tiết kiệm từng giây, từng phút”.
Với vẻ ngoài hào hoa, phong nhã và thật lịch lãm, Fedorov mang quốc tịch Nga, đang theo học Khoa Việt Nam học chia sẻ: “Em rất may mắn đã từng đón Tết ở Việt Nam, ở cùng với người Việt Nam ăn Tết. Ấn tượng của em về Tết của người Việt có nhiều điều thật khó diễn tả, nhưng có thể tựu chung lại là thú vị, đậm đà bản sắc dân tộc, những nét sinh hoạt truyền thống còn mang theo cả những hơi thở hiện đại của thời đại. Còn kỷ niệm cụ thể mà em hay kể cho các bạn trẻ người Pháp đó là không khí những ngày đón Tết ở thủ đô Hà Nội. Vào những ngày này, không chỉ những gia đình người dân Việt Nam mà ngay cả các tổ chức, chốn công sở, doanh nghiệp,..., đâu đâu, mọi người cũng tất bật. Dường như họ muốn hoàn thành tất cả mọi công việc trong một năm cũ sao cho tốt nhất, đúng tiến độ, đúng kế hoạch nhằm đón một năm mới với một tâm thế thật thoải mái, đúng với câu “tươi như Tết, vui như Tết”. Trong không khí tất bật của những ngày cuối năm ấy, từ ngày lễ ông Công, ông Táo trở đi, cảm nhận về Tết rõ ràng hơn cả. Phố phường Hà Nội đâu đâu cũng rực rỡ hoa tươi, đào quất, cây cảnh. Người dân mua bán, họp chợ thật đông đúc. Cảnh người bán cá chép vàng thật sống động. Em đã từng đi chợ cùng một bạn gái người Việt mua 3 con cá. Mới đầu em thấy thật lạ, sau em mới hiểu ra đó là cả một sự tích thật ý nghĩa. Theo thiển nghĩ cá nhân em, báo cáo thành tích, công việc cả một năm sẽ giúp cho cuộc sống luôn có tính định hướng, hoạch định mục tiêu rõ ràng. Từ đó, giúp chúng ta luôn cầu thị, phấn đấu không ngừng. Tuy nhiên, trong cái hay của Tết Việt, em cũng nhận thấy những nếp sinh hoạt còn mang tính tiểu nông của một quốc gia văn hóa lúa nước đang phát triển cần nhanh chóng thay đổi như họp chợ tự do, mua bán thích hàng rẻ mà tốt, sinh hoạt có vẻ quen giờ cao su,...”.
Những nhận xét tốt đẹp của người nước ngoài về nét văn hóa Tết Việt còn rất nhiều. Tuy nhiên, những cảm nhận về điều chưa đẹp, dù ít, cũng đáng để chúng ta suy ngẫm.
Hà Đăng