Sau 10 năm hoạt động thương mại biên giới theo cơ chế quản lý tại Quyết định 254/2006/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, đến nay một số nội dung đã không còn phù hợp với tình hình thực tiễn. Ngày 20/10/2015, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 52/2015/QĐ-TTg, để thay thế Quyết định 254/2006/QĐ-TTg, đã cho thấy việc điều chỉnh này là thực sự cần thiết trong bối cảnh mới. Trên cơ sở đó, ngày 30/12/2015 Bộ Công Thương đã ban hành Thông tư 52/2015/TT-BCT, quy định chi tiết hoạt động mua bán hàng hóa qua biên giới của thương nhân. Sau khi Thông tư được ban hành, Bộ Công Thương đã hỗ trợ tích cực các tỉnh biên giới trong việc triển khai, nhằm đảm bảo tính đồng bộ, kịp thời khi chuyển sang thực hiện cơ chế quản lý mới. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, tỉnh Quảng Ninh gặp một số khó khăn vướng mắc, bất cập trong quá trình hoạt động từ thực tiễn. Trước những tình hình đó, Sở Công Thương đã chủ động và tích cực phối hợp với các ngành chức năng, địa phương biên giới tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh báo cáo, đề xuất Bộ Công Thương, Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo thương mại biên giới những giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi cho các thương nhân tập trung khai thác hoạt động kinh doanh.
Từ khi triển khai, tổ chức thực hiện cơ chế quản lý mới, Sở Công Thương đã tham mưu các giải pháp, để tạo sự ổn định và động lực cho các thương nhân hoạt động, trong đó, tăng cường công tác thông tin tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật trên phương diện rộng (thông báo trực tiếp đến thương nhân, đăng tải website, phối hợp với các cơ quan quản lý trực tiếp tại cửa khẩu hải quan, biên phòng, ban quản lý cửa khẩu hỗ trợ, phổ biến hướng dẫn,...) để giúp thương nhân có kế hoạch chủ động đàm phán, ký kết hợp đồng với đối tác trong, ngoài nước và tuân thủ chấp hành đúng chính sách pháp luật. Rà soát và công bố các cửa khẩu, lối mở biên giới đảm bảo công tác quản lý nhà nước và danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu đáp ứng tối đa nhu cầu kinh doanh của thương nhân. Đề xuất, kiến nghị các giải pháp cắt giảm quy trình, thời gian thực hiện, đơn giản hóa thủ tục hành chính, công bố danh sách thương nhân được lựa chọn thực hiện mua bán hàng hóa qua biên giới. Tháo gỡ khó khăn vướng mắc về cơ chế chính sách để giải tỏa kịp thời hàng hóa tồn đọng tại khu vực cửa khẩu biên giới, nhằm tránh tổn thất, thiệt hại cho thương nhân;...
Đến nay, thực hiện quy trình quy định của Bộ Công Thương, Sở Công Thương đã kịp thời tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh, ban hành 09 quyết định để lựa chọn, công bố danh sách hơn 400 thương nhân trong và ngoài tỉnh làm cơ sở thực hiện mua bán hàng hóa qua biên giới tỉnh Quảng Ninh. Nhìn chung, những vướng mắc phát sinh trong quá trình triển khai thực hiện cơ chế quản lý mới, đã cơ bản được giải quyết triệt để, các thương nhân có thể yên tâm tập trung khai thác bạn hàng, nguồn hàng, nâng cao hiệu quả kinh doanh. Mặc dù hoạt động thương mại biên giới tỉnh Quảng Ninh trong 04 tháng đầu năm có những lúc bị gián đoạn bởi các vướng mắc nêu trên, nhưng qua kết quả thực hiện cho thấy, hoạt động này vẫn được duy trì và có sự tăng trưởng nhẹ, kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa đạt 362 triệu USD bằng 100,85% so với cùng kỳ, trong đó xuất khẩu đạt 306,63 triệu USD bằng 105,1 % so với cùng kỳ.
Ngoài việc tập trung hướng dẫn thi hành, tháo gỡ khó khăn vướng mắc phát sinh trong quá trình triển khai cơ chế quản lý mới. Để tạo bước phát triển mạnh mẽ hơn đối với hoạt động thương mại biên giới trong thời gian tới, hiện nay Sở Công Thương đang tích cực tập trung phối hợp với các ngành, địa phương nghiên cứu, tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh, kiến nghị với các cơ quan có thẩm quyền Trung ương, cho phép được thực hiện một số cơ chế chính sách đặc thù tại khu vực biên giới tỉnh Quảng Ninh, nhằm phát triển xuất nhập khẩu xứng tầm với tiềm năng lợi thế của tỉnh.
Những nỗ lực quan trọng đó của ngành Công Thương Quảng Ninh, đã được dư luận đông đảo khách hàng trong và ngoài nước đánh giá cao, kịp thời tháo gỡ những vướng mắc, bãi bỏ những cơ chế không phù hợp với thực tiễn, áp dụng cơ chế mới khoa học, phù hợp mang lại hiệu quả thiết thực cho cộng đồng các doanh nghiệp hoạt động thương mại biên giới, giúp các thương nhân được tự do lựa chọn mua bán hàng hóa qua biên giới, góp phần ổn định và phát triển kinh tế tại những vùng biên giới, đảm bảo chủ quyền an ninh biên giới và giữ vững độc lập toàn vẹn lãnh thổ quốc gia trong thời kỳ hội nhập quốc tế.
Xuân Trường