Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) vừa phối hợp tổ chức Hội thảo phối hợp thực hiện Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư và một số luật liên quan nhằm rút kinh nghiệm, tìm giải pháp tháo gỡ những vướng mắc khi triển khai các luật mới.
Ông Bùi Anh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Quản lý đăng ký kinh doanh- Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, sau 5 tháng triển khai thực hiện, về cơ bản các quy định của Luật Doanh nghiệp được cộng đồng đón nhận tích cực, số doanh nghiệp gia nhập thị trường tăng liên tục. Từ tháng 7 đến nay đã có khoảng 7000 doanh nghiệp thành lập, tăng 66% so với cùng kỳ năm ngoái.
Ngoài ra, đã có khoảng hơn 40.800 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, tăng khoảng 30% so với cùng kỳ. Riêng tháng 8/2015, có hơn 9.300 doanh nghiệp thành lập mới, tăng tới 84,1%. Tháng 11/2015 có hơn 8.400 doanh nghiệp thành lập mới, tăng 8,2% so với cùng kỳ 2014.
“Nếu không có gì thay đổi, riêng năm 2015 sẽ có 94.000 doanh nghiệp thành lập mới. Đây là năm có số doanh nghiệp thành lập mới lớn nhất từ trước đến nay, cho thấy sự ‘cởi trói’ trong tự do kinh doanh”, ông Tuấn nói.
Theo ông Tuấn, việc thay đổi cách thức quản lý con dấu là một cải cách lớn tại Luật Doanh nghiệp. Vì doanh nghiệp có quyền tự quyết về số lượng, hình thức, nội dung của con dấu, hồ sơ đăng ký doanh nghiệp không cần phải đóng dấu.
Tuy nhiên, để những quy định như trên sớm đi vào cuộc sống, Luật sư Nguyễn Hưng Quang cho biết, một số văn bản hướng dẫn liên quan đến con dấu chưa thực hiện đúng với tinh thần Luật Doanh nghiệp 2014.
Bên cạnh đó, Luật sư Quang cũng cho rằng cần hạn chế các thủ tục về đăng ký kinh doanh. Cụ thể, hiện tại, đã có các hệ thống kết nối là hệ thống đăng ký kinh doanh quốc gia và đăng ký thuế. Như vậy, không nên quy định doanh nghiệp thực hiện 2 bước riêng rẽ: Xin mã số thuế, sau đó mới làm thủ tục thay đổi đăng ký kinh doanh như văn bản hướng dẫn hiện hành. Theo ông, nên gộp lại 1 bước, khi doanh nghiệp nộp hồ sơ đăng ký kinh doanh, thông tin này sẽ được chuyển sang cơ quan thuế, cấp mã số. Trên cơ sở mã số thuế đã cấp, cơ quan đăng ký kinh doanh sẽ thực hiện các thủ tục, tránh gây phiền hà cho doanh nghiệp.
Cũng liên quan đến việc triển khai Luật DN, bà Nguyễn Thị Diệu Hồng, Ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, cần có cơ chế kiểm soát quy định hướng dẫn Luật về điều kiện đầu tư kinh doanh, ngành nghề kinh doanh có điều kiện một cách hiệu quả.
Các bộ cần rà soát lại hệ thống văn bản pháp luật do mình soạn thảo, đặc biệt là các thông tư để loại bỏ quy định chưa phù hợp với Luật Đầu tư về điều kiện kinh doanh, đồng thời có những điều chỉnh để tránh hiện tượng thiếu cơ sở pháp lý hoặc lúng túng khi triển khai vào thời điểm 1/7/2016 (thời điểm các văn bản hướng dẫn cũ sẽ hết hiệu lực). Bà Hồng cho rằng, cần có cơ chế đối thoại phản biện chính sách hiệu quả thực chất để đảm bảo các quy định về đầu tư kinh doanh được ban hành phù hợp.
Cần xác lập kênh thông tin hiệu quả để doanh nghiệp phản ánh những quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh bất hợp lý, không phù hợp với các nguyên tắc xác định tại Luật Đầu tư để kiến nghị sửa đổi, bãi bỏ các văn bản này.
Nguồn: Chinhphu.vn