Thứ Sáu, 22/11/2024 22:48:32 GMT+7
Lượt xem: 1716

Tin đăng lúc 25-02-2017

Số DN Việt được ưa thích tăng nhưng chưa hết lo

Năm 2017, số doanh nghiệp đạt đủ tỷ lệ người tiêu dùng bình chọn là Hàng Việt Nam chất lượng cao (VNCLC) đã bất ngờ tăng mạnh gần 20% so với năm ngoái, với 592 doanh nghiệp trên cả nước.
Số DN Việt được ưa thích tăng nhưng chưa hết lo
Ảnh minh họa

Hàng Việt: Mua vì cần

 

Nếu như năm 2016 chỉ ghi nhận khoảng 2.100 thương hiệu Việt xuất hiện trong các phản hồi của người mua hàng, thì năm 2017 này có đến 3.800 thương hiệu được người tiêu dùng đề cập tới. Tỷ lệ người mua hàng sản xuất trong nước cũng rất cao, lên đến 92%. Nhưng xem xét kỹ cũng có thể thấy, đây chưa hẳn là con số lạc quan với doanh nghiệp Việt bởi nhà khảo sát vẫn chưa xét đến trường hợp hàng nội địa do doanh nghiệp FDI sản xuất.

 

Ngoài ra, có vẻ không ít người tiêu dùng mua hàng Việt vì không có sự lựa chọn nào khác hoặc vì giới hạn của ngân sách gia đình. Bởi tỷ lệ người tham gia khảo sát nói yêu thích hàng Việt lại thấp hơn nhiều khi mới đạt tới 78%. Bản thân nhà khảo sát là Hội Doanh nghiệp Hàng VNCLC cũng thừa nhận: “Tỷ lệ này củng cố thêm nhận định nhà sản xuất tại Việt Nam vẫn chưa đáp ứng được kỳ vọng của người tiêu dùng. Đây là thách thức cho nhà sản xuất trong nước và cũng là cơ hội của hàng hóa ngoại nhập”.

 

Kết quả khảo sát Hàng VNCLC năm nay cũng cho thấy người tiêu dùng khá lo lắng về an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP). Trong đó, 1/4 số người được khảo sát nói lo ngại doanh nghiệp sử dụng chất cấm trong sản xuất, bảo quản hàng hóa hay thậm chí sử dụng nguyên liệu không đảm bảo chất lượng để sản xuất nhưngvẫn mua hàng Việt để dùng vì chưa tìm thấy sản phẩm thay thế trên thị trường. 



Tỷ lệ người tiêu dùng nghi hoặc hàng không sạch nhưng vẫn cứ mua đối với nông sản tươi và thực phẩm đóng gói rất cao, lần lượt là 53% và 41%.

 

Mua hàng ở siêu thị ngày càng nhiều hơn

 

Nếu như hàng loạt khảo sát trong 1-2 năm qua cho thấy kênh bán hàng truyền thống vẫn giữ thị phần chủ lực khi chiếm tới 70-80% doanh số thị trường, thì khảo sát mới nhất này lại cho thấy 1 góc nhìn khác về sự dịch chuyển của người tiêu dùng từ chợ truyền thống sang những kênh mua sắm hiện đại như trung tâm thương mại, siêu thị hay cửa hàng tiện lợi. Trong đó, tỷ lệ người nói mua hàng tại kênh hiện đại đã lên đến 34%, còn số người người tiêu dùng vẫn chọn mua hàng ở chợ hay quầy tạp hóa đã giảm còn khoảng 60%.

 

Cũng theo nhà khảo sát, sự thay đổi điều kiện sống và mức sống cùng với những lo lắng về chất lượng và ATVSTP đã đẩy người tiêu dùng dần tìm đến những điểm phân phối hàng hóa được bảo chứng tốt hơn và đáng tin cậy hơn.

 

Muốn cạnh tranh phải theo chuẩn quốc tế 

 

Trước các thách thức về hội nhập đối với hàng hóa Việt, đặc biệt là các doanh nghiệp xuất khẩu, Hội Doanh nghiệp Hàng VNCLC dự kiến xây dựng thêm bộ tiêu chí Hàng VNCLC chuẩn hội nhập.

 

Đây là bộ tiêu chí định lượng về chất lượng sản phẩm cho từng ngành nghề, được xây dựng dựa trên tư vấn chuyên môn của các bộ, ngành, chuyên gia kỹ thuật và các nhà khoa học với sự tham khảo ý kiến từ doanh nghiệp và người tiêu dùng. Bộ tiêu chí được cập nhật theo các tiêu chuẩn của cả Việt Nam và thế giới. Trước mắt ngày 2/3 tới, Hội doanh nghiệp HVNCLC sẽ công bố bộ tiêu chí đầu tiên cho ngành thực phẩm tích hợp cả tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm của Việt Nam và các cơ quan như: FDA của Mỹ, BRC của Anh, IFS của Đức và Pháp, Global GAP của FoodPlus.

 

Nguồn Báo Chính Phủ


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang