Thứ Sáu, 22/11/2024 14:08:25 GMT+7
Lượt xem: 720

Tin đăng lúc 03-07-2022

Sở hữu trí tuệ - nền tảng thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo

Với quan điểm đổi mới sáng tạo lấy sở hữu trí tuệ là nền tảng và doanh nghiệp là trung tâm của hệ thống, Chính phủ đã ban hành Đề án hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025 nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp phát triển, khuyến khích các hoạt động đầu tư về sở hữu trí tuệ, tìm kiếm, khai thác sáng chế phát triển công nghệ nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường.
Sở hữu trí tuệ - nền tảng thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo
Ảnh minh họa

Tầm quan trọng của sở hữu trí tuệ với doanh nghiệp

 

Sở hữu trí tuệ hiện là một trong những mối quan tâm hàng đầu của doanh nghiệp. Việc sử dụng các tài sản trí tuệ một cách có chiến lược sẽ nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.

 

Trong nền kinh tế toàn cầu hóa và thị trường ngày càng mở rộng, các doanh nghiệp không ngừng tạo ra những sản phẩm mới và khác biệt nhằm thu hút khách hàng. Khi đổi mới, sáng tạo sản phẩm, các công ty phải tiến hành các biện pháp để bảo hộ đầy đủ tài sản trí tuệ của mình một cách hữu hiệu. Song song đó, họ phải đảm bảo rằng sản phẩm của mình không xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của người khác.

 

Theo Luật sư Phạm Nghiêm Xuân Bắc, Chủ tịch Hội Sở hữu Trí tuệ Việt Nam (VIPA), tình hình bảo hộ sở hữu trí tuệ ở Việt Nam hiện nay có nhiều khởi sắc. Cụ thể, trong những năm gần đây, đơn xin xác lập quyền sở hữu trí tuệ của các cá nhân, tổ chức ở Việt Nam liên tục tăng. Các cơ quan quản lý Nhà nước đã có nhiều nỗ lực trong việc cung cấp thông tin, kiến thức cũng như hỗ trợ người nộp đơn tại Việt Nam trong việc xác lập và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ.

 

Khi doanh nghiệp đăng ký các đối tượng sở hữu trí tuệ và được bảo hộ, các đối tượng này sẽ mang lại rất nhiều lợi thế như phát triển sản phẩm, cạnh tranh, phòng thủ và nâng cao giá trị doanh nghiệp. Lợi thế về sở hữu trí tuệ là nền tảng giúp một bộ phận doanh nghiệp vừa và nhỏ đạt được tốc độ phát triển, doanh thu và số lượng việc làm cao hơn so với phần còn lại.

 

Do đó, các doanh nghiệp nên tận dụng ưu thế về quyền sở hữu trí tuệ để góp phần tạo dựng giá trị thương hiệu, đẩy mạnh thực hiện hoạt động thương mại và tăng trưởng doanh thu. Ưu thế thu được từ quyền sở hữu trí tuệ sẽ trở thành động lực để doanh nghiệp và nhà đầu tư an tâm, đầu tư nguồn lực tài chính vào hoạt động đổi mới sáng tạo cho các chu kỳ phát triển tiếp theo.

 

Không chỉ doanh nghiệp nội địa, đối với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, hệ thống bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ là cơ sở để thúc đẩy hoạt động chuyển giao công nghệ và các kỹ năng quản trị. Qua đó giúp tạo ra nhiều việc làm trong những lĩnh vực, ngành nghề mới.

 

Thúc đẩy đổi mới sáng tạo

 

Theo Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ), để hỗ trợ cho hoạt động xác lập, thực thi và khai thác quyền sở hữu trí tuệ, trong những năm qua, Việt Nam đã tăng cường hoạt động đào tạo, nâng cao nhận thức của công chúng cũng như các chủ thể sở hữu trí tuệ, nâng cao kiến thức và kỹ năng cho cán bộ cơ quan quản lý và thực thi quyền sở hữu trí tuệ.

 

Việc cung cấp kịp thời, đầy đủ thông tin sở hữu trí tuệ là chìa khóa giúp tăng hiệu quả cho quá trình xác lập, thực thi và khai thác quyền sở hữu trí tuệ. Với dự án tăng cường năng lực công nghệ thông tin đang được triển khai, trong thời gian tới, các cơ sở dữ liệu và công cụ tra cứu thông tin sẽ được cập nhật và hiện đại hóa, đáp ứng nhu cầu của người sử dụng.

 

Đặc biệt, với quan điểm đưa quyền sở hữu trí tuệ thực sự trở thành loại tài sản của doanh nghiệp, hỗ trợ cho hoạt động đổi mới sáng tạo và phát triển, trong 10 năm qua, Việt Nam đã triển khai một hoạt động đặc biệt trên phạm vi cả nước dành cho các chủ thể của hệ thống sở hữu trí tuệ, đó là chương trình hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ.

 

Cục Sở hữu trí tuệ cho biết, với quan điểm đổi mới sáng tạo lấy sở hữu trí tuệ là nền tảng và doanh nghiệp là trung tâm của hệ thống, Chính phủ đã ban hành Đề án hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025 nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp phát triển, khuyến khích hoạt động đầu tư về sở hữu trí tuệ, tìm kiếm, khai thác sáng chế phát triển công nghệ nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường.

 

Đối với cộng đồng ASEAN, Việt Nam tham gia tích cực vào hoạt động của Hiệp hội, có những đóng góp thiết thực cho hệ thống sở hữu trí tuệ, đổi mới sáng tạo và phát triển của khu vực. Trong đó, Kế hoạch xây dựng Chiến lược sở hữu trí tuệ của ASEAN giai đoạn 2016-2025, Việt Nam là một trong những quốc gia hàng đầu trong việc sử dụng hiệu quả hệ thống bản quyền, cập nhật hoặc soạn thảo các hướng dẫn thẩm định nội dung đăng ký sáng chế quốc gia. Việt Nam đã tham gia xây dựng hướng dẫn chung của ASEAN về thẩm định kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu và xúc tiến thương mại hóa chỉ dẫn địa lý, xây dựng chiến lược và bảo vệ thương hiệu, nâng cao năng lực của ngành sản xuất trong khu vực ASEAN.

 

Theo thống kê, hiện Việt Nam có khoảng 3.000 doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Năm 2021, Việt Nam cũng ghi nhận dấu ấn mới khi có tới 3 "kỳ lân" gọi vốn tỷ đô và đứng thứ 3 ASEAN, đặc biệt là những doanh nghiệp thuộc lĩnh vực công nghệ như Fintech đang phát triển mạnh, khẳng định muốn thành công trong khởi nghiệp, chắc chắn phải dựa trên công nghệ mới.

 

Ông Trần Giang Khuê, Trưởng làng Sáng chế và doanh nghiệp đổi mới sáng tạo cho biết, hiện đang tồn tại thực trạng về sự chênh lệch về định giá tài sản, sở hữu trí tuệ giữa các doanh nghiệp quốc tế như Amazon, Facebook… với các “kỳ lân” hiện có tại Việt Nam. Song ông đánh giá cao sự sáng tạo, tầm nhìn của sinh viên Việt Nam trong sứ mệnh kiến tạo các “kỳ lân” tương lai.

 

Theo ông Khuê, trong chiến lược thương mại hóa đưa sản phẩm ra thị trường, cần đề cao sáng chế và quyền sở hữu tài sản trí tuệ. Tuy nhiên, một thách thức đang hiện hữu cũng là khoảng trống mênh mông trong khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, đó là các kiến thức, kỹ năng đưa ý tưởng và sản phẩm ra thị trường, điều đó cần được lấp đầy bởi sự tham gia của các tổ chức hỗ trợ doanh nghiệp, trường đại học và các nhà sáng chế.

 

Đồng thời, bất kỳ ai khi khởi nghiệp đều phải tích hợp đáp ứng nhu cầu thị trường để thành công. Tất cả đều phải dựa vào công nghệ, sáng chế, tài sản trí tuệ để tạo nên thương hiệu của mình, tạo nên sự khác biệt, tính ưu việt và giá trị sản phẩm. Điều đó đặt ra yêu cầu cần tìm được điểm khác biệt, tìm ra thị trường, tìm ra giải pháp, giá trị cho khách hàng và người tiêu dùng. Việc bù đắp kiến thức về sở hữu trí tuệ cũng tạo điều kiện cho phát triển đổi mới sáng tạo nhanh, mạnh và bền vững.

 

Theo Vietq.vn


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang