Tại Kiên Giang, nông dân các huyện ven biển đang vào vụ thu hoạch sò huyết dưới tán rừng phòng hộ. Khảo sát thị trường, được biết sò huyết loại 100-110 con/kg, thương lái thu mua tại vùng nuôi giá 90.000 đồng/kg. Sò huyết loại 80-85 con/kg, giá 120.000 đồng/kg. Theo các hộ dân nuôi sò huyết, mức giá năm nay thấp hơn cùng kỳ năm trước khoảng 30.000 đồng/kg.
Anh Trần Hoàng Tuấn, một hộ dân chuyên nuôi sò huyết dưới tán rừng tại ấp Xẻo Quao, xã Thuận Hòa, huyện An Minh, tỉnh Kiên Giang cho biết, sò huyết thường được thả giống vào tháng 5, tháng 6 năm trước, nuôi từ 10 tháng đến 1 năm mới cho thu hoạch. Năm nay thời tiết không thuận lợi, trời nắng nóng làm phát sinh dịch bệnh, năng suất giảm, đến khi thu hoạch giá bán giảm, làm cho lợi nhuận của ngư dân cũng giảm theo.
Không chỉ sò huyết, giá tôm nuôi nước lợ như tôm sú, tôm thẻ chân trắng cũng sụt giảm từ 15.000 - 20.000 đồng/kg so với thời điểm cuối tháng 3.
Tương tự, tại tỉnh Cà Mau, ông Huỳnh Văn Dũng, ấp Kinh 6, xã Tân Bằng, huyện Thới Bình– một hộ dân nuôi tôm, cho biết giá tôm sú mấy ngày qua đã giảm khoảng 10%: “Bây giờ giá tôm đang giảm, thương lái vô mua nói bị ảnh hưởng thuế, giá giảm. Bà con cũng lo lắng, sợ làm không có lời”.
Ông Lê Duy Châu, người nuôi tôm siêu thâm canh, xã Tạ An Khương, huyện Đầm Dơi cũng cho hay, giá tôm thẻ chân trắng được công bố trong các hội nhóm thu mua đã giảm khoảng 15% so với trước khi Mỹ công bố thuế đối ứng. Hiện tôm thẻ loại 30 con, chỉ còn khoảng 145 ngàn đồng/kg.
“Doanh nghiệp đang thu mua cũng ít hơn, giá xuống thấp. Tuy nhiên, tôm đang nuôi và đây là nghề của mình thì vẫn phải làm chứ sao mà bỏ được. Mong sao nhà nước, chính quyền và doanh nghiệp chung tay, có thể trợ giá hay có chính sách hỗ trợ người nuôi tôm. Nói chung, bà con ai cũng lo lắng”, ông Châu bày tỏ.
Được biết, trước những biến động về thuế quan, Cục Thủy sản và Kiểm ngư (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) cũng đã có văn bản chỉ đạo gửi các Sở Nông nghiệp và Môi trường các tỉnh, thành phố ven biển và các tỉnh, thành phố nội đồng vùng Đồng bằng sông Cửu Long về tăng cường chỉ đạo sản xuất nuôi trồng thủy sản. Trong đó, người dân, doanh nghiệp thủy sản cần tránh tâm lý lo sợ dẫn đến tình trạng thu hoạch ồ ạt thủy sản nuôi hoặc hạn chế sản xuất, xuống giống... làm ảnh hưởng đến kế hoạch sản xuất và mục tiêu tăng trưởng của ngành.
Để chuẩn bị phương án chuyển hướng tích cực, các địa phương thường xuyên cập nhật, nắm chắc tình hình, cung cấp thông tin thị trường đến người dân và doanh nghiệp yên tâm, ổn định sản xuất trong thời gian các bộ, ban, ngành chức năng đàm phán với Hoa Kỳ.
“Tối ưu hóa chuỗi sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, áp dụng triệt để các biện pháp giảm chi phí sản xuất, hạ giá thành sản phẩm, quan tâm xây dựng thương hiệu, đảm bảo kiểm soát và truy xuất nguồn gốc xuất xứ để tránh bị áp gian lận nguồn gốc hàng hóa và tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm. Sẵn sàng cho kịch bản không thể đàm phán, nỗ lực chuyển hướng xuất khẩu sang các thị trường Trung Quốc, Hàn Quốc, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, đồng thời tìm kiếm thị trường mới” - văn bản Cục Thủy sản và Kiểm ngư nêu rõ.
Theo ông Trần Đình Luân - Cục trưởng Cục Thủy sản và Kiểm ngư, mục tiêu tăng trưởng ngành thủy sản năm nay 4,35% sẽ là con số thách thức lớn trong bối cảnh thị trường quốc tế còn nhiều bất định. Tuy nhiên, những tín hiệu tích cực từ hai sản phẩm chủ lực là tôm và cá tra - đặc biệt tôm tăng trưởng trên 37,8% trong quý I đã tạo nền tảng lạc quan cho kế hoạch cả năm.
Theo đó, sản lượng thủy sản cả nước trong quý I đạt gần 2 triệu tấn, tăng 2,8% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, sản lượng khai thác đạt khoảng 880.000 tấn, gần như đi ngang (+0,1%) trong khi sản lượng nuôi trồng đạt hơn 1,1 triệu tấn, tăng 5,1%. Kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt 2,29 tỷ USD, tăng tới 18,1% so với cùng kỳ 2024.
Theo Vnbusiness