Thứ Năm, 21/11/2024 19:42:22 GMT+7
Lượt xem: 189

Tin đăng lúc 19-08-2024

Sóc Trăng - điểm đến hấp dẫn nhà đầu tư

Theo quy hoạch tỉnh Sóc Trăng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, tỉnh Sóc Trăng hội tụ rất nhiều lợi thế. Trong đó, Cảng biển nước sâu Trần Đề là điều kiện thuận lợi, hấp dẫn các nhà đầu tư.
Sóc Trăng - điểm đến hấp dẫn nhà đầu tư
Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng Trần Văn Lâu gặp gỡ, chia sẻ với các doanh nghiệp.

Xác định “Thành công của doanh nghiệp chính là thành công của tỉnh”, thời gian qua, chính quyền tỉnh Sóc Trăng luôn đồng hành, kịp thời gỡ khó, tạo điều kiện tốt nhất để doanh nghiệp phát triển.

 

Đẩy mạnh phát triển Cảng biển nước sâu Trần Đề

 

Sóc Trăng có tiềm năng rất lớn để phát triển kinh tế biển và ven biển. Tỉnh có bờ biển dài 72 km, đứng thứ ba khu vực ĐBSCL (sau Cà Mau và Kiên Giang). Theo quy hoạch vùng ĐBSCL và quy hoạch tỉnh Sóc Trăng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Sóc Trăng đang hội tụ rất nhiều lợi thế cạnh tranh, điều kiện thuận lợi để thu hút, triển khai các hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh, nhất là các ngành như: nông nghiệp công nghệ cao, cảng biển, logistics, công nghiệp chế biến, năng lượng tái tạo và du lịch…

 

Sóc Trăng có một số sản phẩm đặc trưng, nổi tiếng như gạo ST25, hành tím Vĩnh Châu... Trong đó, gạo ST25 được thị trường rất ưa chuộng và đoạt giải thưởng Gạo ngon nhất thế giới. Đặc biệt, Cảng biển nước sâu Trần Đề, cùng dự án tuyến đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, cầu Đại Ngãi… đang trong quá trình xây dựng sẽ hình thành nên mạng lưới giao thông đồng bộ, khơi thông dòng chảy tiêu thụ nông sản.

 

Đặc biệt, Sóc Trăng sẽ phát triển, thành lập Khu kinh tế ven biển Trần Đề dọc theo cửa biển Trần Đề và vùng ven biển tỉnh Sóc Trăng, quy mô dự kiến khoảng 40.000 ha, với định hướng là khu kinh tế tổng hợp, đa ngành, đa chức năng, nhằm khai thác, phát huy đồng bộ, hiệu quả cảng biển nước sâu Trần Đề khi được bổ sung, điều chỉnh chỉ tiêu quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và đáp ứng các điều kiện theo quy định về quản lý khu công nghiệp và khu kinh tế.

 

Với lợi thế được quy hoạch, Cảng biển nước sâu Trần Đề, Sóc Trăng sẽ trở thành động lực phát triển kinh tế của khu vực ĐBSCL. Vì vậy, tỉnh đang kêu gọi đầu tư xây dựng phát triển hạ tầng theo định hướng phát triển đô thị thông minh, xanh, thích ứng với biến đổi khí hậu, khai thác lợi thế hành lang ven sông Hậu, kết nối khu vực kinh tế biển, từng bước đô thị hóa các huyện Trần Đề, Long Phú…

 

Tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp

 

Trong nhiều lần đối thoại, tiếp và làm việc với các doanh nghiệp trong và ngoài nước, ông Trần Văn Lâu, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng đã khẳng định, Sóc Trăng luôn cầu thị, cam kết tạo điều kiện thuận lợi nhất để các doanh nghiệp đến tìm hiểu, đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh tại tỉnh. Sóc Trăng sẽ tiếp tục nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp để cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; lắng nghe, nắm bắt và kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ vướng mắc, khó khăn trong quá trình thực hiện dự án, giúp cộng đồng doanh nghiệp an tâm đầu tư sản xuất, kinh doanh.

 

Nói đi đôi với hành động, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ban ngành có liên quan triển khai thực hiện nhiều giải pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển. Tỉnh cũng chú trọng công tác cải cách thủ tục hành chính (TTHC), thực hiện tốt mô hình giải quyết TTHC theo hướng một đầu mối, đảm bảo yêu cầu nhanh chóng, hiệu quả và tuân thủ quy định của pháp luật; chủ động rút ngắn thời gian giải quyết TTHC, tăng cường cung cấp dịch vụ công trực tuyến và cung cấp thông tin trực tuyến nhằm giúp doanh nghiệp giảm bớt thời gian và chi phí cho thực hiện các thủ tục theo quy định...

 

Tỉnh cũng đã ban hành nhiều quyết sách, đề án với nhiều hoạt động hỗ trợ, phát triển doanh nghiệp trên địa bàn, như: hỗ trợ đào tạo, phát triển nguồn nhân lực; ứng dụng, chuyển giao khoa học công nghệ; liên kết, tiêu thụ, mở rộng thị trường, Đề án Hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp tỉnh Sóc Trăng đến năm 2025… Từ đó, cộng đồng doanh nghiệp tại tỉnh Sóc Trăng không ngừng lớn mạnh cả về số lượng, quy mô sản xuất, nguồn vốn hoạt động, giải quyết việc làm, thu nhập ổn định cho người lao động, đóng góp không nhỏ vào ngân sách, thúc đẩy kinh tế - xã hội của địa phương phát triển. Toàn tỉnh Sóc Trăng hiện có khoảng 4.000 doanh nghiệp đang hoạt động. Các doanh nghiệp đã tích cực đồng hành, chia sẻ cùng với tỉnh trong các chương trình an sinh xã hội, giải quyết việc làm và đóng góp đáng kể cho ngân sách địa phương.

 

Hiện nay, nhiều dự án hạ tầng quan trọng như: Dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng đã khởi công ngày 17/6/2023; Cầu Đại Ngãi đã khởi công ngày 15/10/2023, dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2026; đường ven biển từ cầu Mỹ Thanh kết nối Bạc Liêu; nâng cấp đường Nam Sông Hậu giai đoạn 2; tuyến đường trục phát triển kinh tế Đông Tây; các công trình giao thông trọng điểm kết nối với Cảng biển Trần Đề… là động lực chính, kỳ vọng lớn thu hút đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của Sóc Trăng trong thời gian tới.

 

Theo diendandoanhnghiep.vn


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang