Thứ Sáu, 22/11/2024 19:07:22 GMT+7
Lượt xem: 17844

Tin đăng lúc 31-08-2017

SOM 3-APEC 2017 thành công tốt đẹp và dấu ấn Việt Nam

Hội nghị các quan chức cao cấp APEC lần thứ 3 (SOM 3) vừa kết thúc vào chiều 30/8 tại Thành phố Hồ Chí Minh.
SOM 3-APEC 2017 thành công tốt đẹp và dấu ấn Việt Nam
Họp báo SOM 3-APEC 2017.

Có thể nói, Việt Nam đã thực hiện tốt vai trò chủ nhà tổ chức Hội nghị các quan chức cao cấp APEC lần thứ 3 và các hoạt động liên quan, cả về nội dung lẫn công tác tổ chức. Đại diện các nền kinh tế thành viên APEC đánh giá cao về vần đề này.


Hội nghị các quan chức cao cấp APEC lần thứ 3 diễn ra trong bối cảnh triển vọng tăng trưởng của kinh tế và thương mại toàn cầu và khu vực khởi sắc hơn; dự báo tăng trưởng của khu vực sẽ tiếp tục cao hơn tốc độ tăng trưởng toàn cầu (3,8% so với 3,5%).

 

Tuy nhiên, gia tăng khoảng cách phát triển giữa các nền kinh tế cũng như trong bản thân từng nền kinh tế, sự nổi lên của nhiều thách thức an ninh phi truyền thống như: thiên tai, bệnh dịch, già hóa dân số, biến đổi khí hậu…tiếp tục đặt ra nhu cầu APEC cần tiếp tục duy trì động lực tăng trưởng và tăng cường hợp tác, liên kết đáp ứng thiết thực hơn các quan tâm của người dân, doanh nghiệp.

 

Các thành viên APEC đã khẳng định quyết tâm tiếp tục đưa hợp tác của APEC gắn hơn với những quan tâm và lợi ích thiết thực của từng nền kinh tế, từng cộng đồng người dân cũng như doanh nghiệp.

 

Với 7 hoạt động liên tiếp, các vấn đề y tế được quan tâm nhất hiện nay đã được rà soát, bàn thảo và thống nhất để đệ trình Tuần lễ cấp cao APEC vào tháng 11 tại Đà Nẵng. Trong đó, Việt Nam đề xuất chủ đề “Tăng cường hệ thống y tế hướng tới bao phủ sức khỏe toàn dân và phát triển bền vững” và sáng kiến nhằm thúc đẩy cam kết chính trị của các thành viên APEC đối với vấn đề phòng chống bệnh lao và bệnh lao kháng thuốc.

 

Tại cuộc họp cao cấp lần thứ 7 về y tế và kinh tế với chủ đề "Cải cách tài chính y tế vì sức khỏe cộng đồng hướng tới phát triển bền vững”, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam nhấn mạnh: Khu vực châu Á – Thái Bình Dương đang đối mặt với thách thức về sức khỏe con người, già hóa dân số đang tăng và diễn biến nhanh. Việc đầu tư cho y tế là hết sức cần thiết và cấp bách, mọi người dân có quyền bình đẳng trong việc sử dụng các dịch vụ y tế với chất lượng tốt nhất.

 

Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, một trong những thách thức lớn nhất làm sao có được hệ thống chính sách đảm bảo bảo hiểm được bao phủ toàn dân với nhiều gói dịch vụ khác nhau để đáp ứng tất cả các yêu cầu rất đa dạng của người dân. Làm sao thay đổi cách chi tiêu trong y tế, chuyển dần từ khám bệnh, chữa bệnh là chủ yếu sang dự phòng, tăng sử dụng các biện pháp không dùng thuốc. Cùng với đó là khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư vào phát triển các cơ sở chăm sóc sức khỏe cho mọi người, đặc biệt là các cơ sở dưỡng lão, để đón trước xu thế già hóa. Tất cả những điều đó đặt ra yêu cầu đổi mới mạnh mẽ cơ chế tài chính về y tế.

 

 

Các phóng viên tham gia buổi họp báo.


Về kinh tế, Việt Nam đã chủ trì tốt nhiều cuộc họp nhóm, hội thảo, đối thoại liên quan đến chống tham nhũng, nguồn gốc xuất xứ của hàng hóa, thương mại điện tử xuyên biên giới, lộ trình kinh tế mạng, tham gia của các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong chuỗi cung ứng dịch vụ hậu cần logistics …

 

Tại đó, các thành viên cũng đề cập việc thực hiện các cam kết Bô-go và chia sẻ thông tin, kinh nghiệm về tham gia các liên kết kinh tế khu vực và hiệp định thương mại tự do; vấn đề nâng cao năng lực cho các thành viên trong tham gia liên kết kinh tế khu vực cũng được đề cập, các vấn đề thương mại và đầu tư thế hệ mới.

 

Đáng chú ý là đối thoại ở cấp Quan chức cao cấp APEC (SOM) về các hiệp định thương mại khu vực và hiệp định thương mại tự do (RTAs/FTAs) trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương, đã chia sẻ nhiều quan điểm, kinh nghiệm trong đàm phán, ký kết và thực thi các hiệp định này tại châu Á - Thái Bình Dương.

 

"Việt Nam đã đóng góp rất nhiều. Việt Nam là một nền kinh tế đang đẩy mạnh chương trình nghị sự để phát triển trong năm nay. Việt Nam đã đóng vai trò then chốt trong các lĩnh vực như lao động, dịch vụ và đầu tư” - bà Krasna Bobenrieth, Vụ trưởng Vụ APEC, Tổng cục trưởng Kinh tế Quốc tế Chile nhận xét.

 

Về vai trò điều phối các hoạt động trong Hội nghị các quan chức cao cấp APEC lần thứ 3 của Việt Nam, bà Kathrn Heather Barbara Clemans, đại biểu của Hoa Kỳ cho biết: “Xuất sắc. Chúng tôi đã có những cuộc đàm thoại tuyệt vời về kinh tế cấp cao. Những cuộc đối thoại về tự do thương mại và thương mại nội địa diễn ra rất thuận lợi. Việt Nam dẫn dắt những cuộc đối thoại này rất tốt”.

 

Một trong những hoạt động quan trọng của Hội nghị các quan chức cao cấp APEC lần thứ 3 là Việt Nam đã đưa ra sáng kiến “Phát triển bao trùm về kinh tế, tài chính và xã hội”.

 

Thực tế cho thấy trong các nền kinh tế APEC, hợp tác về bao trùm còn rải rác và thiếu sự phối hợp chặt chẽ. APEC chưa hình thành các chính sách toàn diện để thúc đẩy bao trùm về kinh tế, tài chính và xã hội trong khi ba lĩnh vực này tùy thuộc và bổ trợ lẫn nhau. Sáng kiến đã góp phần xây dựng nhận thức chung về sự cần thiết hình thành một Chương trình hành động APEC về phát triển bao trùm, trong đó sẽ có các tiêu chí cụ thể, các giải pháp liên ngành, các biện pháp hỗ trợ nâng cao năng lực thể chế và pháp lý liên quan thúc đẩy phát triển bao trùm.

 

Ông Bùi Thanh Sơn, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam, Chủ tịch SOM APEC 2017 cho biết: “Đây là lần đầu tiên trong APEC có một diễn đàn về phát  triển bao trùm trên cả 3 lĩnh vực kinh tế, tài chính và xã hội, thể hiện sự hợp lực của tiến trình phát triển về thương mại và tài chính của APEC cũng như các ủy ban, các nhóm chuyên ngành hướng tới mục tiêu xây dựng cộng đồng APEC phát triển bền vững và bao trùm trong tương lai”.

 

Với gần 80 hoạt động kéo dài trong 13 ngày và tham dự của khoảng 3.000 đại biểu, trong đó có nhiều Bộ trưởng, Thứ trưởng của nhiều thành viên APEC, đại diện các tổ chức quốc tế và khu vực, giới doanh nghiệp, học giả và truyền thông trong và ngoài nước, Hội nghị quan chức cao cấp APEC lần thứ 3 (SOM 3) là hội nghị quan chức cao cấp có quy mô lớn nhất của Năm APEC Việt Nam 2017.

 

Với việc đăng cai tổ chức Hội nghị quan chức cao cấp APEC lần thứ 3 và các cuộc họp liên quan, Việt Nam tiếp tục khẳng định chủ trương hội nhập quốc tế sâu rộng và coi trọng khu vực châu Á - Thái Bình Dương, trong đó có các cơ chế hợp tác khu vực như APEC. Các Bộ, ngành, cơ quan của Việt Nam một lần nữa có dịp thể hiện sự đóng góp tích cực và chủ động cho các quan tâm của khu vực và quốc tế với nhiều sáng kiến, đề xuất mang tính dấu ấn./.

 

Nguồn VOV


Tin liên quan:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang