Sau khi xem xét Tờ trình của Ban cán sự đảng Bộ Công Thương (Tờ trình số 01-TTr/BCSĐ, ngày 26/5/2017) và ý kiến của các cơ quan có liên quan, Bộ Chính trị đã thảo luận và kết luận như sau:
1- Bộ Chính trị đánh giá cao tinh thần trách nhiệm, nỗ lực, khẩn trương, quyết liệt của Ban cán sự đảng Chính phủ, Ban cán sự đảng Bộ Công Thương trong việc lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện các biện pháp tháo gỡ những khó khăn vướng mắc, đồng thời xử lý các tồn tại, yếu kém đối với các dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả thuộc ngành Công Thương trong thời gian qua. Đây là bài học đắt giá cho các cấp, các ngành trong việc đầu tư, quản lý và khai thác nguồn lực nhà nước trong hoạt động sản xuất kinh doanh.
2- Trong quá trình chỉ đạo và triển khai thực hiện các biện pháp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc và xử lý các tồn tại, yếu kém đối với các dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả thuộc ngành Công Thương, cần quán triệt các mục tiêu và quan điểm sau:
2.1- Về mục tiêu:
Tập trung chỉ đạo quyết liệt hơn nữa, bảo đảm sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ của cả hệ thống chính trị, sớm giải quyết dứt điểm các tồn tại, vướng mắc để chấm dứt tình trạng thua lỗ, khắc phục tối đa thiệt hại cho Nhà nước và xã hội. Trong năm 2017, hoàn thành phương án xử lý đối với từng dự án, trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt và tổ chức triển khai thực hiện. Phấn đấu đến hết năm 2018 xử lý căn bản các tồn tại, yếu kém ở các dự án. Đến năm 2020 hoàn thành việc xử lý các tồn tại, yếu kém đối với các dự án. Xác định rõ trách nhiệm, xử lý nghiêm minh đối với các tổ chức, cá nhân có sai phạm trong quá trình đầu tư, quản lý, vận hành, khai thác từng dự án.
2.2- Về quan điểm:
(1) Kiên quyết xử lý các dự án, doanh nghiệp thua lỗ, kém hiệu quả theo nguyên tắc và cơ chế thị trường; tôn trọng nguyên tắc tự chủ, tự chịu trách nhiệm của doanh nghiệp; Nhà nước không cấp thêm vốn vào các dự án nêu trên.
(2) Căn cứ kết quả thanh tra, kiểm toán và báo cáo rà soát pháp lý, kiên quyết xử lý sớm, dứt điểm các tranh chấp, bất đồng phát sinh giữa chủ đầu tư và các nhà thầu; tái cơ cấu các dự án, doanh nghiệp theo hướng ưu tiên các phương án bán, thoái vốn cho các nhà đầu tư ngoài nhà nước, đồng thời kiên quyết thực hiện cho phá sản, giải thể theo quy định của pháp luật đối với các dự án, doanh nghiệp không có khả năng khắc phục; thu hồi tối đa tài sản của Nhà nước, hạn chế thấp nhất thất thoát và những tác động tiêu cực đối với ngân sách nhà nước cũng như đối với nền kinh tế nói chung.
(3) Bảo đảm thực hiện các phương án xử lý theo đúng quy định của pháp luật, công khai minh bạch; tăng cường trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu trong quá trình thực hiện các chủ trương, giải pháp xử lý các dự án, doanh nghiệp; quan tâm toàn diện bảo đảm lợi ích cao nhất của Nhà nước, quyền lợi của người lao động, an sinh- xã hội, an ninh- quốc phòng, môi trường và ổn định xã hội; hết sức lưu ý khâu định giá tài sản, nhất là giá trị quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất.
(4) Tiến hành thanh tra, kiểm toán, điều tra để làm rõ những sai phạm, vi phạm pháp luật ở từng dự án, doanh nghiệp, làm rõ trách nhiệm từng tổ chức, cá nhân liên quan, xử lý nghiêm minh, sớm hoàn tất các thủ tục tố tụng theo quy định của pháp luật, không để tái diễn những yếu kém, khuyết điểm trong quản lý và điều hành đối với doanh nghiệp nhà nước như thời gian qua.
3- Giao Ban cán sự đảng Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Công Thương và các bộ, ngành liên quan khẩn trương triển khai thực hiện phương án xử lý các dự án, doanh nghiệp bảo đảm đúng mục tiêu, quan điểm, nguyên tắc đề ra, đạt hiệu quả cao nhất./.
Nguồn Báo Công Thương