Những con số ý nghĩa
Năm 2017, tỉnh Sơn La phải trải qua hai trận lũ quét lịch sử, tổn thất nặng nề về người và tài sản, tổng thiệt hại lên tới 2.600 tỷ đồng. Ðối với một tỉnh nghèo, kinh tế chậm phát triển, đời sống sản xuất của người dân còn nhiều khó khăn thì đây là một thiệt hại lớn. Nhưng Sơn La đã lại vượt lên duy trì đà tăng trưởng kinh tế đứng thứ 3 trong số 14 tỉnh miền núi phía bắc, nhiều chỉ tiêu lần đầu đạt con số ấn tượng.
Ðánh giá về điều này, trong buổi gặp mặt đầu năm 2018, đồng chí Hoàng Văn Chất, Bí thư Tỉnh ủy Sơn La cho rằng, những con số khô khan nhưng thể hiện quyết tâm trong lãnh đạo, chỉ đạo của tỉnh. Các cấp ủy đảng, chính quyền đã thay đổi nhận thức về tư duy kinh tế, gắn sản xuất với thị trường tiêu thụ, lựa chọn sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, phát triển kinh tế bền vững, phù hợp tiềm năng thế mạnh. Năm 2017, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm (GRDP) đạt 9,59%, trong đó nông, lâm, thủy sản đạt 6.840 tỷ đồng, tăng 4,11%, đạt cao nhất trong 5 năm qua; công nghiệp - xây dựng tăng 18,02%; dịch vụ tăng 6,47%, thu hút gần hai triệu lượt khách du lịch, tổng doanh thu từ du lịch là 1.040 tỷ đồng. Thu nhập bình quân đạt 32,8 triệu đồng/người/năm. Thu ngân sách đạt 4.459 tỷ đồng, tăng 453 tỷ đồng.
Cuộc vận động xây dựng nông thôn mới ở Sơn La đã thu hút sự hưởng ứng, đồng thuận của người dân. Ðến nay, Sơn La đã có 16 xã được công nhận đạt tiêu chuẩn nông thôn mới. Từ năm 2014 đến nay, Sơn La đã thay đổi phương châm "Nhà nước và nhân dân cùng làm" thành "Nhân dân làm, Nhà nước hỗ trợ". Các địa phương triển khai chủ trương vận động nhân dân ở các tổ, bản, tiểu khu cứng hóa đường giao thông nông thôn, với nguyên tắc nhân dân thống nhất, đóng góp 70% bằng ngày công, tiền, Nhà nước sẽ hỗ trợ 30% bằng xi-măng. Tại nhiều nơi, người dân sẵn sàng hiến đất để làm đường. Có đoạn đường xuống cấp gần 20 năm, nhờ chủ trương này đã đổ bê-tông xong trong một tuần. Từ năm 2014 đến nay, tỉnh Sơn La đã xây dựng được 7.800 tuyến đường bê-tông xi-măng dài 1.800 km tại 199 xã.
Cách nghĩ, cách làm mới
Ðiểm nhấn quan trọng trong Nghị quyết Ðại hội Ðảng bộ tỉnh Sơn La lần thứ 14 (nhiệm kỳ 2015 - 2020) là mục tiêu: "Sớm xây dựng Sơn La trở thành tỉnh phát triển khá trong vùng trung du và miền núi phía bắc". Ðể hiện thực hóa mục tiêu Nghị quyết Ðại hội Ðảng bộ tỉnh, Sơn La đã đề ra bảy chương trình kinh tế trọng tâm, trong đó, nhấn mạnh đổi mới tư duy kinh tế, thực hiện cách nghĩ, cách làm mới. Rõ nét nhất là đổi mới công tác lãnh đạo, điều hành trong lĩnh vực nông nghiệp, ứng dụng công nghệ cao, tạo môi trường thông thoáng thu hút đầu tư vào lĩnh vực này. Hội nghị thu hút đầu tư của tỉnh đã thu hút được 26 dự án lớn, với tổng mức đầu tư 8.500 tỷ đồng; đồng thời ký biên bản ghi nhớ với 17 nhà đầu tư dự án, tổng mức đầu tư đạt 14.932 tỷ đồng, gấp nhiều lần mức đầu tư 5 năm trước cộng lại.
Ngay từ đầu năm 2017, tỉnh Sơn La đã tổ chức Hội nghị đối thoại tháo gỡ khó khăn cho sản xuất nông nghiệp và gặp mặt 300 hộ gia đình, chủ hợp tác xã nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản có thu nhập từ 200 triệu đồng trở lên. Năm 2017, tỉnh đã tổ chức sáu ngày hội công bố thương hiệu và tôn vinh các sản phẩm nông nghiệp như chè shan tuyết Mộc Châu, nhãn Sông Mã, xoài Yên Châu, cà-phê Mai Sơn, cam Phù Yên. Với đề án phát triển cây ăn quả trên đất dốc, toàn tỉnh đã giảm hàng chục nghìn héc-ta ngô thu nhập chỉ khoảng 10 triệu đồng/ha, chuyển sang trồng cây ăn quả, thu nhập từ vài chục đến hàng trăm triệu đồng/ha.
Cách tiếp cận sản xuất mới của Sơn La không chỉ dừng ở yêu cầu hàng hóa sản phẩm số lượng nhiều, chất lượng cao, bảo đảm an toàn thực phẩm mà còn ở việc giải quyết vấn đề thị trường tiêu thụ sản phẩm. Tỉnh thực hiện chuyển đổi vùng chuyên canh, sản xuất nguyên liệu, xây dựng bốn cánh đồng lớn liên kết sản xuất với tiêu thụ sản phẩm. Người nông dân có đất sản xuất gắn với doanh nghiệp có công nghệ, chế biến sản phẩm. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh đã có sáu nhà máy quy mô lớn chế biến rau, hoa quả, sữa, chè, mía đường. Trong đó, mới đây nhất, ngày 25-1, Tập đoàn TH đã khởi công xây dựng nhà máy chế biến hoa quả có tổng mức đầu tư 1.200 tỷ đồng tại huyện Vân Hồ, với mục tiêu trở thành vùng sản xuất chanh leo lớn nhất xuất khẩu sang thị trường châu Âu và Mỹ. Ðến nay, toàn tỉnh đã thành lập 315 hợp tác xã sản xuất nông nghiệp, tổ chức 47 chuỗi cung ứng rau, quả, thịt, thủy sản an toàn thực phẩm sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Từ đó sản phẩm nông nghiệp mang thương hiệu "Sơn La" đã có mặt tại nhiều siêu thị lớn ở Hà Nội và các tỉnh trong khu vực. Lần đầu tiên, Sơn La đã tiếp cận được thị trường xuất khẩu nông sản đòi hỏi chất lượng cao, như: Xuất khẩu 6,89 tấn xoài da xanh và 2,9 tấn nhãn sang thị trường Ô-xtrây-li-a, hai tấn chanh leo sang thị trường Pháp, 0,5 tấn nhãn sang thị trường Mỹ. Con đường phát triển kinh tế bền vững đã được mở ra, sáng tạo và ấn tượng. |
Nguồn Nhandan