Thứ Bẩy, 23/11/2024 12:33:42 GMT+7
Lượt xem: 1797

Tin đăng lúc 22-08-2022

Sống lại đam mê thêm một lần nữa

“Tôi hỏi đất: Đất sống với nhau như thế nào? Chúng tôi tôn cao nhau. / Tôi hỏi nước: Nước sống với nhau như thế nào? Chúng tôi làm đầy nhau. / Tôi hỏi cỏ: Cỏ sống với nhau như thế nào? Chúng tôi đan vào nhau làm nên những chân trời. / Tôi hỏi người: Người sống với nhau như thế nào? (Trích đoạn “Hỏi” – Tác giả: Hữu Thỉnh)
Sống lại đam mê thêm một lần nữa
Những chiến sỹ áo cam luôn mang trong mình sứ mệnh của người "thắp sáng niềm tin"

Con người chúng ta đã sống với nhau như đất trời, nước và cây cỏ...  Tất cả đều cùng dựa và nâng đỡ nhau mà sống. Cuộc đời biết bao gian nan, trắc trở, đôi khi ta khó tự mình mà vượt qua được. Giữa lúc ấy có những bàn tay luôn sẵn sàng chìa ra cho ta nắm, có những tấm lòng luôn rộng mở đón nhận và khi ấy ta biết mình may mắn, hạnh phúc đến nhường nào! Họ có thể là bạn tri kỷ nhưng cũng có thể là người lạ thoáng qua hoặc đã từng quen biết. Tình người cao quý, đôi khi được xây đắp vô cùng tự nhiên như vậy.

 

Câu chuyện mà tôi sẽ kể ra dưới đây chính là tình người, tính nhân văn trong ngôi nhà EVN - Nơi đã tiếp thêm sức mạnh, nguồn cảm hứng và nghị lực vươn lên để những người lao động có hoàn cảnh khó khăn, sức khoẻ giảm sút sau các biến cố như tai nạn lao động, bệnh tật được tiếp tục lao động, học tập, sáng tạo và cống hiến với những gì còn lại. Họ như được sống lại lần nữa sau biến cố cuộc đời.

 

Ngược lại thời gian 05 năm trở về trước, năm 2017, trên đường đi xử lý sự cố của khách hàng, anh Lê Phú Đăng, công nhân Điện lực Triệu Sơn – Công ty Điện lực Thanh Hóa (PC ThanH Hóa) đã bị tai nạn giao thông nghiêm trọng dẫn đến chấn thương sọ não. Suốt 3 tháng trên giường bệnh với cơ thể tê liệt, anh không nói hay cử động được. Người nhà gần như xác định anh sẽ sống một đời như thế, cuộc sống thực vật... thế nhưng, thật kỳ diệu khi bước sang tháng thứ 4 điều trị, anh có dấu hiệu hồi phục trí nhớ và cơ thể đã cử động. Nhưng khi ấy, anh lại ý thứ được mình đã chẳng thể như xưa nữa, đôi chân rắn rỏi thoăn thoát vượt qua những dốc đèo, leo trên từng khoảng cột, đôi bàn tay mạnh mẽ như gọng kìm xoắn từng sợi cáp một cách thoăn thoắt thuần thục và dứt khoát ấy giờ trở nên nặng nề, thừa thãi, đầu óc nhớ nhớ, quên quên. Ở cái tuổi gần 50 khi ấy, tưởng chừng mọi thứ đã đánh một chấm hết với anh. 

 

Thử hỏi, một công nhân điện đang khỏe mạnh bỗng một ngày không thể trèo cột, kéo dây và tự đi xe thì làm được gì nữa…? Tâm sự với chúng tôi, anh bảo đó là một cú sốc rất lớn! Nhưng bằng tất cả nghị lực, anh đã vượt qua mặc cảm để với quyết tâm phải tiếp tục sống thật có ích. Bao lần trắng đêm, trằn trọc suy nghĩ, rồi cũng bao lần lết tấm thân nặng nề với đôi chân vô giác để mà tập đi, ngã lên ngã xuống đã như chuyện bình thường. Bao nhiêu bữa cơm chan nước mắt! Đau đớn lắm... Để không làm ảnh hưởng đến sinh hoạt, công việc của gia đình, đồng nghiệp, anh kiên trì chăm chỉ luyện tập vận động vào những khi chỉ có một mình, lúc mà mọi người đều đi vắng hoặc đêm khuya khi ai cũng đã ngủ say. Anh tập đọc, tập viết lại… thật khó khăn – Những lúc đó anh như một đứa trẻ lớn tuổi đang bắt đầu lại mọi thứ.

 

 

Sau khi sức khỏe dần hồi phục, anh Đăng bắt đầu quay lại cơ quan và được bố trí công việc phù hợp với sức khoẻ

 

Không vì bất hạnh, đau khổ đã ập đến, anh lại tự kéo bản thân đứng dậy. Bước ra khỏi nỗi tủi hờn, mặc cảm, đau đớn để ngày mai lại có đủ dũng khí và sức lực bước tiếp. Là người chồng, người cha, trụ cột trong gia đình, anh không cho phép mình gục ngã, buông xuôi mà phải đứng dậy để làm chỗ dựa cho vợ và con anh. Anh Đăng luôn tự nhủ nếu không cố gắng, anh sẽ đánh mất chính mình, đánh mất cơ hội trở về làm chỗ dựa cho gia đình. Hơn ai hết, anh thấu hiểu gia đình chính là điểm tựa cho sự thành công. Nhờ đó, với sự kiên trì tập luyện, chỉ sau một năm, anh Đăng đã dần hồi phục và bắt đầu quay lại cơ quan, được bố trí công việc phù hợp với sức khoẻ. Sau 05 năm biến cố, để có hiện tại như bây giờ, anh nghĩ đã có phép màu nhiệm đến với mình. Đó là tình yêu thương, chia sẻ từ bởi người thân, gia đình và đồng nghiệp.

 

Mặc dù tai nạn đã lấy đi của anh nhiều sức khoẻ, nhưng mọi người luôn bắt gặp anh với nụ cười hiền hậu, lạc quan, yêu đời và cần mẫn trong công việc để minh chứng cho sự cố gắng vượt lên ở bản thân mình. Điện lực là ngôi nhà thứ hai, hàng ngày đạp xe đến cơ quan rất sớm, tranh thủ tưới, tỉa cây, quét sân vườn cơ quan, bộ ấm chén sạch sẽ, hương vị ấm trà thơm nồng anh chuẩn bị. Anh em trong đơn vị vui vẻ vừa uống nước vừa chuyện trò và trao đổi công việc của một ngày mới lại đến.

 

Điện lực Triệu Sơn hiện đang quản lý và bán điện cho hơn 50 nghìn khách hàng. Vì thế, các đợt cấp thay thế công tơ điện tử có thời điểm lên tới hàng nghìn chiếc cần phải hoàn thành đúng tiến độ đề ra. Với sự đam mê, lòng yêu nghề, được lãnh đạo đơn vị, anh em đồng nghiệp tin tưởng phân công công việc phù hợp, anh Đăng luôn chăm chỉ, cần mẫn đo, cắt, đi dây, vặn vít, lắp hộp… gọn gàng và đúng kỹ thuật. Những hộp công tơ điện tử được anh chuẩn bị sẵn nên các đồng nghiệp đưa đi để lắp đặt trên lưới rất thuận lợi. Nhờ đó mà thời gian hoàn thành công việc lần nào cũng sớm hơn dự kiến. Đến nay, Điện lực Triệu Sơn là một trong những đơn vị hoàn thành xuất sắc chỉ tiêu lắp đặt công tơ điện tử do công ty giao.

 

 

Công nhân Lê Phú Thành - Con trai anh Lê Phú Đăng tiếp nối thế hệ cha anh là những người luôn "vì niềm tin của bạn" để thắp lên ánh sáng của dòng điện được truyền đi đến khắp muôn nơi

 

Đặc biệt hơn, đầu năm 2022, con trai anh là Lê Phú Thành sau khi tốt nghiệp trường Cao đẳng Điện lực đã được nhận vào làm, còn anh về nghỉ chế độ. Không thể diễn tả hết được niềm hạnh phúc, sự hân hoan trong ánh mắt người làm cha mẹ khi thấy con mình trưởng thành, có công việc tiếp nối cái nghề, cái nghiệp của cha. Sự đau đáu, mong mỏi của một người cha đã thành hiện thực sau bao năm gắn bó, giờ trao gửi lại cả thanh xuân nhiệt huyết đó cho con.

 

Với tình cảm và trách nhiệm của mình, hàng năm, chuyên môn, Công đoàn đơn vị và PC Thanh Hoá luôn quan tâm chú trọng tổ chức thăm hỏi, tặng quà, động viên CBCNV-LĐ có hoàn cảnh khó khăn, ốm đau bệnh tật, bị tai nạn lao động, qua đó san sẻ phần nào với người lao động và gia đình họ.. Có thể nhận thấy, mỗi công nhân đều mang theo những câu chuyện chưa nguôi ngoai nỗi ám ảnh được mang tên “tai nạn lao động”. Xúc động và ấm lòng khi được đón nhận những lời thăm hỏi, chia sẻ, động viên đã giúp họ có thêm động lực, sự tự tin vượt qua khó khăn để thấy mình vẫn còn sống tốt, sống có ích và được sống với đam mê, yêu ngành, yêu nghề của bản thân.. Nét đẹp người lao động EVN không chỉ đẹp bởi màu áo cam, mà ở đó còn là trọng trách, sứ mệnh cao cả được toát lên từ ý chí và nghị lực phi thường của những người truyền đi ánh sáng khắp muôn nơi !

 

 

Công đoàn PC Thanh Hóa luôn dành sự quan tâm và chia sẻ đến người lao động

 

Câu chuyện về tấm gương lao động của anh Đăng là một trong những thông điệp cần thiết được lan tỏa đến các đồng nghiệp biết và cùng rút ra những bài học kinh nghiệm. Qua đó, góp phần giúp mỗi cá nhân cần phải nâng cao ý thức đảm bảo an toàn trong lao động sản xuất và mỗi khi tham gia giao thông... để mỗi ngày người lao động được đến nơi làm việc và trở về nhà trong sự an toàn. Một ý nghĩa nhân văn to lớn đó là khi biến cố xảy ra với đồng nghiệp mình, chúng ta không để ai bị bỏ lại phía sau.

 

Câu hỏi của nhà thơ Hữu Thỉnh: Tôi hỏi người – người sống với nhau như thế nào ? Được trả lời bằng chính những giá trị nhân văn trong ngôi nhà EVN.

 

Thùy Dương – Điện lực Triệu Sơn (PC Thanh Hóa)


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang