Còn nhớ, vào đầu tháng 5 giá ớt tại An Giang chỉ ở mức 20.000 đồng/kg. Nhưng sang đến đầu tháng 6 giá ớt bắt đầu tăng vọt lên mức 45.000 đồng/kg, cao gấp đôi so với cùng kỳ năm 2018. Theo đó, người trồng ớt ở An Giang có thể lãi khoảng 30 triệu đồng/công. Nhiều người lỡ bán hàng sớm nay tiếc, xót ruột như bị xát muối ớt.
Thế nhưng, những ngày này, loại quả gia vị trồng ở ĐBSCL tiếp tục lên cơn sốt chưa từng có khi giá tăng liên tục và tăng theo từng ngày. Đơn cử, vào thời điểm giữa tháng 6 giá ớt tại Hậu Giang đã bật tăng lên mức 70.000 đồng/kg.
Trên báo Hậu Giang, anh Bùi Thế Lực - một nhà vườn trồng ớt tại Bình Thạnh (thị xã Long Mỹ, Hậu Giang) cho biết, anh trồng 2 công ớt chỉ thiên, nhờ giá cao như hiện tại mà mỗi ngày gia đình thu nhập hơn 4 triệu đồng sau khi hái bán 60kg ớt cho thương lái.
Tương tự, những ngày này tại Tây Ninh, thương lái cũng tranh nhau mua ớt với giá cao ngất ngưởng, lên tới 70.000-80.000 đồng/kg, thậm chí có thời điểm giá ớt được thu mua ở mức 100.000 đồng/kg, tăng gấp 2,5 lần so vụ trước.
Đỉnh điểm nhất là ở Sóc Trăng, thương lái đến xuống tận vườn thu mua ớt với giá vượt mốc 100.000 đồng/kg.
Trên báo Sóc Trăng, chị Hà Thu Nguyên - tiểu thương bán rau củ tại chợ TP. Sóc Trăng cho biết, khoảng hơn nửa tháng nay, giá ớt tăng cao, có khi lên tới 150.000 đồng/kg nhưng cũng không dễ gì mua được số lượng nhiều để bán.
Theo các nhà vườn trồng ớt ở Sóc Trăng, giá ớt đang lên “cơn sốt” từng ngày, thậm chí giá còn tăng nhanh hơn giá vàng. Ví như loại ớt chỉ thiên chỉ trong vòng một tháng nay đã tăng từ 30.000 đồng/kg lên đến hơn 100.000 đồng/kg (gấp khoảng hơn 3 lần).
Các nhà vườn trồng ớt ở ĐBSCL cũng cho biết, nhiều năm trở lại đây giá ớt thất thường, cộng với tình hình thời tiết bất lợi, mưa lớn kéo dài và bệnh thối trái trên ớt lan rộng nên nhiều người không còn mặn mà với cây ớt mà chuyển sang trồng cây khác. Đó cũng là nguyên nhân khiến giá ớt bị đẩy lên cao chóng mặt như hiện tại.
Nhiều thương lái thua mua ớt cũng thừa nhận, vụ hè thu năm nay diện tích ớt giảm mạnh, nhiều nơi chuyên trồng ớt nay người nông dân đã chuyển sang trồng lúa và các loại hoa màu khác. Trong khi giá ớt xuất khẩu tăng cao mà không đủ nguồn cung nên đẩy giá ớt tăng, có lúc trên 100.000 đồng/kg. Có thể nói, đây là mức giá cao nhất nhiều năm qua.
Xoài giảm giá mạnh, thương lái thu mua thanh long với giá cao
Báo cáo mới nhất của Cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản (Bộ NN-PTNT), đầu tháng 6 là thời điểm rộ thu hoạch mặt hàng xoài. Tại Đồng Tháp, giá xoài cát chu bán ra khá thấp, chỉ dao động quanh 7.000 đồng/kg. Song, đến cuối tháng, xoài cuối vụ giảm sản lượng nên giá đã nhích lên 20.000-40.000 đồng/kg (tùy loại), nhưng mức này vẫn thấp hơn so với năm ngoái.
Tương tự, trong tháng cũng là thời điểm mít Thái đang vào vụ thu hoạch rộ nên giá bán loại quả này chỉ ở mức 15.000 đồng/kg đối với loại 1, 12.000 đồng/kg đối với loại 2, 8.000 đồng/kg đối với loại 3. Nguyên nhân giá mít xuống thấp là do thương lái Trung Quốc không thu mua, trong khi đó, các nhà máy chế biến trái cây đã có kế hoạch sản xuất.
Trái với giá mít lên xuống thất thường, giá sầu riêng năm nay ổn định ở mức cao. Khu vực Bù Đăng, Phước Long, Phú Riềng sầu riêng bán với giá 60.000-65.000 đồng/kg tại vườn và đến tay người tiêu dùng có thể lên đến 80.000-90.000 đồng/kg.
Bên cạnh đó, thanh long Bình Thuận đang ở cuối mùa chong đèn nghịch vụ, sản lượng bán chưa nhiều nên giá liên tục tăng từ đầu tháng 5 đến nay và đang giữ mức cao lâu nhất trong thời gian qua. Hiện thanh long loại 1 giá ổn định từ 26.000–27.000 đồng/kg. |
Theo Vietnamnet