Thứ Năm, 21/11/2024 19:41:43 GMT+7
Lượt xem: 3627

Tin đăng lúc 07-10-2020

“Sự cần thiết của các nhà máy điện ICE và các ứng dụng trong hệ thống điện tương lai của Việt Nam”

Đó là chủ đề và nội dung chính của Hội nghị Báo cáo khoa học chuyên ngành diễn ra vào ngày 07/10/2020 do Wärtsilä Energy (Tập đoàn hàng đầu thế giới về các giải pháp năng lượng linh hoạt dựa trên công nghệ động cơ đốt trong - ICE và Hệ thống pin tích trữ năng lượng) phối hợp với Đại sứ quán Phần Lan và Viện Năng lượng (IE) thuộc Bộ Công Thương đồng tổ chức. Hội nghị đã thu hút sự tham gia của nhiều đơn vị chủ chốt thuộc cả khu vực Nhà nước và tư nhân trong lĩnh vực năng lượng.
“Sự cần thiết của các nhà máy điện ICE và các ứng dụng  trong hệ thống điện tương lai của Việt Nam”
Toàn cảnh Hội nghị

Ngay sau phần khai mạc, Hội nghị đã nhanh chóng đi thẳng vào các phần báo cáo khoa học, tham luận có tính thời sự, bức thiết hiện nay như: “Các xu hướng dịch chuyển năng lượng trên toàn cầu và mối liên hệ tới các hệ thống điện với tỷ trọng năng lượng tái tạo cao” (do ông Nicolas Leong – Giám đốc khu vực Bắc & Đông Nam Á của Tập đoàn Wärtsilä thuyết trình); “Tổng quan hệ thống điện Việt Nam, các thách thức hiện tại & tương lai” (của diễn giả Nguyễn Thế Thắng – Viện Năng lượng); “Thông số đầu vào, kịch bản mô phỏng, kết quả và kiến nghị từ báo cáo các dự án về điện ICE” (do chuyên gia Lê Thu Hà – Viện Năng lượng trình bày); “Các giải pháp nhanh và linh hoạt khi sử dụng công nghệ ICE cho hệ thống điện Việt Nam” (do ông Phạm Minh Thành – Giám đốc Quốc gia tại Việt Nam thuộc Tập đoàn Wärtsilä  giới thiệu);…

 

 

Các đại biểu tham dự Hội nghị

 

Qua các báo cáo khoa học và tham luận trên cho thấy, hiện nay, hệ thống điện của Việt Nam đang phải đối mặt với những thách thức lớn trước tốc độ tăng trưởng, nhu cầu điện ngày một cao, dẫn đến tình trạng, nguy cơ thiếu điện trong tương lai không xa. Điều này khiến chúng ta cần phải nghiên cứu, xem xét, đánh giá một cách nghiêm túc, khoa học và khẩn trương việc tích hợp năng lượng tái tạo và tiềm năng ứng dụng của các nhà máy điện ICE trong Quy hoạch phát triển điện lực Việt Nam sắp tới. Trước bối cảnh đó, tại Hội nghị, các báo cáo tham luận đã cho biết cũng như đánh giá cụ thể các kịch bản khi triển khai, ứng dụng các nhà máy điện ICE trong các giai đoạn khác nhau: Dài hạn (2020–2050), trung hạn (2020–2030) và ngắn hạn (2020–2025).

 

 

Đại sứ Phần Lan - ngài Kari Kahiluoto phát biểu tại Hội nghị

 

Tại Hội nghị, nhằm đưa ra những giải pháp tối ưu, hợp tác hiệu quả với Chính phủ Việt Nam,  Đại sứ Phần Lan tại Việt Nam, Ngài Kari Kahiluoto nhấn mạnh: “Đại sứ quán Phần Lan đã và đang hợp tác chặt chẽ với các công ty năng lượng lớn của Phần Lan và các cấp Bộ, ngành chủ chốt trong lĩnh vực năng lượng của Việt Nam nhằm thúc đẩy việc tăng cường việc sử dụng năng lượng tái tạo và sạch. Việc này có vai trò quan trọng với Việt Nam, vì đây là quốc gia này nằm trong nhóm dễ bị “tổn thương” nhất trước tác động của biến đổi khí hậu. Trong khi đó, Wärtsilä - một Tập đoàn quốc tế của Phần Lan, có nhiều năng lực, kinh nghiệm quý báu để giải quyết các vấn đề đã nêu. Đây là đơn vị tiên phong trong việc phát triển các giải pháp bền vững và đi đầu trong việc chuyển đổi năng lượng. Bởi thế, chúng tôi mong muốn được thấy các giải pháp của Wärtsilä song hành với việc tăng tỷ trọng năng lượng tái tạo trong tổng thể năng lượng, tạo ra sự tăng trưởng năng lượng bền vững của Việt Nam và đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế đang phát triển này”.

 

Việt Nam đã và đang tận dụng lợi thế của việc giảm giá thành các công nghệ năng lượng tái tạo. Sự gia tăng nhanh chóng tỷ trọng sản xuất điện từ năng lượng mặt trời và gió đã vượt xa mục tiêu đăt ra trong Quy hoạch điện lực 7. Tuy nhiên, các nguồn phát điện chủ yếu là nguồn nhiệt truyền thống (than và tuabin khí chu trình hỗn hợp), trong khi tiềm năng về các nhà máy thủy điện lớn đã đạt đến giới hạn. Rõ ràng hệ thống điện hiện nay sẽ gặp khó khăn trong việc tích hợp những nhà máy điện tái tạo này vào hệ thống điện. Như vậy, việc nghiên cứu, ứng dụng các Nhà máy điện ICE là những giải pháp quan trọng, hữu ích, thiết thực…

 

 

Ông Hoàng Tiến Dũng - Cục trưởng Cục Điện lực và NLTT phát biểu tại sự kiện

 

Phát biểu tại Hội nghị, ông Hoàng Tiến Dũng – Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) khẳng định: “Nghiên cứu về khả năng áp dụng các nguồn động cơ đốt trong linh hoạt ICE trong hệ thống điện Việt Nam là một trong những đề án bổ trợ cho việc lập Quy hoạch điện 8. Điều này được thực hiện trên cơ sở hợp tác giữa Đại sứ quán Phần Lan và Viện Năng lượng. Nghiên cứu còn có sự tham gia của Tập đoàn Wärtsilä – một trong những nhà cung cấp hàng đầu thế giới về giải pháp động cơ đốt trong linh hoạt – ICE. Với đội ngũ tư vấn là các chuyên gia của Viện Năng lượng giàu kinh nghiệm về quy hoạch hệ thống điện và các công cụ phần mềm tiên tiến như Balmorel, PLEXOS, các Đề án nghiên cứu đã thu được những kết quả tích cực. Các kết quả này đã được sử dụng trong quá trình lập Quy hoạch điện quốc gia với đề xuất đưa vào vận hành khoảng 600 MW nguồn điện ICE trong giai đoạn 2022 – 2025 và tăng lên đến 2.000 MW năm 2030, để đảm bảo vận hành cho hệ thống điện có tích hợp với tỷ trọng cao nguồn điện gió, điện mặt trời…”.

 

 

Ông Phạm Minh Thành - Giám đốc Quốc gia Wartsila tại Việt Nam tham luận tại sự kiện

 

Tại sự kiện, phần trình bày về cách thức, các giải pháp năng lượng linh hoạt dựa trên công nghệ ICE có thể hỗ trợ hệ thống cung cấp điện của Việt Nam, ông Phạm Minh Thành - Giám đốc Quốc gia tại Việt Nam của Wärtsilä cũng cho biết: “Các nhà máy điện ICE của chúng tôi có thể đóng góp một vai trò quan trọng trong các giải pháp nhằm giải quyết những thách thức mà hệ thống điện Việt Nam đang phải đối mặt. Trong giai đoạn ngắn hạn, các nhà máy điện ICE có thể giúp đáp ứng nhu cầu năng lượng ngày càng tăng một cách hiệu quả và về lâu dài các nhà máy này có thể cung cấp nguồn dự trữ và cân bằng năng lượng tái tạo cho hệ thống điện, hướng quá trình chuyển đổi tới một tương lai có tỉ trọng năng lượng tái tạo cao”.

 

Hiện nay, Wärtsilä đã cung cấp tổng công suất lắp đặt các Nhà máy điện ICE với hơn 72 GW tại 180 quốc gia, trong đó gần 10 GW tại khu vực Đông Nam Á. Các nhà máy điện động cơ ICE của Wärtsilä được thiết kế theo mô-đun và có thể được xây dựng nhanh chóng (trong vòng 12 tháng) để cung cấp nguồn điện cần thiết một cách nhanh chóng. Đồng thời, những nhà máy này được biết đến rộng rãi với độ linh hoạt cao khi có thể hoà lưới trong vòng chưa đầy 30 giây, kể từ khi khởi động và có thể đạt đầy tải trong vòng chưa đầy 2 phút. Cùng với hệ thống pin tích trữ năng lượng, các nhà máy điện ICE có thể giúp cân bằng nguồn năng lượng tái tạo, duy trì độ ổn định và độ tin cậy cũng như tối ưu hóa hệ thống điện…

 

Hưng Hà


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang