Ngay sau khi thành lập, Sư đoàn được giao nhiệm vụ huấn luyện quân bổ sung cho chiến trường miền Nam. Từ năm 1965 -1971 đã có hơn 153 nghìn cán bộ, chiến sỹ lần lượt vào các chiến trường tham gia chiến đấu. Năm 1971 cùng với chiến công vang dội trên chiến trường Đông Dương, quân và dân ta ở miền Nam, đặc biệt trên mặt trận Đường 9 - Nam Lào đã giành thắng lợi to lớn. Trước yêu cầu đó, Sư đoàn được cấp trên giao nhiệm vụ nhanh chóng chuyển thành Sư đoàn cơ động chiến đấu. Năm 1972, Sư đoàn trực tiếp tham gia chiến đấu tại mặt trận Quảng Trị. Nơi đây, sông Thạch Hãn, cùng các địa danh Cam Lộ, Triệu Hải, Vĩnh Định, Thành cổ Quảng Trị đã gắn liền với những chiến công và tên tuổi của các đơn vị trong Sư đoàn như một biểu tượng sáng ngời của chủ nghĩa anh hùng cách mạng mà đỉnh cao là 81 ngày đêm khói lửa kiên cường chốt giữ thành cổ Quảng Trị - một thực tế khắc nghiệt tôi luyện những người chiến sỹ Sư đoàn trước khi bước vào trận quyết chiến, chiến lược cuối cùng.
Tháng 4/1975, trong đội hình Quân đoàn 1, Sư đoàn 390 thực hiện thắng lợi cuộc hành quân lịch sử vượt qua chặng đường dài nhất, cơ động lực lượng, phương tiện, qua địa hình phức tạp nhất, trong khoảng thời gian ngắn nhất, để tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, quán triệt tư tưởng chỉ đạo: “Táo bạo, bất ngờ, chắc thắng”, cán bộ, chiến sỹ Sư đoàn đã vượt qua khó khăn, ác liệt, hy sinh chiến đấu dũng cảm, mưu trí, sáng tạo, nhanh chóng đánh chiếm Chi khu quận lỵ Lái Thiêu, trại Huỳnh Văn Lương và trung tâm huấn luyện hạ sỹ quan Sư đoàn 5 Ngụy, đập tan cụm phòng ngự của địch ở cầu Vĩnh Bình, cầu Bình Triệu, dũng mãnh thọc sâu tiêu diệt lữ đoàn kỵ binh 3, tiến vào cắm lá cờ quyết chiến, quyết thắng lên nóc nhà Bộ tổng tham mưu Ngụy, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, góp phần đưa cuộc kháng chiến “Huyền thoại” của nhân dân ta chống Đế quốc Mỹ xâm lược đi vào lịch sử đấu tranh cách mạng của thế giới.
Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, cả nước bước vào giai đoạn cách mạng mới, thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam Xã hội chủ nghĩa; trước yêu cầu nhiệm vụ xây dựng Quân đội “Cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại”, cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn luôn quán triệt sâu sắc mọi đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước và đường lối, nhiệm vụ quân sự, quốc phòng - an ninh của Đảng, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.
Khi hai cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở biên giới Tây Nam và biên giới phía Bắc diễn ra, Sư đoàn vừa hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ huấn luyện quân tăng cường cho các đơn vị chiến đấu ở tuyến trước, cử cán bộ đi làm nhiệm vụ quốc tế, bảo vệ quần đảo Trường Sa, vừa trực tiếp tham gia chiến đấu phòng ngự thay phiên, giữ vững một vùng biên cương của Tổ quốc, góp phần cùng toàn Đảng, toàn dân và toàn quân làm thất bại âm mưu thâm độc của các thế lực phản động, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, tạo môi trường ổn định để xây dựng và phát triển đất nước.
Sau khi hoàn thành nhiệm vụ chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc, năm 1988, Sư đoàn được giao nhiệm vụ huấn luyện dự bị động viên, trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá, một nhiệm vụ mới, ít kinh nghiệm và rất nhiều khó khăn, phức tạp. Được sự chỉ đạo của Bộ Quốc phòng mà trực tiếp là Đảng uỷ, Bộ Tư lệnh Quân đoàn 1, phát huy truyền thống Đại đoàn Đồng bằng anh hùng, cán bộ, chiến sĩ của Sư đoàn đã đoàn kết chung sức, chung lòng, nghiêm túc triển khai thực hiện thắng lợi nhiệm vụ. Đặc biệt trong những năm qua, Sư đoàn liên tục được Bộ và Quân đoàn giao nhiệm vụ làm điểm xây dựng khung thường trực vững mạnh toàn diện, rút kinh nghiệm trong việc quản lý, tiếp nhận, huấn luyện, diễn tập dự bị động viên, Sư đoàn đã phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền, Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh Thanh Hoá và 7 huyện, thị cung cấp nguồn dự bị động viên, làm tốt công tác phúc tra, nắm nguồn, báo động kiểm tra quân số biên chế, đưa một bộ phận về đơn vị tập huấn, huấn luyện, diễn tập, đạt kết quả cao, có đủ khả năng sẵn sàng khôi phục lực lượng đáp ứng nhiệm vụ trong mọi tình huống.
Lãnh đạo Sư đoàn 390 kiểm tra khí tài dụng cụ diễn tập
Trong sự nghiệp đổi mới đất nước, để đáp ứng với yêu cầu nhiệm vụ, xây dựng Sư đoàn vững mạnh toàn diện, theo hướng “Cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại”. Cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn luôn quán triệt sâu sắc tình hình nhiệm vụ, nhận thức rõ âm mưu chống phá cách mạng nước ta bằng chiến lược “diễn biến hoà bình”, bạo loạn lật đổ của chủ nghĩa đế quốc và các thế lực thù địch, luôn nâng cao tinh thần cảnh giác cách mạng, xây dựng bản lĩnh chính trị vững vàng và ý chí quyết tâm chiến đấu cao, sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ.
Các hoạt động quyên góp giúp đỡ người nghèo, những người bị nhiễm chất độc Điôxin và nhân dân vùng thiên tai lũ, lụt; các gia đình Thương binh, Liệt sỹ, phụng dưỡng mẹ Việt Nam Anh hùng, tặng nhà tình nghĩa được triển khai tích cực và có hiệu quả. Một lần nữa hình ảnh cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn thắm đượm trong lòng nhân dân, đó là hình ảnh cao đẹp của “Bộ đội Cụ Hồ” đánh giặc giỏi, lao động giỏi, nặng tình, nặng nghĩa với nhân dân, hết lòng vì dân, vì nhân dân phục vụ.
Phát huy truyền thống đoàn kết, sáng tạo, tự lực tự cường, các đơn vị trong Sư đoàn đã tích cực chủ động khắc phục khó khăn, đẩy mạnh tăng gia sản xuất cải thiện nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của bộ đội. Các cuộc vận động lớn như: Cuộc vận động “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ”; phong trào thi đua “Ngành Hậu cần Quân đội làm theo lời Bác Hồ dạy”; Cuộc vận động “Quản lý khai thác vũ khí trang bị kỹ thuật tốt, bền, an toàn, tiết kiệm và an toàn giao thông” và nhiều phong trào khác đã được Sư đoàn quán triệt và triển khai thực hiện nghiêm túc, đạt kết quả tốt, góp phần nâng cao chất lượng huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu và xây dựng đơn vị, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.
Trải qua 65 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, với những thành tích đặc biệt xuất sắc, trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp xân lược và chống Mỹ cứu nước, trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Sư đoàn 390 vinh dự được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu “Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân”; được tặng thưởng 9 Huân chương Quân công; 170 Huân chương Chiến công cho tập thể; 3.428 Huân chương cho cá nhân, cùng nhiều phần thưởng cao quý khác. Trong Sư đoàn có 11 tập thể và 18 cán bộ, chiến sĩ được Đảng, Nhà nước trao tặng danh hiệu “Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân”.
Hương Lan