Chiều 1/10, tại thành phố Điện Biên Phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có cuộc làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Điện Biên.
Cùng dự có Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, lãnh đạo một số bộ, ngành Trung ương.
Thủ tướng cho rằng thời gian qua, Điện Biên đã có nhiều cố gắng, vượt qua khó khăn, thách thức, để tỉnh có sự ổn định, có nhiều mặt tăng trưởng. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tiến bộ. Tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo giảm. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Điểm nổi bật là lần đầu tiên Điện Biên thu ngân sách đạt mức 1.000 tỷ đồng.
Tuy nhiên, quy mô nền kinh tế của tỉnh còn nhỏ. Tỷ lệ hộ nghèo còn cao (theo chuẩn cũ là 28%, chuẩn mới là 48,14%, cao nhất cả nước). Đây là điều đáng báo động.
Thủ tướng cho rằng, cán bộ tại chỗ quyết định sự phát triển, thành công hay thất bại của địa phương. Trong đội ngũ cán bộ phải có sự đổi mới tư duy, có tinh thần phục vụ trong bộ máy chính quyền, có khát vọng phát triển.
Thủ tướng nhấn mạnh: Cần nâng cao năng lực, trao quyền cho người dân về xóa đói giảm nghèo. Trước hết, tập trung giao đất, giao rừng để người dân có trách nhiệm trong quản lý, bảo vệ rừng, đây là tiềm năng, lợi thế rất lớn của Điện Biên. Đẩy mạnh khuyến nông, khuyến lâm, góp phần xóa đói giảm nghèo. Coi xóa đói giảm nghèo của Điện Biên tiếp tục là nhiệm vụ chính trị của các cấp ủy, chính quyền trong tỉnh.
Vì vậy, về lâu dài, phải đặc biệt quan tâm nâng cao dân trí, giáo dục đào tạo. “Cho nên, các mô hình bán trú dân nuôi, trường nội trú, các chính sách đối với xã đặc biệt khó khăn chính là cơ sở cho giảm nghèo. Không lo cho con em học hành, vẫn tập tục cũ thì làm sao có thể giảm nghèo được. Ngay cả làm ruộng, chăn nuôi cũng phải có học hành để năng suất cao hơn”, Thủ tướng nói và nhấn mạnh cội nguồn xóa đói giảm nghèo là dân trí.
Bên cạnh đó, Thủ tướng lưu ý tỉnh cần có quy hoạch rõ ràng các vùng chức năng trên cơ sở khoa học, khai thác lợi thế rừng, đất rừng; tận dụng lợi thế đất đai lớn và khí hậu để có giải pháp đột phá trong phát triển nông nghiệp, tiến tới chăn nuôi đại gia súc, sản xuất hàng hóa gắn với thị trường.
Tỉnh cần có sự đột phá trong phát triển du lịch khi đây là nơi hội tụ nhiều tiềm năng nổi bật về du lịch sinh thái, văn hóa lịch sử, và du lịch biên giới. “Ít nơi nào hội tụ nhiều lợi thế như thế. Vậy phải quảng bá và xúc tiến bằng cách nào, những phương tiện nào có thể đi được?”, Thủ tướng đặt vấn đề và cho rằng, cần có biện pháp quảng bá du lịch, tu bổ di tích, thu hút khách du lịch. Tỉnh có nhiều dân tộc anh em, đa dạng văn hóa, là điểm hấp dẫn, nhất là văn hóa người Thái, văn hóa người Mông, hai dân tộc có số dân đông ở Điện Biên. Nhưng muốn khai thác được phải gắn với hạ tầng dịch vụ du lịch.
Với lợi thế là tỉnh giáp biên với các địa phương của Trung Quốc và Lào, Thủ tướng cho rằng tỉnh cần tận dụng lợi thế này, đẩy mạnh phát triển kinh tế cửa khẩu, xúc tiến thương mại khu vực biên giới, gắn với chống buôn lậu, gian lận thương mại.
Thủ tướng cũng chỉ đạo tỉnh phải giữ vững an ninh trật tự, an toàn xã hội, tăng cường đoàn kết các dân tộc, đặc biệt là an ninh biên giới và an ninh tôn giáo, chủ động đấu tranh làm thất bại các âm mưu của kẻ xấu, không được để xảy ra một “Mường Nhé” thứ 2 ở Điện Biên. Cùng với đó chú ý ngăn chặn tình trạng vượt biên, buôn bán người trái phép, buôn bán ma túy.
Tại buổi làm việc, ý kiến thành viên đoàn công tác góp ý, gợi mở cho Điện Biên nhiều giải pháp để phát huy tiềm năng, lợi thế của mình, nhất là lợi thế về phát triển du lịch cũng như khắc phục khó khăn như giao thông trở ngại.
Thủ tướng và đoàn công tác cùng các đồng chí lãnh đạo tỉnh Điện Biên.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đề nghị Điện Biên cần nghiên cứu một cách khoa học, kỹ lưỡng các giải pháp tổng thể để từ đó đề ra chiến lược phát triển. Trong quá trình đó, rất cần thiết có sự tham gia của các chuyên gia, nhà khoa học, các đơn vị tư vấn có nhiều kinh nghiệm trong nước và quốc tế.
Theo Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, trước hết Điện Biên phải xác định được ngành, sản phẩm mũi nhọn. “Du lịch chắc chắn là lĩnh vực kinh tế quan trọng, hứa hẹn tạo ra sức bật cho Điện Biên”, Phó Thủ tướng gợi ý.
Theo đó, muốn phát triển du lịch, trước hết phải đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, cấp bách nhất là phải nâng cấp sân bay, đầu tư nâng cấp các khách sạn, cơ sở lưu trú. Bên cạnh đó, cần đầu tư tổng thể để bảo tồn, phát huy Khu di tích quốc gia Điện Biên Phủ, phát huy các giá trị văn hoá của các dân tộc vùng Tây Bắc.
Điện Biên là tỉnh miền núi Tây Bắc, độ cao trung bình trên 1.000 m so với mực nước biển. Dân số khoảng 55 vạn người, dân tộc thiểu số chiếm trên 80%. Điện Biên có cửa khẩu quốc tế Tây Trang với Khu kinh tế cửa khẩu được đầu tư và một số cửa khẩu khác với Lào; lối mở A Pa Chải kết nối với tỉnh Vân Nam, Trung Quốc; có đường xuyên Á dự kiến đi qua địa bàn.
Điện Biên có 22 di tích lịch sử, văn hóa, trong đó có 1 di tích cấp quốc gia đặc biệt, 11 di tích cấp quốc gia, 6 di tích cấp tỉnh cùng 4 di sản văn hóa phi vật thể được đưa vào danh mục di sản phi vật thể cấp quốc gia.
Là nơi hội tụ sinh sống của 19 dân tộc anh em (đông nhất là dân tộc Thái 38%), với nét riêng về ngôn ngữ, phong tục tập quán và văn hóa, tạo thành bức tranh đa sắc màu cho nền văn hóa của tỉnh.
Diện tích đất nông-lâm nghiệp chiếm 79,31%. Thổ nhưỡng phong phú, đa dạng, thuận lợi để phát triển nhiều loại nông, lâm sản hàng hóa có giá trị kinh tế cao như lúa gạo đặc sản ở cánh đồng Mường Thanh (vựa lúa lớn nhất vùng Tây Bắc), chè tuyết shan ở Tủa Chùa, Pú Nhi - Điện Biên Đông, cà phê ở Điện Biên, Mường Ảng, chăn nuôi đại gia súc ở Mường Nhé.
Nguồn Chinhphu