Thứ Bẩy, 23/11/2024 18:36:47 GMT+7
Lượt xem: 2319

Tin đăng lúc 11-09-2019

Sửa đổi hàng loạt quy định cản trở đầu tư, kinh doanh

Trong 13 dự án luật, bộ luật được Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến, những sửa đổi của dự án Luật PPP, Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư kỳ vọng tạo thay đổi lớn, tạo môi trường đầu tư thông thoáng.
Sửa đổi hàng loạt quy định cản trở đầu tư, kinh doanh
Ba dự án luật là Luật PPP, Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) và Luật Đầu tư (sửa đổi) đã được Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội tiến hành thẩm tra sơ bộ cuối tháng 8 vừa qua.

Với ba nội dung này, hàng loạt quy định về đầu tư, kinh doanh sẽ có thay đổi đáng chú ý. Trước đó, Thủ tướng Chính phủ phân công Bộ trưởng các bộ, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ liên quan chuẩn bị những nội dung thuộc trách nhiệm để báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Phiên họp thứ 37.

 

Được biết, hiện nay, một số quy định của Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp và PPP còn thiếu tính đồng bộ, hợp lý, khả thi, dẫn đến vướng mắc trong quá trình thực hiện, làm phát sinh chi phí và rủi ro đối với doanh nghiệp.

 

Việc thu hút và sử dụng nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài trong thời gian qua đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập và những vấn đề mới phát sinh, đòi hỏi phải có quan điểm, định hướng và giải pháp mới nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả thu hút nguồn vốn này, cũng như công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động đầu tư, kinh doanh.

 

Do đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, mục tiêu của việc sửa Luật lần này là tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo môi trường thông thoáng, minh bạch thuận lợi nhằm huy động các nguồn lực xã hội cho phát triển đất nước. Bên cạnh đó, cần khắc phục tình trạng chồng chéo, mâu thuẫn với các luật khác.

 

Dự án luật PPP

 

Với Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP), theo dự thảo luật trình cơ quan thẩm tra thì ngưỡng tối thiểu thực hiện dự án PPP theo từng lĩnh vực do Chính phủ quy định chi tiết nhưng không thấp hơn 200 tỷ đồng (trừ dự án áp dụng loại hợp đồng kinh doanh - quản lý (O&M) là dự án cung cấp dịch vụ, không có cấu phần xây dựng.

 

Dự thảo luật cũng quy định Chính phủ quyết định việc cấp bảo đảm cân đối ngoại tệ cho từng dự án. Hạn mức bảo đảm cân đối ngoại tệ là 30% doanh thu của dự án bằng tiền đồng Việt Nam sau khi trừ số chi tiêu bằng đồng Việt Nam, dù Ngân hàng Nhà nước kiên trì bảo lưu quan điểm không thể sử dụng dự trữ ngoại hối để bảo đảm ngoại tệ.

 

Trao đổi về dự án luật này, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Đức Trung cho biết, dự luật PPP sẽ đưa ra các cơ chế bảo lãnh như cơ chế chuyển đổi ngoại tệ, cơ chế chia sẻ rủi ro... Đây là các cơ chế đột phá, cần thiết để thu hút nhà đầu tư tham gia dự án theo hình thức đối tác công-tư (PPP).

 

Theo Thứ trưởng Nguyễn Đức Trung, hiện nay các quy định pháp lý mới dừng ở mức Nghị định, chưa đảm bảo khung pháp lý cao nhất để điều chỉnh các hoạt động liên quan đến PPP. Trong khi đó, các dự án PPP có quy mô vốn lớn, thời gian đầu tư kéo dài nên phải có khung pháp lý để đảm bảo ổn định đối với các dự án.

 

"Các dự án PPP hiện nay chưa có sức hấp dẫn để thu hút nhà đầu tư nước ngoài, nên trong dự luật có đưa ra các cơ chế bảo lãnh, ví dụ như cơ chế chuyển đổi ngoại tệ, cơ chế chia sẻ rủi ro... Đây là cơ chế thực sự cần thiết để thu hút các dự án PPP. Dự án PPP bản chất là dự án đầu tư công nhưng do hạn chế về nguồn lực nên chúng ta kêu gọi nhà đầu tư tư nhân thực hiện và trong tất cả các dự án, Chính phủ đều có phần tham gia để đảm bảo khả năng đảm bảo thực hiện dự án hiệu quả", ông Trung nêu rõ.

 

Dự án Luật Doanh nghiệp

 

Với dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) điểm đáng chú ý là khái niệm doanh nghiệp nhà nước đã được sửa đổi để bao gồm hai loại doanh nghiệp. Thứ nhất, doanh nghiệp mà nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ. Thứ hai, doanh nghiệp mà nhà nước sở hữu trên 50% vốn điều lệ hoặc tổng số cổ phần có quyền biểu quyết.

 

Dự thảo cũng bổ sung một chương là hộ kinh doanh, dù còn ý kiến nhiều chiều về việc có nên đưa hộ kinh doanh vào phạm vi điều chỉnh của dự thảo luật này hay không.

 

Đánh giá về dự thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) lần này, TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, đây là lần sửa đổi mang tính cách mạng và có thể coi là Luật Doanh nghiệp thế hệ mới.

 

Trong đó, nội dung mang tính đột phá là việc đưa hộ kinh doanh vào phạm vi điều chỉnh của luật là phù hợp với xu thế, bảo đảm minh bạch, tạo địa vị pháp lý vững chắc cho hộ kinh doanh, tạo sự bình đẳng, hỗ trợ thúc đẩy phát triển và bảo vệ cho các hộ kinh doanh cũng như đặt ra trách nhiệm cao hơn đối với chủ hộ cũng như trách nhiệm đối với người lao động.

 

Dự án Luật Đầu tư

 

Về dự án Luật Đầu tư (sửa đổi) thì một trong những điểm nổi bật của lần sửa đổi này là bãi bỏ 12 ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện. Dự thảo luật cũng đã loại bỏ nhà ở thương mại ra khỏi đối tượng ưu đãi đầu tư để thống nhất với quy định của Luật Đất đai...

 

Đồng tình quan điểm cần thiết sửa đổi Luật Đầu tư, nguyên phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Phúc bày tỏ tán thành quan điểm của Ban soạn thảo là phải tính đến tác động và xu hướng của cuộc CMCN 4.0 trong nội dung về ngành nghề và địa bàn ưu đãi đầu tư.

 

“Công nghệ mới dẫn đến mô hình đầu tư kinh doanh mới. Vì vậy cần tính trước đến việc ứng xử với cái mới này thế nào và cần đưa vào cụ thể trong Luật. Còn tới đây đây, nếu có một số mô hình kinh doanh mới mới mà trái với Luật thì có Quốc hội có thể ban hành Nghị quyết quy định và điều chỉnh”, ông Phúc nêu quan điểm.

 

Ông Phúc cũng khẳng định ủng hộ quan điểm mới nên hạn chế quản lý chặt chẽ danh mục dự án phải quyết định chủ trương đầu tư, không nên dàn trải để rộng đường tự do kinh doanh cho doanh nghiệp, từ đó tạo sức hấp dẫn thu hút nhà đầu tư.

 

Ngoài ba dự án Luật trên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tiến hành xem xét, cho ý kiến đối với các dự án Luật, Bộ luật, bao gồm: Cho ý kiến dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều; dự án Luật Thanh niên (sửa đổi); dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; dự án Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án; dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội;; dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng; dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp; cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Chứng khoán (sửa đổi); việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán nhà nước; việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi).

 

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng tiến hành giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn vùng dân tộc thiểu số, miền núi giai đoạn 2012-2018”.

 

Bên cạnh đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về báo cáo sơ kết 5 năm triển khai thi hành Hiến pháp; việc chuẩn bị kỳ họp thứ 8 của Quốc hội; báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1.

 

Cũng tại phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về sự cần thiết ban hành Nghị quyết của Quốc hội về quản lý và sử dụng nguồn thu từ thoái vốn, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước; các báo cáo của Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo năm 2019;

 

Theo Enternews

 


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang