Bộ Công Thương cho biết, Nghị định 40/2018/NĐ-CP được ban hành với các quy định điều chỉnh tương đối đầy đủ về hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp, tạo hành lang pháp lý rõ ràng cho các doanh nghiệp (DN) hoạt động minh bạch, sàng lọc những DN bán hàng đa cấp hoạt động bất chính, qua đó góp phần tạo ra môi trường cạnh tranh lành mạnh, giảm khả năng gây hậu quả về kinh tế - xã hội.
Đến nay, tình hình mới đã có nhiều thay đổi, hoạt động bán hàng đa cấp tiếp tục cần được quản lý chặt chẽ nhưng phải phù hợp với chủ trương chung của Chính phủ về tăng cường thu hút đầu tư, tạo điều kiện tối đa cho hoạt động của DN. Qua rà soát và thực tiễn thi hành, các cơ quan quản lý nhận thấy một số chính sách cần được xem xét điều chỉnh kịp thời cho phù hợp với thực tiễn, một số quy định cần được điều chỉnh để đảm bảo tính khả thi.
Theo quy định hiện hành, DN bán hàng đa cấp phải ký quỹ số tiền tương đương 5% vốn điều lệ, tối thiểu là 10 tỷ đồng, để đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp. Số tiền này được sử dụng để đảm bảo quyền lợi cho người tham gia bán hàng đa cấp khi DN chấm dứt hoạt động bán hàng đa cấp nhưng không thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ liên quan đối với người tham gia bán hàng đa cấp. Để sử dụng số tiền này, cần có quyết định, bản án có hiệu lực pháp luật của cơ quan có thẩm quyền về xử lý các tranh chấp giữa DN bán hàng đa cấp với người tham gia bán hàng đa cấp về các nghĩa vụ liên quan.
Tuy nhiên, Nghị định 40 không quy định rõ như thế nào là "Các nghĩa vụ liên quan đến hoạt động bán hàng đa cấp đối với người tham gia bán hàng đa cấp". Điều này ảnh hưởng đến việc xác định trường hợp nào được sử dụng tiền ký quỹ.
Để giải quyết vấn đề này, dự thảo quy định rõ: Các nghĩa vụ liên quan đến hoạt động bán hàng đa cấp bao gồm nghĩa vụ trả thưởng theo kế hoạch, nghĩa vụ mua lại hàng hóa nếu người tham gia trả lại hàng theo đúng quy định. Các nghĩa vụ phát sinh không trên cơ sở hợp đồng, kế hoạch trả thưởng, ví dụ như trả lại hàng hóa mà người tham gia đã nhận rồi gửi tạm ở công ty, không được coi là nghĩa vụ liên quan đến hoạt động bán hàng đa cấp.
Giải pháp này có tác động tích cực trong giải quyết đề nghị sử dụng tiền ký quỹ, giúp xác định rõ nghĩa vụ nào của DN sẽ được giải quyết bằng tiền ký quỹ, giải quyết được tình trạng lúng túng như thực tiễn hiện nay.
Bên cạnh đó, dự thảo cũng đề xuất sửa đổi quy định liên quan đến đảm bảo hiệu quả quản lý hoạt động của DN bán hàng đa cấp tại địa phương. Cụ thể, dự thảo bổ sung các yêu cầu, điều kiện cụ thể nhằm nâng cao chất lượng của người đại diện DN tại địa phương, đảm bảo người đại diện này thực sự giữ vai trò kết nối giữa DN với cơ quan quản lý tại địa phương, có thể làm việc với cơ quan quản lý tại địa phương về các vấn đề liên quan đến hoạt động của DN trên địa bàn...
Theo Pháp luật xã hội