Đánh giá của các đại biểu Quốc hội, 10 năm qua, Luật Ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế là cơ sở pháp lý quan trọng hàng đầu phục vụ triển khai đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước; góp phần mở rộng quan hệ quốc tế...
Tuy nhiên, trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, số lượng điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết ngày càng gia tăng, luật hiện hành đã bộc lộ những bất cập, không phù hợp trong giai đoạn hiện nay. Ngoài ra, Hiến pháp năm 2013 đã có những sửa đổi, bổ sung quan trọng liên quan đến điều ước quốc tế. Do đó, cần thiết sửa đổi, bổ sung luật hiện hành.
Đại biểu Nguyễn Hồng Sơn (Đoàn Hà Nội) cho rằng, luật sửa đổi để đảm bảo các mục tiêu: Thể hiện quan điểm về công tác đối ngoại của Đảng, triển khai thực hiện quy định mới của Hiến pháp và thực hiện hoàn chỉnh cơ chế trong việc tham gia các điều ước quốc tế. Theo đại biểu Lê Văn Hoàng (Đoàn Đà Nẵng), dự án luật đã cụ thể hóa những quy định của Hiến pháp, đồng thời thể chế hóa quan điểm chỉ đạo của Đảng, Nhà nước về công tác đối ngoại trong thời kỳ hội nhập quốc tế.
Đồng tình với sự cần thiết sửa đổi luật, song nhiều đại biểu cũng đề nghị ban soạn thảo cần làm rõ một số nội dung để đảm bảo phù hợp với Hiến pháp Việt Nam và lợi ích quốc gia. Theo đó, đa số đại biểu thống nhất sửa tên luật thành “Luật Điều ước quốc tế”, đảm bảo sự bao quát đối với phạm vi điều chỉnh của luật và phù hợp với quốc tế. Bên cạnh đó, đại biểu Võ Thị Dung (Đoàn TP. Hồ Chí Minh) đề nghị luật phải tạo được khung pháp lý chặt chẽ, linh hoạt, đáp ứng nhu cầu ký kết và thực hiện điều ước quốc tế phù hợp với lợi ích của đất nước; tiếp tục hoàn thiện cơ chế phối hợp nhằm tạo điều kiện cho việc xây dựng, hình thành cam kết quốc tế…
Nguồn: Báo Công Thương Điện Tử