"Ngoại" hào hứng
Trong những năm gần đây, ngành công nghiệp chế biến thực phẩm của Việt Nam đang có xu hướng tăng trưởng mạnh, từng bước cung ứng nhiều sản phẩm có sức cạnh tranh cao, chiếm lĩnh thị trường nội địa và gia tăng xuất khẩu.
Theo số liệu của Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương), lượng tiêu thụ thực phẩm hàng năm của Việt Nam ước tính chiếm khoảng 15% GDP cả nước và trong 9 tháng đầu năm 2017 đã tăng 11,9% so với cùng kỳ năm 2016.
Trước sự “màu mỡ” của thị trường này, nhiều doanh nghiệp ngoại cũng đang nhòm ngó thị trường này có thể kể đến F&N, Daesang Corp, CJ,…
Là một doanh nghiệp ngoại có mặt tại Việt Nam từ năm 1999 Tập đoàn CJ Cheil Jedang (CJ) của Hàn Quốc nhận thấy tiềm năng của thị trường thực phẩm Việt Nam nên thời gian gần đây đã thực hiện hàng loạt thương vụ M&A để mở rộng thị phần. Năm 2016, CJ đã mua lại thương hiệu kim chi Ông Kim và chi 300 tỷ đồng mua hơn 4% cổ phần Vissan trong đợt IPO. Tới năm 2017, CJ tiếp tục thâu tóm Công ty cổ phần Thực phẩm Cầu Tre và đổi tên thành CJ Cầu Tre, đồng thời điều chỉnh bổ sung thêm một số ngành nghề kinh doanh như chế biến rau quả, sản xuất các loại bánh từ bột và thức ăn chế biến sẵn,...
Theo đại diện CJ, trong năm 2017, công ty đã quyết định đầu tư một khu phức hợp thực phẩm với quy mô 1.400 tỷ đồng gồm 3 cơ sở chính là nhà máy sản xuất và gia công thực phẩm, khu nghiên cứu thực phẩm và khu an toàn thực phẩm để áp dụng những tiến bộ về xử lý và kiểm tra an toàn thực phẩm sử dụng kỹ thuật tiên tiến nhất của thế giới.
“Dự kiến, sau khi M&A với nhiều đơn vị có kinh nghiệm trong lĩnh vực thực phẩm như Satra hay Cầu Tre và tiến hành xây dựng nhà máy phức hợp (dự kiến hoàn thành vào năm 2018) hứa hẹn CJ sẽ có bứt phá về doanh thu và mở rộng thị trường, đa dạng hóa sản phẩm. Mục tiêu tới năm 2020, doanh thu riêng lĩnh vực công nghiệp thực phẩm sẽ là 700 triệu USD với số lượng sản phẩm đa dạng, thành phẩm tốt, an toàn sức khỏe cho người tiêu dùng, phù hợp khẩu vị người Việt và đưa sản phẩm xuất khẩu ra nước ngoài” - đại diện CJ cho biết.
Ngoài CJ, Tập đoàn Thực phẩm Daesang Corp, cũng của Hàn Quốc, đã chi 33 triệu USD mua 13 triệu cổ phiếu Công ty Thực phẩm Đức Việt - DN sản xuất sản phẩm xúc xích lớn trong nước. Một số tập đoàn thực phẩm của Nhật, Thái Lan cũng liên tục rót vốn vào Việt Nam thông qua việc góp vốn, mua lại cổ phần các DN uy tín. Các thương hiệu lớn trong ngành thực phẩm chế biến như Cholimex Food, Sài Gòn Food… đều đang có sự tham gia của khối ngoại.
Hướng đi nào cho DN nội?
Việc Việt Nam tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do cũng tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tham gia đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp thực phẩm. Theo đó, họ sẽ được hưởng ưu đãi thuế và tự do thương mại tại 50 quốc gia trên thế giới, nhất là những nước thuộc G20 đã tham gia.
Ông Đỗ Thắng Hải - Thứ trưởng Bộ Công Thương cho biết, ngành công nghiệp thực phẩm Việt Nam đang có những bước phát triển nhanh chóng, đóng góp ngày càng lớn vào sản lượng đầu ra của ngành công nghiệp nói riêng và tổng giá trị GDP cả nước nói chung. Đây là một trong những nhóm ngành công nghiệp được Chính phủ Việt Nam ưu tiên phát triển từ nay đến năm 2025 và tầm nhìn đến 2035.
Theo các chuyên gia kinh tế, doanh nghiệp trong nước có thương hiệu tốt nhưng đang mất dần kênh tiêu thụ, không có chiến lược dài hạn, rơi vào bế tắc phải tìm đến M&A để kêu gọi vốn và quản trị hiện đại.
Ông Nguyễn Lâm Viên - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty CP Vinamit cảnh báo rằng chúng ta đã để mất phần mềm (thị trường, marketing, chiến lược chiếm lĩnh trái tim người tiêu dùng…) nếu để mất luôn phần cứng là kênh sản xuất thì thật đáng lo ngại. Doanh nghiệp trong nước sẽ không còn làm chủ nền kinh tế và trở thành người lệ thuộc, tham gia cung ứng, gia công cho các doanh nghiệp ngoại và tụt xuống những mắt xích cuối cùng trong chuỗi giá trị. Giá trị gia tăng sẽ trực tiếp hoặc gián tiếp chảy ra nước ngoài.
Việt Nam có nguồn cung lớn và phong phú các sản phẩm nông sản, thủy sản và công nghiệp thực phẩm cho thị trường nội địa và xuất khẩu. Nhưng hạn chế của các doanh nghiệp nội là mới tập trung sản xuất ở dạng nguyên liệu hoặc sơ chế đơn giản, tỷ lệ chế biến sâu (tinh chế) còn rất thấp, bao bì và nhãn mác chưa thực sự lôi cuốn, quy mô sản xuất nhỏ vẫn khá phổ biến. Trong khi đó, yêu cầu hội nhập đòi hỏi các doanh nghiệp sản xuất phải gắn theo chuỗi, liên kết mạnh mẽ từ khâu nguyên liệu, đầu tư sản xuất, công nghệ, chế biến và tiêu thụ.
Để tạo điều kiện cho ngành công nghiệp thực phẩm phát triển, các chuyên gia cho rằng, doanh nghiệp và nông dân phải liên kết mạnh hơn, nghiên cứu đầu tư sản phẩm mà thị trường cần, không chỉ đơn thuần bán những thứ mình có, kết hợp với đầu tư công nghệ sản xuất, bao bì, tiếp thị sản phẩm, “bắt tay” với các doanh nghiệp ngoại, các nhà nhập khẩu để sản xuất theo thị hiếu của từng thị trường.
Thị trường thực phẩm tại Việt Nam lâu nay được ví như “mỏ vàng” với nhiều dư địa phát triển để khối nội lẫn khối ngoại lao vào rót vốn đầu tư và cạnh tranh. Thời gian tới, với sự thực thi hàng loạt các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (FTA) cũng như sự phát triển năng động của kinh tế thế giới, ngành công nghiệp thực phẩm Việt Nam có nhiều cơ hội phát triển mạnh mẽ, việc thu hút đầu tư phát triển sản xuất, tiếp thu công nghệ tiên tiến sẽ là mấu chốt căn bản để thúc đẩy doanh nghiệp nội phát triển ngành công nghiệp chế biến thực phẩm Việt. Nếu doanh nghiệp nội không bứt phá, nguy cơ “thất thế” trên sân nhà là điều không tránh khỏi.
Nguồn Enternews