Tăng giá… mất khách
Khoảng 9 giờ một ngày cuối tuần tháng 3, mặc dù rơi vào cao điểm mua sắm thực phẩm, hàng hóa tiêu dùng, nhưng lượng khách đến chợ Xóm Chiếu (quận 4) khá thưa thớt. Số liệu từ ban quản lý chợ cho thấy, mãi lực giảm từ 50%-60% so với trước dịch Covid-19. Chủ sạp hàng rau cải Tý Tương cho biết, lúc nhộn nhịp nhất trong ngày cũng chỉ đón được từ 30-40 lượt khách.
Theo chủ sạp này, do lượng khách ít nên trừ hết chi phí tính ra không lời bao nhiêu, nhưng chỉ có nghề này để mưu sinh nên không bỏ được. Trong khi đó, chị Ngọc Anh, bán hàng tại chợ Nhật Tảo (quận 10) cho hay, giá các mặt hàng rau quả, trái cây, thịt cá đều nhích lên từ 2.000-10.000 đồng/món, tùy loại.
“Từ tết đến giờ, có một số mặt hàng, nhất là đồ ăn, đã tăng giá rồi nhưng hết tết cũng không giảm. Cũng tô bún vỉa hè, trước có giá 35.000 đồng, nay lên 40.000 đồng/tô; phần cơm có vài lát thịt heo, một trứng kho từ 40.000 - 45.000 đồng/phần, tăng khoảng 5.000 đồng so với trước”, chị Ngọc Anh nói.
Không muốn làm giảm chất lượng bánh mì thịt thường ngày, chị Linh Anh - chủ một tiệm bán bánh mì thịt trên đường Nguyễn Văn Đậu (quận Gò Vấp) đã quyết định tăng giá 3.000 đồng/ổ lên mức 25.000 đồng/ổ và hậu quả là khách vắng dần. Dịp trước tết, chị Linh Anh bán khoảng 80 ổ bánh mì mỗi sáng, nay lượng khách mua giảm hơn 50%. Thêm nữa, giá thuê vị trí bán cũng tăng thêm 500.000 đồng/tháng khiến chị Anh đang tính đến việc… đóng cửa tiệm bánh.
Tại một số chợ truyền thống khác trên địa bàn TPHCM, qua ghi nhận, giá nhiều mặt hàng đã tăng từ 10%-20% bất chấp mãi lực giảm sâu tới hơn 50% so với năm trước. Chẳng hạn, xoài cát Hòa Lộc loại 1 bán tại chợ Bà Chiểu (quận Bình Thạnh), chợ Gò Vấp (quận Gò Vấp), chợ Xóm Chiếu (quận 4)… có giá khoảng 80.000 đồng/kg; quýt đường (loại 1) khoảng 60.000 đồng/kg; bưởi da xanh loại 1 từ 50.000 - 55.000 đồng/kg. Giá thịt heo các loại dao động từ 120.000 - 180.000 đồng/kg, tùy mặt hàng; trứng gà loại lớn từ 43.000 - 50.000 đồng/chục; tôm bạc từ 230.000 - 260.000 đồng/kg…
Tăng khuyến mãi, kích cầu
Làm sao để kích cầu tiêu dùng, gia tăng mãi lực luôn là nỗi trăn trở của tiểu thương các chợ sỉ, lẻ… trên địa bàn TPHCM. Thực tế, không ít tiểu thương đã chủ động thực hiện nhiều hình thức khuyến mãi… rất được lòng khách hàng. Anh Văn Thoải, một tiểu thương ở chợ đầu mối Hóc Môn, cho hay, sạp hàng của anh vẫn có lượng khách ổn định vì luôn cân dư hoặc giảm giá, ưu đãi cho khách quen. Bằng cách chia sẻ lợi nhuận, lại luôn niềm nở nên nhiều khách đã gắn bó với sạp hàng của anh Thoải.
Theo ông Nguyễn Văn Tân, Trưởng ban Quản lý chợ Xóm Chiếu (quận 4), để kích cầu tiêu dùng, thu hút khách đến, hàng trăm tiểu thương các ngành hàng đã tham gia khuyến mãi nhiệt tình, tặng quà hoặc giảm giá từ 5%-30%, tùy mặt hàng. Khách mua hàng khô được tặng kèm gói đường, muối hoặc chai dầu ăn nhỏ… Với các mặt hàng rau củ, trái cây, khách mua sẽ được tặng thêm rau gia vị như hành, ngò, ớt….
Bên cạnh đó, bà con tiểu thương cũng mày mò bán hàng trên các nền tảng thương mại điện tử và sẵn sàng giao hàng tận nơi nhằm tăng thu hút khách. Đại diện Ban quản lý chợ Bến Thành (quận 1), chợ Bình Tây (quận 6) cũng cho hay, các tiểu thương chấp nhận giảm lợi nhuận nhằm giữ khách.
Ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công thương TPHCM, cho biết, giá cả hàng hóa tại chợ lẻ phụ thuộc nhiều vào nguồn cung trong ngày và tiểu thương linh hoạt điều chỉnh. Do vậy, sở đang nỗ lực giám sát để hạn chế việc “thổi giá”, gây khó cho người mua. Đồng thời, ông thông tin, ngày 1-4 này, sở sẽ chính thức công bố Chương trình Bình ổn thị trường năm 2024 và Tết Ất Tỵ 2025.
Theo đó, nhiều mặt hàng thiết yếu tiếp tục có giá tốt (các năm trước, giá hàng bình ổn thấp hơn giá bình quân thị trường cùng thời điểm từ 5%-10%), hỗ trợ người tiêu dùng yên tâm mua sắm. Thời gian tới, chương trình còn bám sát các giải pháp gồm nâng cao hiệu quả công tác dự báo, đánh giá thị trường; tạo nguồn cung hàng hóa bền vững; quản lý thị trường, phòng chống gian lận thương mại…
Hàng hóa bán lẻ 3 tháng đầu năm đạt gần 179.000 tỷ đồng
Từ đầu năm 2024 đến nay, TPHCM đã đồng loạt triển khai nhiều chương trình khuyến mãi, kích cầu sức mua. Trong đó, nhiều mặt hàng tiêu dùng như thực phẩm tươi sống, hàng thiết yếu được các nhà bán lẻ như Saigon Co.op, Satra, MM Mega Market, BigC, GO!… giảm giá đậm, có nhiều mặt hàng giảm tới 60%-80%. Chính sự đồng hành, san sẻ lợi nhuận với người tiêu dùng đã góp phần tăng tổng cầu nói chung, tạo doanh thu bán lẻ ấn tượng. Ước tính của Sở Công thương TPHCM, tổng mức bán lẻ hàng hóa 3 tháng đầu năm nay đạt gần 179.000 tỷ đồng, tăng 9,38% so với cùng kỳ 2023. |
Tại các chợ đầu mối, một số mặt hàng trái cây, rau củ, thịt heo có tăng giá nhẹ so với cách nay vài tuần, nhưng không tăng đột biến và mức giá này được tiểu thương điều chỉnh liên tục trong ngày. Ví dụ, dưa leo tăng 2.000 đồng lên mức 20.000 đồng/kg; hành lá tăng 2.000 đồng lên mức 22.000 đồng/kg; bí đao tăng 4.000 đồng lên mức 13.000 đồng/kg; xoài cát Hòa Lộc tăng 15.000 đồng/kg và giữ ở mức 65.000 đồng/kg; cải bó xôi tăng 10.000 đồng/kg và đạt mức 25.000 đồng/kg… Tuy nhiên, nhiều mặt hàng lại giảm giá khá mạnh so với giữa tháng 2, như tỏi Lý Sơn giảm 60.000 đồng còn 170.000 đồng/kg, hạt sen Huế giảm 80.000 đồng còn 210.000/kg… |
Theo Sggp.org.vn