Theo Euromonitor, ngành kem sẽ đạt tỷ lệ tăng trưởng kép hằng năm (CARG) ở mức 7%, dự kiến đạt khoảng 4.191,3 tỷ đồng trong năm 2022. Mức tăng trưởng này đặc biệt có sức hút với các doanh nghiệp nội lẫn ngoại.
Cuộc đối đầu ngày càng nóng
Thời gian qua, thị trường kem đón nhận ngày càng nhiều sự xuất hiện các thương hiệu nước ngoài đến Việt Nam đầu tư mạnh mẽ. Các thương hiệu lớn trên thế giới đã gia nhập thị trường và tăng độ phủ nhận diện thương hiệu thông qua việc liên tục mở rộng hệ thống cửa hàng. Chẳng hạn, Baskin Robbins đã đạt mức gần 50 cửa hàng, hệ thống kem Bud’s đã mở 12 cửa hàng. Tương tự, kem Fanny có 11 cửa hàng phủ khắp cả nước, Snowee 4 cửa hàng, Haagen Dazs 2 cửa hàng… Hầu hết các thương hiệu quốc tế tập trung cho phân khúc sản phẩm cao cấp, phục vụ chủ yếu tại cửa hàng được thiết kế đẹp, tinh tế để gia tăng trải nghiệm, cảm xúc cho khách, nên có mức giá khá cao.
Trong khi đó, các doanh nghiệp trong nước cũng không ngừng mở rộng. Có thể kể đến CTCP Thực phẩm Đông lạnh KIDO Foods (mã KDF). Tại Đại hội cổ đông thường niên năm 2018 vừa diễn ra tại TP. Hồ Chí Minh, KDF cho biết, năm nay, KDF sẽ đa dạng hóa danh mục sản phẩm, thâm nhập phân khúc siêu cao cấp, đẩy mạnh phát triển phân khúc cao cấp, dẫn đầu phân khúc phổ thông và tấn công chiếm lĩnh thị phần Kem ở phân khúc đại chúng.
Năm 2017, thị phần kem của KDF đã tăng từ mức 38,1% năm 2016 lên 40,2%. Tốc độ tăng trưởng của KDF trong ngành kem đạt 15,7% cao hơn so với mức tăng trưởng bình quân 14,7% của ngành.
KDF hiện có hơn 70.000 điểm bán lẻ. Mỗi điểm bán lẻ đều được KDF đầu tư một tủ kem với sản phẩm độc quyền và qua đó KDF độc quyền cả điểm bán. Đây là lợi thế lớn của KDF so với các đối thủ vì để chen chân vào thị trường kem, doanh nghiệp phải đầu tư khá lớn vào hệ thống tủ kem và cả hệ thống logistics từ kho lạnh đến vận chuyển bằng xe lạnh chuyên dụng.
Bà Mai Kiều Liên - Tổng giám đốc Vinamilk cho biết, Công ty cũng đã xem xét chiến lược phát triển kem. Vừa qua, Vinamilk đã giới thiệu dòng kem đá với thương hiệu Nhóc Kem đầy tính hoài niệm của thời bao cấp, thu hút mạnh sự quan tâm của người tiêu dùng, luôn trong tình trạng không đủ hàng để bán. Đặc biệt, kem của Vinamilk chỉ tập trung vào phân khúc phổ thông, cạnh tranh mạnh với các sản phẩm tương tự vốn đem lại biên lợi nhuận tốt cho KDF.
Một đơn vị khác là TH True Milk cũng đã có bước đi táo bạo khi quyết định đầu tư dây chuyền sản xuất kem từ sữa tươi quy mô lớn tại nhà máy sữa tươi sạch TH (Nghĩa Đàn, nghệ An). Trong bối cảnh hầu hết các sản phẩm kem trên thị trường sử dụng sữa bột để làm kem; chưa kể các loại kem “cỏ” ở các vùng quê - nơi có các đơn vị sản xuất thủ công - sử dụng chủ yếu bột, bột kem và hóa chất để làm ra những que kem có nhiều chất hóa tổng hợp; thì cách làm kem hoàn toàn từ sữa tươi nguyên chất và nguyên liệu socola, vanilla, matcha trà xanh tự nhiên của TH là sự lạ miệng, lạ vị và ngon khó cưỡng.
Cuộc chiến hương vị
Theo các chuyên gia, trên thực tế, sự có mặt của các hãng kem ngoại tại thị trường Việt Nam cũng đồng nghĩa với việc cạnh tranh nội - ngoại tiếp tục căng thẳng hơn. Nhưng ở thời điểm hiện nay, so với các ngành khác, rõ ràng tỷ lệ tăng trưởng của ngành kem lạnh Việt Nam vẫn còn rất khiêm tốn. Các doanh nghiệp kem cũng đang tạo ra cuộc đua mới - cuộc đua hương vị.
Theo bà Trần Thị Thùy Linh - Phó tổng giám đốc KDF cho biết, KDF hoàn toàn hiểu sức ép cạnh tranh trên thị trường và để giữ vững vị thế hàng đầu không có cách nào khác là đa dạng sản phẩm, phát triển nhiều phân khúc và không bỏ sót bất kỳ khung giá nào. Theo bà Linh, KDF tập trung vào 4 phân khúc chính.
Thứ nhất là đối tượng khách hàng đại chúng. Trong năm 2018, KDF đã tung dòng kem thương hiệu Đại Việt, có mức giá bình dân, nhưng an toàn vệ sinh thực phẩm và có giá trị dinh dưỡng cho người có thu nhập thấp, đặc biệt phù hợp với vùng nông thôn.
Kế đến là phân khúc trung cấp, với nhãn hiệu quen thuộc là kem Merino. "Ở phân khúc này, Vinamilk tiếp tục cải tiến sản phẩm để ngày càng ngon hơn, có hương vị truyền thống, như đậu đỏ, đậu xanh, khoai môn, khoai lang, bắp, đậu đen, và đã được người tiêu dùng đón nhận khá tích cực", bà Linh chia sẻ.
Với phân khúc cao cấp, KIDO đẩy mạnh thương hiệu Celano có chất lượng tương đương kem ngoại nhập, với nhiều mùi vị hợp xu thế mới nhất, như trà xanh, trà đào, dưa lưới. Và cuối cùng là phân khúc siêu cao cấp, với dòng kem Celano Platinum với tiêu chí chất lượng ngoại và giá cả Việt Nam, phục vụ người có thu nhập cao ở các thành phố lớn.
Không kém cạnh, Tập đoàn TH đã quyết định tiên phong trong phân khúc “Kem từ sữa tươi nguyên chất” và “trải rộng” sản phẩm của mình ra cả 4 loại kem: kem que, kem ốc quế, kem hộp và kem sandwich với nhiều hương vị đa dạng như socola, vanilla, matcha trà xanh…
Kem sandwich của TH có dấu ấn lớp nhân kem mềm 2 vị kết hợp với lớp phủ là… bánh quy. Cách kết hợp vị giòn, thơm của bánh với sự mềm mịn của kem làm cho mỗi miếng kem đều mang sự vui thích, sảng khoái.
Đối với dòng kem TH true ICE CREAM công thức TOPKID, mỗi cây kem còn được bổ sung các vitamin và khoáng chất như Vitamin B (B1, B6, B12), C, K cùng Axit Folic & Canxi, giúp hỗ trợ chuyển hóa năng lượng, tăng cường hệ miễn dịch cho cơ thể, tốt cho sự phát triển của não bộ, xương của trẻ em.
Theo các chuyên gia của HSC, chính sự đa dạng của danh mục sản phẩm sẽ giúp tăng tính cạnh tranh cho các mặt hàng của các thương hiệu kem.
Theo Enternews