Đây là khu du lịch sinh thái độc đáo nhất xứ Thanh, hiếm có ở nước ta, vì suối cá Cẩm Lương là hiện tượng thiên nhiên kỳ thú từ xa xưa. Đồng bào dân tộc Mường ở bản Ngọc có nhiều chuyện kể về sự ra đời, tồn tại của suối Cá Thần này.
Có một câu chuyện kể rằng: Ngày xưa, nơi bản Ngọc thời khai thiên, lập địa, vào một năm nọ thời tiết hạn hán quanh năm, người dân túng đói. Một hôm, có hai vợ chồng trong bản hiếm muộn con đi làm đồng vô tình nhặt được một quả trứng có hình thù lạ. Người vợ đem quả trứng ra suối Ngọc thả xuống nước. Nhưng lạ thay, khi nhấc tay lên, người ấy lại thấy quả trứng đang trên tay mình.
Hai vợ chồng quyết định đem quả trứng lạ đặt vào ổ gà đang ấp, quả trứng nở ra một con rắn. Sợ quá, người chồng đem con rắn ra suối Ngọc thả, nhưng cứ đến tối con rắn lại về ở với gia đình này. Sau đó, họ để con rắn ở lại sinh sống. Điều kỳ lạ là từ khi có sự xuất hiện của con rắn này thì đồng ruộng của bản đủ nước cày cấy, đồng bào sống trong no ấm, hạnh phúc. Chàng rắn ấy trở thành vị cứu tinh của bản, nên được mọi người tôn kính.
Một hôm, trời nổi cơn giông, sấm chớp. Sau cơn giông, dân bản thấy xác chàng rắn nằm bên. Vì rất thương tiếc chàng rắn, dân bản Ngọc chôn cất chàng bên chân núi, lập đền thờ chàng rắn chết là do quyết chiến với thủy quái để bảo vệ dân bản. Sau này, chàng rắn được phong thần gọi là: Tứ Phủ Long Vương.
Từ đó, ở suối Ngọc bên chân núi Trường Sinh xuất hiện đàn “cá thần” hàng nghìn con luôn quây chầu trước đền Ngọc Từ để hầu hạ chàng rắn. Suối “cá thần” Cẩm Lương có từ đó cho đến nay.
Theo tài liệu của các nhà Ngư học, đàn cá có đến hàng nghìn con lớn, nhỏ ở suối Cá Thần Cẩm Lương gồm các loài là: cá Dốc thuộc bộ cá chép, có tên trong sách đỏ Việt Nam, cá chài, cá mại. Hình thù các loài cá này rất lạ, màu sắc phong phú như: đỏ, xanh, hồng… Mỗi khi bơi, thân cá phát sáng nhiều màu sắc, lấp lánh ánh bạc rất ấn tượng, thú vị. Đàn cá này rất thân thiện với con người. Hàng ngày, đàn cá tung tăng bơi lội dưới dòng suối, nhảy lên khỏi mặt nước vui đùa cùng du khách. Đến cuối ngày, đàn cá lại bơi vào hang trú ẩn.
Vào mùa nước cạn, lòng suối Ngọc chỉ sâu khoảng 30 – 40cm, nước trong vắt, du khách có thể đưa tay xuống nước vuốt ve những con cá to như bắp chân, bắp tay. Đây là điều kỳ thú, hấp dẫn, thu hút hàng chục nghìn lượt du khách đến với suối Cá Thần Cẩm Lương hàng năm.
Với lượng cá nhiều như vậy nhưng không có hiện tượng cá lớn nuốt cá bé, hay bị cáo, chồn, chuột… bắt cá. Cả đàn cá cứ vô tư chung sống hiền hòa cùng nhau, cứ đến khi chiều hoàng hôn buông xuống thì đàn cá lại đi vào hang.
Đặc biệt có lần xuất hiện cá Chúa, thân hình to tướng, tròn như một thùng gánh nước. Theo các cụ già gần trăm tuổi ở đây cho biết, cá Chúa rất ít khi xuất hiện, có đến chục năm mới xuất hiện một lần. Cá Chúa xuất hiện là báo hiệu năm đó có nhiều điều may mắn tốt lành cho nhân dân, như được mùa, chăn nuôi phát triển, trồng cây sai quả, lúa, ngô, bắp, củ đầy nương, dân tình ấm no, hạnh phúc.
Hiện nay, trên địa bàn xã Cẩm Lương còn giữ được nguyên vẹn hệ thống rừng nguyên sinh với các loài động, thực vật đặc trưng của vùng nhiệt đới, thuộc dãy núi đá vôi Pù Luông – Cúc Phương. Đồng bào dân tộc Mường bản địa với những nếp sinh hoạt văn hóa truyền thống như: dệt thổ cẩm, uống rượu cần, múa Pồn Pông… sẽ là điểm nhấn để thu hút du khách.
Đặc biệt, dọc dãy núi Trường Sinh hiện còn có nhiều hang động nguyên sơ, kỳ bí chưa được khám phá. Du khách đến với suối cá Cẩm Lương vào dịp mùa xuân, từ mùng 8 đến 12 tháng giêng âm lịch hàng năm sẽ được dự Lễ hội Khai hạ - một lễ hội độc đáo nhất của đồng bào dân tộc Mường bản địa. Theo quan niệm của người dân địa phương, lễ hội rước Thần cá (còn gọi là lễ hội khai hạ đầu xuân) có từ xa xưa, được đồng bào dân tộc Mường ở xã Cẩm Lương bảo tồn, lưu giữ khá nguyên vẹn cho đến ngày nay.
Lễ hội này được tổ chức trang trọng, hoành tráng, với ước nguyện của người dân địa phương là cầu cho mưa thuận, gió hòa, mọi người khỏe mạnh, mùa màng tươi tốt. Mở đầu lễ hội là phần rước Thần cá từ suối Ngọc đưa về sân vận động của bản để làm lễ khai mạc, báo công với thành hoàng về một năm lao động sản xuất của đồng bào địa phương và những dự định của năm mới. Sau đó, Thần cá tiếp tục được đưa ra đền thờ ngay chân núi Trường Sinh để cúng tế.
Phần hội của lễ hội này với những trò chơi dân gian của đồng bào dân tộc Mường nơi đây như: ném còn, chơi đu, đẩy gậy, kéo co và nhiều hoạt động văn hóa – văn nghệ như hát xường, ru Mường, múa Pồn Pông,…
UBND tỉnh Thanh Hóa đã và đang đầu tư hàng chục tỉ đồng xây dựng khu du lịch sinh thái suối cá Cẩm Lương, với nhiều hạng mục như: nhà sàn văn hóa dân tộc Mường để tiếp đón du khách, các công trình bảo vệ suối Cá Thần, khu dịch vụ du lịch, khu sản xuất các sản phẩm đồ thổ cẩm để phục vụ du khách… nhằm đưa nơi đây trở thành địa chỉ du lịch trọng điểm, hấp dẫn của xứ Thanh.
Minh Phương