Thành lập vào năm 1962, nằm trên quê hương Đất Tổ Vua Hùng, cái tên Supe Lâm Thao đã trở nên quen thuộc với đông đảo bà con nông dân từ khi gắn với tên đất và tình người nơi đây. Đến nay, với bề dày 55 năm hoạt động trong ngành Hóa chất, Công ty đã tạo được uy tín với đông đảo người tiêu dùng và bạn hàng, đối tác khắp trong và ngoài nước với sản phẩm chính là phân bón, hóa chất các loại mang biểu tượng “3 nhành cọ xanh”.
Đơn vị SXKD hiệu quả
Hơn nửa thế kỷ qua, Supe Lâm Thao đã cung ứng trên 30 triệu tấn phân bón cho đồng ruộng, đồng hành cùng nông dân cả nước làm nên những vụ mùa bội thu, góp phần đưa Việt Nam trở thành nước xuất khẩu gạo đứng hàng đầu thế giới… Điều đó đã góp phần giúp Supe Lâm Thao khẳng định uy tín, thương hiệu trên thương trường, trở thành “Bạn của nhà nông” và phần nào nói lên quá trình nỗ lực không ngừng, vượt qua mọi khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ SXKD qua các thời kỳ. Đặc biệt, tại Hội nghị tổng kết năm 2016, triển khai công tác năm 2017 của Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (VINACHEM) diễn ra vào ngày 14/01/2017, Supe Lâm Thao là một trong những doanh nghiệp vinh dự được VINACHEM tặng danh hiệu “Đơn vị đạt doanh thu cao nhất năm 2016”. Cụ thể, doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ đạt trên 4.028 tỷ đồng; Tổng phân bón tiêu thụ là 1.114.116 tấn; Giá trị thực hiện công tác đầu tư xây dựng cơ bản là trên 40 tỷ đồng, đạt 100% kế hoạch năm; Nộp ngân sách gần 76 tỷ đồng và tạo đủ công ăn việc làm cho trên 3.000 người lao động. Phát huy thành quả đó, năm 2017, Công ty đang tích cực thực hiện tốt các chỉ tiêu SXKD, đầu tư XDCB cao hơn năm 2016; Đầu tư cải thiện môi trường làm việc, nâng cao mức thu nhập cho người lao động và đảm bảo cổ tức cho cổ đông.
Bên cạnh hoạt động sản xuất kinh doanh, Công ty còn luôn đi đầu trong công tác công tác an sinh xã hội như: Tham gia và hưởng ứng tích cực các hoạt động đền ơn đáp nghĩa, giúp đỡ người nghèo, ủng hộ biển đảo quê hương, phụng dưỡng Mẹ Việt Nam Anh hùng…
Bãi xỉ Pirit được cải tạo, trồng cây xanh
Với kết quả SXKD ổn định, hiệu quả qua từng thời kỳ, doanh nghiệp đã dành được nhiều phần thưởng, danh hiệu cao quý của Đảng và Nhà nước như Anh hùng Lao động (1985), Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân (1999), Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới (2000), Huân chương Hồ Chí Minh…
Nỗ lực quản lý, bảo vệ môi trường
Có tiếp xúc với Ban Lãnh đạo, tập thể cán bộ và người lao động của Supe Lâm Thao, chúng tôi mới thêm hiểu phần nào về những trăn trở, đau đáu của họ trong công tác xử lý, bảo vệ môi trường. Bởi 55 năm qua, các thế hệ lãnh đạo Công ty đã không ngừng lao tâm khổ tứ, tập trung trí tuệ và nguồn kinh phí để từng bước cải tạo môi trường, khắc phục các tồn tại do lịch sử hoạt động của Công ty để lại, để ngày càng đáp ứng yêu cầu thực tiễn đặt ra, tạo niềm tin cho người dân trong vùng.
Ông Trần Đại Nghĩa – Trưởng Phòng Kỹ thuật An toàn và Môi trường của Công ty nhấn mạnh: “Hầu hết các dự án đầu tư và các đề tài KHKT đều nhằm giải quyết vấn đề môi trường của Công ty và luôn được chú trọng đặc biệt. Để quản lý hiệu quả, toàn diện về môi trường, Supe Lâm Thao đã phân loại và ngày một nâng cao công nghệ xử lý đối với chất thải rắn và công nghiệp thông thường, chất thải xỉ pyrit, chất thải nguy hại,… Hiện nay, tất cả các dây chuyền sản xuất của Công ty đều đáp ứng được các tiêu chí xả thải. Nhưng còn một mặt mà lâu nay chúng tôi rất trăn trở, đó là việc xử lý tốt nhất nguồn ngước thải sản xuất Supe lân”.
Riêng với nguồn nước thải sản xuất Supe lân 36m3/h, trong nhiều năm qua, kể từ sau năm 2008, Công ty đã mời rất nhiều đơn vị uy tín của Hàn Quốc, Nhật Bản, Đức, Ba Lan… cùng tham gia hợp tác xử lý. Nhưng sau khi khảo sát, họ đều chưa có phương án khả thi. Đầu năm 2014, Supe Lâm Thao đã phối hợp với một đối tác của Hà Lan để triển khai thực hiện dự án xử lý nước thải của 2 dây chuyền sản xuất Supe lân. Đây là Dự án có công nghệ phức tạp. Do vậy, trước khi lập Dự án, Công ty đã hợp đồng với nhà thầu liên danh là Tổng Công ty Máy và Thiết bị Công nghiệp cùng Tập đoàn Witteveen+Bos (Hà Lan) để thực hiện việc khảo sát lấy mẫu, đề xuất phương án công nghệ xử lý nước thải. Ngày 12/6/2014, Công ty đã tổ chức báo cáo, hội thảo công nghệ xử lý, hình thức thực hiện Dự án, trong đó có rất nhiều nhà khoa học, viện nghiên cứu và các cơ quan chức năng Nhà nước tham dự. Ngày 31/7/2014, Công ty đã ký hợp đồng với Trung tâm Phát triển Kỹ thuật và Công nghệ - Viện Hàn Lâm Khoa học Việt Nam để lập Dự án đầu tư trên cơ sở số liệu khảo sát, phương án công nghệ đã được Hội thảo đề xuất. Hiện tại, Dự án đầu tư đang được HĐQT Công ty nghiên cứu xem xét thẩm định rất kỹ và để xin ý kiến VINACHEM.
Hệ thống hồ tuần hoàn tái sử dụng nước thải sản xuất trong Công ty
Hiện nay, để chủ động phương án xử lý nguồn nước thải sản xuất Supe lân này, song song với việc hoàn tất Dự án, Công ty đã chủ động, tiếp tục nghiên cứu các giải pháp khoa học kỹ thuật. Cụ thể, từ 9/5/2016, Công ty đã quyết định thành lập “Ban Đề tài triển khai nghiên cứu và áp dụng giải pháp xử lý nước thải sản xuất Supe lân tại hai dây chuyền sản xuất Supe phốt phát”. Qua đó, Công ty đã thực hiện triển khai giải pháp tại Phòng thí nghiệm và tiến hành chạy thử nghiệm thực tế tại dây chuyền sản xuất. Giải pháp đã được khẳng định là khả thi, đang hoàn chỉnh phương án công nghệ, thiết bị, tiến tới mua sắm và lắp đặt thiết bị để nhanh chóng đưa vào vận hành. Trong quý I và II/2017, Công ty đang chạy thử nghiệm và hiệu chỉnh, đến tháng 7/2017 sẽ hoàn chỉnh và đi vào vận hành ổn định.
Nhìn lại công nghệ xử lý nước thải từ khi Công ty thành lập đến nay, có thể nói, đây là một bước tiến dài trong công tác bảo vệ môi trường không ngừng nghỉ của Supe Lâm Thao. Ông Nghĩa cho biết thêm: “Sau khi triển khai xong Dự án, nước thải Supe lân sẽ được tuần hoàn 100% trong qui trình sản xuất. Từ đó, Công ty sẽ đẩy mạnh việc áp dụng Hệ thống quản lý môi trường ISO 140001…”.
Với những nỗ lực không ngừng trên mọi mặt công tác, đặc biệt là quản lý và cải thiện môi trường, thời gian tới, mong rằng, hình ảnh “3 nhành cọ xanh” sẽ ngày càng bay cao, vươn xa và chúc cho Supe Lâm Thao phát triển bền vững.
Đăng Hưng