Thứ Bẩy, 23/11/2024 10:18:26 GMT+7
Lượt xem: 738

Tin đăng lúc 24-04-2023

Tạo thời cơ cho phát triển kinh tế Việt Nam trong năm 2023

Theo kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 (Kế hoạch năm 2023 Quốc hội giao): Tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP) khoảng 6,5%; GDP bình quân đầu người khoảng 4.400 USD; tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP khoảng 25,4 - 25,8%; tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4,5%.
Tạo thời cơ cho phát triển kinh tế Việt Nam trong năm 2023
Năm 2022, các doanh nghiệp Việt Nam đã rất nỗ lực trong hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa

Thực hiện các Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 – 2025 trong điều kiện dự báo tình hình thế giới tiếp tục diễn biến rất phức tạp, khó đoán định. Cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, cạnh tranh kinh tế, chiến tranh thương mại gay gắt hơn. Xung đột quân sự tại Ukraine còn có thể kéo dài. Hậu quả đại dịch Covid-19 trên toàn cầu còn phải khắc phục nhiều năm. Lạm phát tiếp tục ở mức cao, xu hướng thắt chặt chính sách tiền tệ, tăng lãi suất kéo dài tại nhiều quốc gia. Nguy cơ mất thanh khoản, rủi ro, bất ổn về tài chính, tiền tệ, nợ công, bất động sản, an ninh năng lượng, lương thực, thông tin trên toàn cầu gia tăng. Kinh tế quốc tế có xu hướng tăng trưởng chậm lại, một số quốc gia có dấu hiệu rơi vào suy thoái kinh tế. 

 

Trong nước, nền kinh tế có những thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn. Sức ép lạm phát, tỷ giá, lãi suất gia tăng; sản xuất kinh doanh tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức; các thị trường xuất, nhập khẩu lớn, truyền thống của Việt Nam bị thu hẹp. 

 

Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, năm 2022 đã lập kỷ lục mới về nỗ lực của Việt Nam trong phục hồi xuất nhập khẩu sau 2 năm khó khăn bởi dịch bệnh Covid-19. Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt mức kỷ lục vượt mốc 700 tỷ USD.

 

Quý I/2023, Việt Nam vẫn duy trì mức tăng trưởng phù hợp nhờ hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng, Quốc hội và điều hành, quản lý vĩ mô của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, bộ ngành và địa phương trong bối cảnh khó khăn chung của kinh tế thế giới, tăng trưởng nhiều quốc gia suy thoái. Tốc độ tăng GDP quý I năm nay đạt 3,32% so với cùng kỳ năm trước, trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,52%, đóng góp 8,85% vào mức tăng trưởng chung; khu vực công nghiệp và xây dựng giảm 0,4%, làm giảm 4,76%; khu vực dịch vụ tăng 6,79%, đóng góp 95,91%.

 

Mới đây, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã chính thức vận hành Cổng thông tin doanh nghiệp có địa chỉ tại "https://thuanloithuongmai.vcci.com.vn" (tên miền chính) và "vntf.vn"; "thuanloithuongmai.vn" do VCCI xây dựng và quản trị trong khuôn khổ hợp tác với Chương trình tạo thuận lợi thương mại của Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID - TFP) thực hiện dự án "Thúc đẩy tính minh bạch và trách nhiệm giải trình trong tạo thuận lợi thương mại".

 

Mục tiêu xây dựng Cổng thông tin doanh nghiệp về chính sách tạo thuận lợi thương mại là hỗ trợ các bên tiếp cận với các hướng dẫn về chính sách pháp luật và tin tức về thuận lợi hóa thương mại, xây dựng không gian tương tác tích cực giữa các bộ, ngành, chuyên gia và doanh nghiệp thông qua cơ chế hỏi đáp và tư vấn tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

 

Các chuyên gia cho rằng, để đạt được mục tiêu và phát triển kinh tế đặt ra đến năm 2030, 2045 các doanh nghiệp, các dự án đầu tư lớn, thực hiện trong thời gian dài, các nhà đầu tư luôn đòi hỏi tính ổn định và khả năng dự đoán của môi trường pháp lý để quyết định liệu có đầu tư hay không. Rủi ro pháp lý cao đồng nghĩa với hoạt động đầu tư kinh doanh của doanh nghiệp kém thuận lợi. Việc giảm rủi ro pháp lý không chỉ có tác động đến sự dịch chuyển ngành nghề, lĩnh vực đầu tư của kinh tế tư nhân, mà còn giúp các DN này sẵn sàng đầu tư mạnh mẽ hơn để xây dựng nhà xưởng kiên cố, mua sắm máy móc hiện đại, đầu tư cho nguồn nhân lực, nghiên cứu phát triển (R&D) và xây dựng thương hiệu lâu dài.

 

Ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch VCCI chia sẻ: Thượng tôn pháp luật là yêu cầu bắt buộc, nhưng cách ban hành, cách thực thi chính sách thế nào là điều vô cùng quan trọng. Các DN, nhất là DN có quy mô lớn như những con tàu, không thể phanh gấp được. Do vậy, nên giảm rủi ro pháp lý bằng cách không có thay đổi đột ngột, cực đoan trong ban hành và thực thi chính sách. Đặc biệt, cần tăng cường tham vấn, lấy ý kiến DN khi soạn thảo các văn bản pháp luật, các quy hoạch và cam kết quốc tế có liên quan. Đồng thời, cần thực hiện tốt hơn công tác cung cấp thông tin chính sách, pháp luật... góp phần tạo thuận lợi hơn cho môi trường đầu tư kinh doanh cho DN trong thời gian tới.

 

Ông Lê Tiến Trường– Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex) cho rằng: Việc xác định rõ những khó khăn trước mắt sẽ giúp doanh nghiệp có bước đi chủ động, đồng thời sẵn sàng triển khai giải pháp ứng phó phù hợp diễn biến mới, tập trung nghiên cứu, xác định sản phẩm chủ lực, thích hợp nhất tại từng thời điểm để hoàn thiện chuỗi sản xuất khép kín; làm tốt công tác dự báo thị trường, cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác, kịp thời để các doanh nghiệp điều chỉnh kế hoạch sản xuất kinh doanh phù hợp.

 

Về phía Bộ Công Thương, đã triển khai các nội dung về phát triển công nghiệp tại Nghị quyết số 29-NQ/TW, tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; tiếp tục nghiên cứu, xây dựng các chiến lược phát triển một số ngành công nghiệp trọng điểm; phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan để tiếp tục tháo gỡ khó khăn, xử lý các vấn đề tồn đọng; hỗ trợ doanh nghiệp trong việc tìm kiếm thị trường nhập khẩu nguyên nhiên vật liệu, phụ tùng, linh kiện phù hợp phục vụ cho sản xuất; xây dựng và ban hành các quy chuẩn, tiêu chuẩn quốc gia về sản xuất đối với một số ngành nghề kinh doanh có điều kiện đối với các nhóm hàng hóa số 2; triển khai hiệu quả chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ, trong đó chú trọng các giải pháp về tư vấn, đào tạo nguồn nhân lực; hỗ trợ xây dựng và vận hành mô hình nhà máy thông minh, chuyển đổi số, sản xuất xanh, sản xuất sạch. Đây là điểm sáng, là tiền đề quan trọng để nền kinh tế nước ta vững bước trong năm 2023.

 

Chính phủ duy trì thường xuyên và liên tục cải cách môi trường kinh doanh, là nhiệm vụ trọng tâm, cách làm này đã tạo áp lực cho bộ máy điều hành từ Trung ương xuống địa phương phải nỗ lực thực hiện. Bên cạnh đó, cũng tạo động lực thi đua giữa các địa phương, nhằm có những chuyển biến đột phá trong quản trị, điều hành. Tuy nhiên, các kết quả cải cách vẫn chưa đáp ứng được kỳ vọng của nhà đầu tư, DN. Gánh nặng chính sách đối với DN tồn tại dưới nhiều hình thức, thể hiện qua nhiều bất cập khác nhau, có khúc mắc chưa được giải quyết, thậm chí thời gian gần đây mức độ rủi ro còn tiềm ẩn lớn hơn.

 

Để thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 theo Nghị quyết của Quốc hội, trong thời gian tới, Chính phủ yêu cầu các cấp, các ngành, các địa phương phải quyết tâm, giữ vững tinh thần vượt khó, đoàn kết, tự lực, tự cường, chủ động thích ứng, linh hoạt, hành động quyết liệt, khoa học, hiệu quả, tích cực đổi mới, sáng tạo theo tinh thần chủ đề điều hành “Đoàn kết kỷ cương, bản lĩnh linh hoạt, đổi mới sáng tạo, kịp thời hiệu quả”.

 

Công Chuyền

 


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang