Qua tìm hiểu, giới trẻ hiện nay đang có xu hướng sử dụng thuốc lá thế hệ mới (THM), nó vừa thể hiện sự “sành điệu” của thanh niên, sự hấp dẫn của hương liệu tinh dầu, mùi vị gây thu hút giới trẻ, vừa gọn gàng, dễ che dấu sự kiểm soát của người thân. Bởi vậy, sự tồn tại và phát triển mạnh của thuốc lá thế hệ mới đang ngày càng thu hút người tiêu dùng, nhất là giới trẻ.
Trên thực tế, thuốc lá THM có hai dòng sản phẩm là thuốc lá làm nóng và thuốc lá điện tử, sự khác nhau của hai dòng thuốc lá THM là: Thuốc lá làm nóng là sản phẩm thuốc lá hoạt động theo cơ chế làm nóng - không đốt cháy, tạo ra nicotine từ nguyên liệu thuốc lá tự nhiên để cung cấp cho người hút thuốc.
Thuốc lá điện tử có cơ chế làm bay hơi dung dịch có chứa hoặc không chứa nicotine, “hệ thống mở” (open system), cho phép người dùng pha trộn dung dịch theo nhu cầu, tăng giảm liều lượng nicotine, tạo nhiều mùi hương khác nhau, thậm chí có chất tạo màu cho khói.
Thuốc lá điện tử hệ thống mở không chỉ là sản phẩm phổ biến hiện nay đối với cả người đã từng hoặc chưa từng hút thuốc, đặc biệt là giới trẻ, mà còn tạo ra nhiều kẽ hở để những kể xấu trục lợi bằng cách thêm các chất cấm, cần sa, ma túy.
Mới đây một nghiên cứu về hành vi nguy cơ đối với sức khỏe học sinh trung học cơ sở, trung học phổ thông năm 2020, tỷ lệ đang sử dụng thuốc lá điện tử ở học sinh lớp 8-12 là 8,35% (nữ là 4,8%, nam là 12,39%), riêng ở học sinh lớp 10-12 là 12,6%. Tỷ lệ nữ giới hút thuốc lá điện tử cũng tăng cao hơn so với hút thuốc lá điếu thông thường.
Các chuyên gia cảnh báo, đối với độ tuổi học sinh sử dụng thuốc lá điện tử là hết sức lo ngại, bởi, khi sử dụng thuốc lá điện tử rất dễ bị tổ thương não, suy hô hấp... Điển hình, vừa qua tại Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương đã tiếp nhận ca cấp cứu cho một bệnh nhân đang trong tình trạng nguy kịch, tổn thương não, suy hô hấp do bị sốc, ngộ độc với các chất có trong dung dịch thuốc lá điện tử.
Khai thác tiền sử, bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị sốc, ngộ độc với các chất có trong dung dịch thuốc lá điện tử, điển hình như nicotine. Sau thời gian điều trị tích cực, bệnh nhân cho biết, nhiều lần hút thuốc lá điện tử do cảm giác thích thú, cảm nhận âm thanh xung quanh giống như "nghe nhạc nhảy từ tai này sang tai khác", hình ảnh cũng sống động hơn. Lần này, sau khi hút, không nhớ rõ số lượng điếu, anh bỗng bủn rủn tay chân, nhanh chóng mất ý thức và được đưa đi cấp cứu.
Có thể thấy, thuốc lá điện tử đã phát triển rất nhanh và thâm nhập vào giới trẻ hiện nay, dẫn đến nguy cơ ảnh hưởng trực tiếp về sức khỏe và gen, đồng thời làm tăng khả năng mắc ung thư phổi.
Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), hiện có 79/111 quốc gia đặt thuốc lá điện tử và 184/193 quốc gia đặt thuốc lá làm nóng dưới sự kiểm soát của luật kiểm soát thuốc lá quốc gia. Điểm chung là thuốc lá THM là sản phẩm thay thế chỉ dành cho người hút thuốc lá điếu trưởng thành chuyển đổi sử dụng để giảm tác hại cho bản thân và cộng đồng, đồng thời thông tin rõ sản phẩm hoàn toàn không phù hợp cho thanh thiếu niên (dưới 18 hoặc 21 tuổi).
Các chuyên gia cho rằng, tại Việt Nam vấn đề kiểm soát thuốc lá THM hiện nay đã trở thành câu chuyện chung của các cấp quản lý từ Trung ương tới địa phương, đòi hỏi sự hợp tác liên ngành. Bên cạnh vai trò chủ quản của Bộ Công Thương, cần sự phối hợp nhịp nhàng giữa Bộ Y tế, Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính, Bộ Khoa học - Công nghệ,… dưới sự chỉ đạo của Chính phủ.
Việt Nam hoàn toàn có đủ năng lực quản lý để kiểm soát thành công thuốc lá THM dù bắt đầu bằng zero kinh nghiệm, khi tập trung theo sát chiến lược giảm cung - giảm cầu - giảm tác hại của WHO, và thống nhất giải pháp giữa các bộ ngành vì mục tiêu chung là nâng cao sức khỏe cộng đồng.
Điều 9 Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá và Nghị định 176/2013/NĐ-CP quy định rất rõ về việc xử phạt hành vi mua, bán, sử dụng thuốc lá ở người dưới 18 tuổi. Như vậy, nếu thuốc lá điện tử chịu sự kiểm soát của Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá như thuốc lá điếu thì các cơ quan ban ngành chức năng đã có thể xử phạt các hành vi vi phạm.
Thu Hằng