Theo báo cáo của TKV, năm 2016, Tập đoàn đặt ra mục tiêu đạt tổng doanh thu 104.891 tỷ đồng, nộp ngân sách 11,68 nghìn tỷ đồng và phấn đấu ở mức cao hơn. Lợi nhuận phấn đấu đạt 500 tỷ đồng.
Trong 6 tháng đầu năm, TKV đã sản xuất được 19,27 triệu tấn than, đạt 50% kế hoạch năm, bằng 92% so với cùng kỳ năm 2015. Than sạch thành phẩm đạt 17,74 triệu tấn, bằng 49,3% kế hoạch năm, bằng 94% so cùng kỳ năm 2015.
Tiêu thụ than đạt 18 triệu tấn, trong đó trong nước đạt 17,81 triệu tấn. TKV cũng đã xuất khẩu 183.000 tấn. Tuy nhiên, con số này chỉ đạt 26% kế hoạch năm.
Ước tính 6 tháng đầu năm, toàn Tập đoàn đạt 47.450 tỷ đồng doanh thu, tương đương 45% kế hoạch năm, thấp hơn cùng kỳ năm trước, lợi nhuận chỉ đạt 150 tỷ đồng.
Những thách thức của ngành than
Theo lãnh đạo TKV, hiện tại ngành than đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, vướng mắc mà chưa có giải pháp khắc phục hiệu quả.
Thứ nhất là sự sụt giảm của thị trường năng lượng. Năng lượng hoá thạch than đá giảm về sản lượng và giá bán, nhiều mỏ than trên thế giới phải dừng khai thác do giá bán thấp trong khi giá thành cao.
Trong bối cảnh đó, giá bán than của TKV vẫn ở mức cao nên sức cạnh tranh yếu. Lý do là chi phí đầu vào tăng do điều kiện khai thác mỏ ngày càng xuống sâu, đi xa hơn, tỉ trọng than lộ thiên giảm, chủ yếu là khai thác hầm lò…
Ngoài ra, cũng có thêm một lý do nữa là giá than của TKV hiện đang được áp nhiều loại thuế, phí. Theo tổng hợp của TKV, tổng các loại thuế phí tính vào giá thành than trong nước khoảng 15%, ở mức cao so với thế giới và khu vực.
Khó khăn tiếp theo là do sự thay đổi của nhu cầu sử dụng than trong nước, cùng với đó là việc Nhà nước đã cho phép một số ngành khác cũng được nhập khẩu than để phục vụ nhu cầu sử dụng. Đây là những nguyên nhân dẫn đến sản phẩm than của TKV bị tồn đọng, không tiêu thụ được.
Ngành than hiện cũng đang thiếu nguồn lực để thực hiện các dự án đầu tư các mỏ than.
Một đặc thù của ngành than là sử dụng nhiều lao động do tỉ lệ lao động thủ công, bán cơ giới hóa còn cao. Mặc dù trong những năm qua, TKV đã tích cực đầu tư cơ giới hóa việc khai thác, nhưng do điều kiện địa chất phức tạp nên việc này chưa được như mong muốn.
Toàn cảnh buổi làm việc. Ảnh: VGP/Xuân Tuyến
Giải quyết khó khăn cho ngành than, bảo đảm an ninh năng lượng
Những khó khăn, thách thức của ngành than được Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chia sẻ. Phó Thủ tướng cho rằng, tuy gặp phải nhiều khó khăn, nhưng thời gian qua, ngành than đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, sản lượng khai thác ngày càng đáp ứng tốt hơn nhu cầu sử dụng trong nước; công tác tái cơ cấu ngành than được thực hiện mang lại hiệu quả bước đầu, duy trì được việc làm cho hơn 100.000 lao động.
“Cơ bản ngành than đã thực hiện được nhiệm vụ quan trọng mà Nhà nước giao trong điều kiện cạnh tranh, phát triển kinh tế thị trường”, Phó Thủ tướng nói.
Về những khó khăn mà ngành than đang phải đối mặt, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng khẳng định phải có sự vào cuộc kịp thời, hiệu quả để xử lý, qua đó tạo điều kiện cho ngành than phát triển, bảo đảm an ninh năng lượng.
“Ngành than là một trụ cột bảo đảm an ninh năng lượng, do đó phải trở thành một ngành phát triển, có sức cạnh tranh cao, bảo đảm đủ than cho nhu cầu trong nước, đặc biệt là cho sản xuất điện”, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nói.
Để phát triển, ngành than phải đồng thời nâng cao công suất, giảm giá để cạnh tranh, trong khi vẫn bảo đảm môi trường.
Về giá, Phó Thủ tướng đề nghị TKV và các doanh nghiệp thành viên cần có những biện pháp quyết liệt hơn nữa để giảm giá thành sản xuất trong nước. Đối với các cơ quan quản lý Nhà nước, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đề nghị cần nghiên cứu một cách thấu đáo các chính sách thuế, phí đối với giá bán than.
Đề cập đến các giải pháp trung hạn và dài hạn, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đề nghị ngành than cần tiếp tục đẩy mạnh công tác điều tra, thăm dò, đánh giá tài nguyên làm cơ sở cho việc thực hiện quy hoạch phát triển ngành. Cùng với đó, phải tổ chức khai thác có hiệu quả các nguồn tài nguyên khoáng sản chủ lực, trước hết là than. Có kế hoạch xuất, nhập khẩu than phù hợp.
Theo Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, giải pháp đặc biệt quan trọng, có vai trò quyết định để vượt qua khó khăn chính là tập trung tái cấu trúc doanh nghiệp nhằm nâng cao chất lượng, năng suất, hiệu quả và do đó nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm.
“Trước hết tập trung rà soát để tái cấu trúc các sản phẩm, ngành nghề. Thực tế khó khăn hiện nay cho thấy ngành than càng phải tập trung rà soát, nghiên cứu những sản phẩm, dịch vụ có thế mạnh, phù hợp với khả năng, phù hợp với nhu cầu của thị trường. Lĩnh vực đầu tư cũng cần được tái cấu trúc theo hướng chỉ tập trung vào những lĩnh vực chính của ngành”, Phó Thủ tướng yêu cầu.
Một nhiệm vụ khác, khó khăn hơn trong việc nâng cao hiệu quả hoạt động chính là đổi mới quản trị doanh nghiệp nhằm nâng cao năng suất lao động, quản lý chi phí nhằm tiết kiệm, khắc phục lãng phí, thất thoát để giảm giá thành, tăng sức cạnh tranh của sản phẩm.
Phó Thủ tướng cũng đề nghị TKV cần đặc biệt quan tâm đến đời sống người lao động, trước hết là bảo đảm an toàn lao động, tiếp đó là vấn đề nhà ở, nâng cao thu nhập, nâng cao đời sống văn hoá, tinh thần cho công nhân.
Đối với tỉnh Quảng Ninh, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đề nghị cần tiếp tục tăng cường công tác quản lý khai thác, chế biến, vận chuyển và xuất nhập khẩu than, quản lý về môi trường trên địa bàn.
Đối với những kiến nghị cụ thể của TKV, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đề nghị các bộ, ngành và tỉnh Quảng Ninh nghiên cứu một cách trách nhiệm để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
* Cũng trong tối nay, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cùng lãnh đạo một số bộ, ngành và tỉnh Quảng Ninh dự lễ khánh thành dự án Sun World Hạ Long Park tại phường Bãi Cháy và phường Hồng Gai, thành phố Hạ Long do Công ty TNHH Mặt trời Hạ Long - Tập đoàn Sun Group làm chủ đầu tư.
Theo Báo điện tử Chính phủ