Giữ đà tăng trưởng
Theo Bộ Công thương, tính chung chín tháng năm 2020, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu cả nước ước đạt 202,4 tỷ USD, tăng 4% so cùng kỳ năm trước. Đáng chú ý, khu vực kinh tế trong nước tiếp tục là động lực cho sự tăng trưởng của xuất khẩu khi kim ngạch xuất khẩu chín tháng của khu vực này đạt 71,4 tỷ USD, tăng mạnh 19,5% so cùng kỳ năm 2019, chiếm gần 35,3% tổng kim ngạch xuất khẩu. Trong khi đó, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 131,03 tỷ USD, giảm 2,9% so cùng kỳ. Khối doanh nghiệp trong nước vẫn là điểm sáng trong hoạt động xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam với mức tăng trưởng xuất khẩu chín tháng cao hơn bốn lần so tốc độ tăng trưởng chung cả nước, đồng thời đặt trong bối cảnh xuất khẩu của khối doanh nghiệp FDI tăng trưởng âm.
Trong thực tế thương mại toàn cầu bị ảnh hưởng mạnh từ dịch Covid-19, hoạt động xuất khẩu của Việt Nam vẫn giữ được mức tăng trưởng dương một phần do chúng ta tận dụng tốt ưu đãi thuế quan trong các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) đã ký để mở rộng thị trường xuất khẩu. Phó Cục trưởng Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) Trần Thanh Hải cho biết, việc tham gia các FTA, nhất là FTA Việt Nam - EU (EVFTA) đã làm tăng khả năng cạnh tranh, giúp hàng hóa Việt Nam mở rộng thị phần tại các thị trường đối tác, là động lực thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu. Đến hết tháng 9, các tổ chức được ủy quyền đã cấp 20.680 bộ Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) mẫu EUR.1 với kim ngạch gần 830 triệu USD đi các nước châu Âu. Các mặt hàng đã được cấp C/O mẫu EUR.1 chủ yếu là giày dép, thủy sản, nhựa và các sản phẩm nhựa, cà-phê, hàng dệt may, nông sản, hàng điện tử,... Trong đó, điển hình là mặt hàng giày dép có kim ngạch xuất khẩu sang EU được cấp C/O khoảng 385 triệu USD, thủy sản 118 triệu USD, nhựa và sản phẩm nhựa khoảng 48 triệu USD. Đây là những kết quả tích cực, cho thấy việc EVFTA có hiệu lực vào thời điểm này khá kịp thời, giúp doanh nghiệp mở rộng thị trường trong bối cảnh đang chịu tác động nặng nề của dịch Covid-19.
Một điểm đáng chú ý khác của hoạt động xuất khẩu là xuất siêu liên tục tăng cao. Riêng tháng 9, ước tính xuất siêu đạt 3,09 tỷ USD. Tính chung chín tháng, cán cân thương mại hàng hóa xuất siêu 16,58 tỷ USD, trong khi cùng kỳ năm trước chỉ đạt 7,27 tỷ USD. Trong bối cảnh xuất khẩu nhiều quốc gia trong khu vực tiếp tục giảm hoặc tăng trưởng chậm, kết quả tăng trưởng xuất khẩu ở mức 4% và duy trì cán cân thương mại thặng dư trong chín tháng của Việt Nam là nỗ lực rất lớn. Tuy nhiên, không ít chuyên gia cảnh báo, dù xuất siêu sẽ giúp tăng dự trữ ngoại hối, nhưng nếu xuất siêu tăng vì nhập khẩu giảm mạnh (chín tháng giảm 0,7% trong khi cùng kỳ năm trước tăng 8,3%) lại cho thấy nhiều dấu hiệu lo ngại. Đó là sản xuất trong nước vẫn phụ thuộc lớn vào nguồn nguyên phụ liệu nhập khẩu, nhập khẩu giảm đã phần nào phản ánh sự giảm sút của sản xuất trong nước. Bên cạnh đó, xuất siêu của Việt Nam chủ yếu dựa vào khu vực doanh nghiệp FDI (xuất siêu 27,51 tỷ USD), trong khi doanh nghiệp trong nước vẫn nhập siêu gần 11 tỷ USD.
Hỗ trợ doanh nghiệp
Phân tích về mức tăng trưởng âm của kim ngạch nhập khẩu, Thứ trưởng Công thương Đỗ Thắng Hải cho biết, tính chung chín tháng, kim ngạch của “nhóm hàng cần nhập khẩu” (gồm cả các mặt hàng phục vụ sản xuất) ước đạt 164,43 tỷ USD, chỉ giảm 0,3% so cùng kỳ năm 2019 và chiếm 88,5% tổng kim ngạch nhập khẩu. Trong đó, nhiều mặt hàng là nguyên phụ liệu cho sản xuất trong nước như máy tính, sản phẩm điện tử và linh kiện có kim ngạch cũng như tốc độ tăng trưởng rất cao, đạt 45,05 tỷ USD và tăng 17,8% so cùng kỳ. Trong khi đó, kim ngạch của “nhóm hàng cần kiểm soát nhập khẩu” (chủ yếu là các mặt hàng không khuyến khích nhập khẩu, không phục vụ nhu cầu sản xuất) ước đạt 11,4 tỷ USD, giảm 15,3% so cùng kỳ và chỉ chiếm tỷ trọng 6,1% trong tổng kim ngạch nhập khẩu. Trong đó, nhập khẩu ô-tô nguyên chiếc dưới chín chỗ ước đạt 859 triệu USD, giảm 44,2% so cùng kỳ; rau, quả giảm 32,3%; máy ảnh, máy quay phim và linh kiện giảm 10%; bánh kẹo và sản phẩm từ ngũ cốc giảm 8%;... Như vậy, nhập khẩu giảm tập trung ở nhóm hàng cần kiểm soát, trong khi nhóm hàng cần nhập khẩu - chủ yếu là nguyên, nhiên vật liệu phục vụ sản xuất chỉ giảm 0,3% so với cùng kỳ. Theo Phó Cục trưởng Xuất, nhập khẩu Trần Thanh Hải, mặc dù tổng kim ngạch xuất khẩu chung có mức tăng trưởng dương trong chín tháng, nhưng một số ngành như dệt may lại giảm rõ rệt. Do đó, việc hỗ trợ các doanh nghiệp tiếp tục khai thác, tận dụng tốt các FTA là rất quan trọng nhằm thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu thời gian tới. Các đơn vị liên quan của Bộ Công thương sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với hệ thống thương vụ, các tổ chức xúc tiến tăng cường cung cấp thông tin, giúp doanh nghiệp nắm rõ diễn biến của thị trường thế giới và khu vực để có định hướng kinh doanh tốt hơn. Cùng với đó, Bộ Công thương sẽ tập trung công tác xúc tiến thương mại và xây dựng thương hiệu.
Thời gian qua, việc ứng dụng chuyển đổi số trong các hoạt động xúc tiến hay tổ chức kết nối giao lưu thông qua phương tiện trực tuyến đã được triển khai mạnh mẽ nhằm giúp doanh nghiệp khắc phục những tác động bất lợi từ dịch Covid-19, mở rộng hoạt động giao thương. Một giải pháp nữa là tiếp tục đẩy nhanh thuận lợi hóa thương mại, thông qua kết nối các thủ tục hành chính của Bộ Công thương với Cổng dịch vụ công quốc gia và Cơ chế một cửa quốc gia; rà soát và đơn giản hóa các điều kiện kinh doanh, các quy định kiểm tra chuyên ngành; phối hợp các ngành liên quan trong việc giảm chi phí logistics cũng như nhiều chi phí liên quan, tác động đến hoạt động xuất, nhập khẩu. Về lâu dài, Bộ Công thương sẽ phối hợp các ngành đẩy mạnh cơ cấu lại sản xuất, tạo ra nguồn hàng xuất khẩu chất lượng cao, đáp ứng tốt, đúng nhu cầu của các thị trường nhập khẩu; gia tăng tỷ lệ nội địa trong các mặt hàng xuất khẩu. Đặc biệt, đối với các mặt hàng nông sản, Bộ sẽ cùng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đẩy mạnh cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp theo hướng quy mô lớn gắn với bảo quản, chế biến, đẩy mạnh liên kết sản xuất và chuỗi giá trị.
Theo báo Nhân dân