Năm 2022, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang thị trường này đạt 57,7 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 15,5% tổng kim ngạch cả nước.
Dư địa xuất khẩu sang Trung Quốc còn rất lớn vì đây là quốc gia đông dân nhất thế giới, vừa có GDP lớn thứ 2 toàn cầu. Trung Quốc cũng có nhiều thỏa thuận hợp tác song phương và đa phương với Việt Nam như Hiệp định Thương mại tự do ASEAN-Trung Quốc (ACFTA), Hiệp định Ðối tác Toàn diện và Tiến bộ khu vực (RCEP) và đang tích cực tham gia vào Hiệp định Ðối tác Toàn diện và xuyên Thái Bình Dương (CPTPP);…
Trong bối cảnh Trung Quốc vừa mở cửa trở lại và nỗ lực phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19, đây là cơ hội tốt cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam.
Tuy nhiên, Bộ Công thương cũng cảnh báo Trung Quốc không còn là thị trường dễ tính như trước vì nước này đã có những yêu cầu cao hơn đối với hàng hóa cả nhập khẩu lẫn xuất khẩu. Cụ thể, Trung Quốc đã ban hành quy định về đăng ký doanh nghiệp sản xuất thực phẩm nước ngoài (Lệnh 248), yêu cầu doanh nghiệp nước ngoài hoàn thiện hồ sơ gia hạn trên Hệ thống thương mại một cửa (CIFER). Ðồng thời, nước này tiếp tục có những động thái siết chặt quản lý, kiểm soát các đợt dịch đối với gia súc, gia cầm.
Do đó, các hiệp hội, ngành hàng của Việt Nam cần tích cực nắm bắt thông tin, diễn biến dịch trên thế giới và nguy cơ lây lan trong nước để kịp thời cảnh báo doanh nghiệp sản xuất có biện pháp tránh lây nhiễm cũng như bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Ngoài ra, nền kinh tế Trung Quốc dù lớn nhưng chủ yếu là xuất khẩu và họ sẽ tiếp tục giữ vai trò công xưởng sản xuất của thế giới với nhiều mặt hàng xuất khẩu rất tương đồng với Việt Nam. Ðiều này vừa tạo ra lợi thế, nhưng cũng là thách thức lớn đối với hàng hóa xuất khẩu của nước ta.
Các chuyên gia khuyến cáo, cơ quan quản lý và hiệp hội doanh nghiệp, ngành hàng cần nhận diện đúng, trúng, kịp thời cả thời cơ và thách thức về thị trường này mới có thể khai thác, phát huy được các lợi thế trong quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại giữa hai nước, góp phần làm cho hai nền kinh tế tiếp tục bổ trợ cho nhau để phát triển bền vững. Về phía các doanh nghiệp xuất khẩu, cần thay đổi cách tiếp cận thị trường Trung Quốc, tập trung vào một vài ngành hàng hoặc nhóm mặt hàng có thế mạnh nhằm tạo hiệu ứng lan tỏa.
Doanh nghiệp Việt Nam có thể nghiên cứu hợp tác với các chợ đầu mối lớn phía Trung Quốc để đẩy mạnh xuất khẩu. Cùng với việc tiếp tục tập trung cho các thị trường truyền thống, gần biên giới như tỉnh Quảng Tây, các doanh nghiệp xuất khẩu cần mở rộng tới các thị trường mới nằm sâu trong nội địa Trung Quốc như Sơn Ðông, Hà Bắc,… vẫn chưa khai thác hiệu quả.
Thời gian tới, Bộ Công thương sẽ tổ chức nhiều hoạt động xúc tiến thương mại quy mô lớn tại Trung Quốc để hỗ trợ doanh nghiệp mở rộng thị trường. Khi hợp tác thương mại giữa hai nước được đẩy mạnh, sẽ thúc đẩy cả những cơ hội hợp tác đầu tư. Trung Quốc có thể tận dụng, khai thác được lợi thế của Việt Nam với vai trò thành viên của 16 hiệp định thương mại tự do (FTA). Khi đó, doanh nghiệp hai nước sẽ có cơ hội liên doanh, liên kết, khai thác tiềm năng, ưu đãi trong các FTA nhằm đẩy mạnh xuất khẩu.
Theo Nhandan.vn