“Tết với nhất!” là câu mẹ tôi thường thốt ra mỗi khi thấy công việc chuẩn bị cho ngày Tết có điều gì không bằng lòng hoặc quá mệt mỏi vì nó. Câu này tôi cũng thường thấy nhiều người, nhất là những người phải gánh vác việc lo Tết như mẹ tôi. Nhưng bao giờ cũng vậy, rồi... đâu cũng vào đấy.
Ngày Tết đúng hẹn không chậm một giây, một khắc được nhận biết khi cây kim giờ và phút của đồng hồ đều chập vào con số 12 và bên ngoài là tiếng nổ cùng ánh chớp của những loạt pháo hoa đón xuân sang.
Cái đài, ti vi nay nhà nào cũng có nổi lên những bản nhạc quen thuộc và những lời chúc Tết...
Rồi tất cả những việc phải làm trong ngày Tết từ lúc Giao thừa cho đến những ngày tiếp theo đều cứ tuần tự diễn ra theo một “kịch bản” đã thành nếp.
Bắt đầu là những nén nhang thắp trên ban thờ gia tiên, những chén trà sen được rót ra lan toả mùi thơm ngào ngạt cùng với khói hương trầm đã ướp sẵn không gian phòng khách từ chập đêm. Bây giờ tân tiến thì có sâm panh, vang hay chút rượu mạnh và những đĩa bánh mứt hay kẹo đủ loại nội, ngoại bày ra. Rồi những người trong nhà ra đường đi chơi phố trở về “xông đất”...
Tiếp theo là những lời chúc theo thứ tự không mấy thay đổi cứ từ dưới lên, rồi lại từ trên xuống kèm theo những món mừng tuổi nay ở ngoài Bắc cũng gọi là "lì xì" như trong Nam vốn gọi... Cứ thế cho đến lúc hạ ban thờ cúng thổ thần, thổ địa sắp đặt ở ngoài trời và hoá vàng, đốt mã... rồi ai làm việc nấy theo thói quen của mình.
Tôi thường vào bàn làm việc, trước là lấy giấy bút nay là mở cái laptop gõ vài ba dòng gọi là “khai bút”.
Đã qua bao cái Tết, bao nhiêu lần nghe thốt ra cái câu “Tết với nhất” mà tôi vẫn chưa kịp hỏi để biết được vì sao đã “Tết” lại còn “nhất”?
“Tết” thì rõ là biến âm của chữ “tiết”, còn “nhất” có phải từ chữ “nhật” mà ra hay lại theo nghĩa “Tết là ngày quan trọng nhất” thì tôi chưa rõ hiểu thế nào là đúng hơn. Nhưng chắc chắn ngày Tết là bận rộn và đôi khi người ta lấy làm vui hay kêu là khổ cũng vì sự bận rộn ấy.
Khi những ngày Tết qua đi, mẹ tôi bao giờ cũng dò hỏi ý kiến người trong nhà xem Tết năm nay so với các năm trước thế nào... ra chừng như để đón đợi đến Tết sau mọi sự sẽ tốt hơn nữa.
Bây giờ thì mẹ tôi đã già quá rồi, bà chỉ ngồi xem con cái, cháu chắt trong nhà mỗi năm ăn Tết ra sao. Bà vui vì thấy gia đình tuy không “con đàn cháu đống” như người xưa nhưng đã đủ “tứ đại đồng đường”, tuy không ai giàu “nứt đố đổ vách” nhưng đều “ăn nên làm ra”. Và vui nhất là thấy trong nhà, của cải không hư hao, con cháu không hư hỏng.
Với tôi, đã có ngót bảy chục cái Tết, có lẽ chỉ trừ ba năm chiến tranh phá hoại ác liệt nhất (1966-1967-1968), khi cả nhà phải đi sơ tán mỗi người một phương là không có cái cảnh sum họp ấy.
Mỗi một cái Tết tuy có cung bậc vui vẻ nhiều ít khác nhau nhưng nói chung là không mấy thay đổi. Thành viên trong nhà ngày một đông hơn, con cháu đã thành gia thất mỗi người ở một nơi, nhưng vẫn bà mẹ ấy và cái ban thờ ấy vẫn còn, là hạt nhân cho sự đoàn tụ. Tuy người thì thấy già đi, nhà thì thấy hẹp lại nhưng mọi thứ vẫn diễn ra như một cái nếp không mấy thay đổi.
Song khi mà ta nhìn ra khỏi nếp nhà của mình và soi vào chính con cháu mình thì thấy xã hội đã đổi thay nhiều lắm.
Không biết ở nông thôn ra sao, nhưng nồi bánh chưng ngày Tết với thế hệ của tôi quen sống nơi thành thị thì gắn với cái thời bao cấp. Với “tiêu chuẩn Tết” mỗi gia đình đều có một vài cân gạo nếp, một vài lạng đậu xanh, một gói nhỏ hạt tiêu và thêm một ô thịt Tết cùng mớ lá dong mậu dịch cung cấp, lại cộng thêm đôi chút tiêu chuẩn cải thiện do công đoàn cơ quan lo thì thế nào cũng phải tự tay gói bánh, hay cùng một vài gia đình đụng nhau nấu chung để đỡ phần củi lửa.
Và chắc nhiều người còn nhớ khi từ Liên Xô gửi về những chiếc nồi áp suất thì đó là cả một cuộc cách mạng làm cho công việc nấu bánh bớt nặng nhọc nhưng lại làm giảm đi cái thú ngồi đợi nồi bánh chưng ngày Tết.
Những cái nồi làm bằng những thùng tôn vốn đựng gạo, được dốc ra để xếp bánh là đắc dụng hơn hết. Và dù thức bên nồi bánh đun bằng củi độn trấu hay than tổ ong, hay có ngủ gà ngủ gật thì ánh lửa bập bùng và những câu chuyện râm ran kéo dài suốt đêm đến sáng vẫn là một nét thi vị trong ký ức khó quên của nhiều thế hệ.
Rồi khi bánh đã chín dền, được vớt lên tráng qua nước cho mỡ bớt dính lá, rồi lấy ván ép cho ráo nước trước khi xâu lạt treo lên cao cho thoáng gió… khi đó mới chính thức được coi là việc chuẩn bị Tết đã “căn bản” hoàn tất.
Trang trọng bao nhiêu cái phút bóc tấm bánh đầu tiên để lên ban thờ cúng gia tiên mỗi chiều Ba mươi Tết. Chỉ nhìn màu xanh của lá và độ bóng của những hạt nếp, một chút đậu xanh hay những sợi thịt đã chín nục dính vào cái lạt dùng để xắt cái bánh hình vuông thành 8 miếng tụ tâm hình tam giác đủ để cả nhà phán đoán bánh năm nay có “đẹp” không...
Những cảm xúc ấy, nay mất dần nhờ dịch vụ xã hội ngày càng cao và nhu cầu của con người dành cho ngày Tết thay đổi. Đám trẻ thích có nhiều thời gian đi mua sắm nhờ những thu nhập gia tăng và tiền thưởng Tết hay ngồi xem ti vi hơn là quây quần bên bếp lửa hồng.
Cuộc sống ngày một đổi thay nên thế nào cũng có người muốn níu cái cũ, lại có người muốn đổi hẳn theo cái mới. Cái câu chúc “nhật tân, nhật nhật tân, hựu nhật tân” diễn nôm là “mỗi ngày một mới” dường như đang tăng tốc hay những người cao tuổi theo không kịp mà thấy vậy. Chợt nhớ lại một câu chuyện cách nay đã vài ba chục năm liên quan đến một vị giáo sư đã quá cố.
Vị giáo sư đáng kính ấy là một chuyên gia hàng đầu về dinh dưỡng chuyên tâm nghiên cứu khoa học với mong muốn đời sống người dân không chỉ ngon bổ hơn mà còn có chất lượng sống ngày một tốt hơn.
Có một năm, để góp vào cuộc trao đổi trên báo chí chủ đề là làm sao cải tiến việc tổ chức ngày Tết Nguyên đán cho hợp với thời thế ngày một đổi mới này, vị giáo sư đáng kính đăng đàn báo chí ướm thử phương án dồn 3 năm làm một cái... “Tết ra Tết”. Lý lẽ đơn giản là làm ra làm, chơi ra chơi. Tích lũy lao động của 3 năm thì sẽ có một đợt nghỉ Tết dài ngày và đủ nguồn lực để… xả láng về tinh thần và tái tạo sức lao động về thể chất, lại giải quyết nhiều bức xúc xã hội đang phải đối phó như giao thông, nhân công... và...
Thoạt nghe cũng có lý nhưng rồi ai cũng thấy rằng cái Tết khó mà như thế được…
Có lần tôi được sang thăm Nhật Bản đúng dịp "Tết ta" để chia vui với một công ty danh tiếng của Việt Nam đang có một đội ngũ chuyên viên đông đảo làm việc bên ấy. Nhưng nước Nhật thấm đẫm giá trị truyền thống ấy, từ lâu đã bỏ hẳn ngày tết cổ truyền giống như ở ta và chỉ còn ngày Tết dương lịch như các nước phương Tây.
Hỏi thì được biết, ngày tết cổ truyền của người Nhật vẫn được giữ lại trong các làng quê hay mỗi gia đình trên thành thị, nhưng sinh hoạt đã thay đổi cho giản tiện nhất, kể cả cái cốt lõi tín ngưỡng thì vẫn giữ nhưng phải thích ứng với đời sống hiện đại.
Ông bạn người Nhật để tay vào trái tim và gõ gõ lên đầu như muốn lưu ý rằng tâm thức mới là nơi cất giữ tốt nhất những giá trị cổ truyền còn sự biểu hiện cái giá trị ấy thì phải thuận theo hoàn cảnh và nhu cầu thực của cuộc sống hiện đại. Và như thế thì người ta sẽ sáng tạo ra rất nhiều cách gìn giữ không chỉ có một cách duy nhất là... không thay đổi.
Lại có dịp đến Los Angeles bên Mỹ, nơi có cộng đồng rất đông đảo bà con người Việt, nơi có Little Sài Gòn mà tên gọi các cửa hiệu bằng tiếng Việt dường như nhiều hơn hẳn tiếng Anh. Dù chỉ còn ít ngày nữa là Tết, nhưng cảnh quan vẫn bình thường. Hỏi ra thì biết bây giờ ai thích hưởng “Tết ra Tết” thì làm một chuyến du lịch “hồi hương”. Còn tại chỗ thì cộng đồng sẽ có nhiều hình thức mà mọi dịch vụ đã đáp ứng nên chỉ vài ngày trước Tết là đã có sẵn mọi thứ để mọi người nhập cuộc.
Đón Tết theo quan niệm truyền thống là "Tống cựu nghênh xuân", tức là bỏ lại cái cũ kỹ để đón rước mùa Xuân, để đón những điều mới mẻ tốt đẹp hơn nhưng cũng phải biết lo lắng nhiều hơn để cuộc sống không ngừng phát triển.
Dương Trung Quốc
Nguồn: Chinhphu.vn