Theo thống kê của Bộ VHTT&DL, mỗi năm nước ta có hơn 8.000 lễ hội. Mỗi lễ hội đều mang một nét tiêu biểu và giá trị riêng của từng tộc người, từng địa phương. Nhưng lễ hội nào cũng có tinh thần hướng tới một một chủ thể linh thiêng được suy tôn như: Những vị anh hùng chống ngoại xâm, những người có công dạy nghề, truyền nghề, chống thiên tai, diệt trừ ác thú, giàu lòng cứu nhân độ thế...
Với tư tưởng “uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ người trồng cây”, các lễ hội diễn ra sôi động bằng những sự tích, công trạng, là cầu nối giữa quá khứ với hiện tại, làm cho thế hệ trẻ hôm nay hiểu được công lao tổ tiên, thêm tự hào về truyền thống quê hương, đất nước mình. Đặc biệt, lễ hội ở nước ta gắn bó với làng xã, địa danh, vùng đất như một thành tố không thể thiếu, chẳng hạn như Lễ hội Lim, Lễ hội Yên Thế…
Phần lớn các lễ hội ở Việt Nam thường gắn với sự kiện lịch sử, tưởng nhớ người có công với nước trong chiến tranh chống giặc ngoại xâm nên các trò vui chơi ở lễ hội thường mang nhiều tính mạnh mẽ của tinh thần thượng võ như: Thi bắn nỏ, đấu vật (hội Cổ Loa) đấu võ, chạy thi (hội hoa Vị Khê, Nam Định), thi bắn nỏ, ném còn (ở vùng đồng bào dân tộc phía Bắc) .v.v. Có lễ hội lại gọi tên theo những trò chơi dân gian như hội rước voi, rước chúa gái, hội đánh phết, ném còn, hội chọi gà, chọi trâu, hội đâm đuống...
Sự phong phú của lễ hội ở Việt Nam vừa là nét đẹp văn hóa dân tộc nhưng cũng vừa là một trong những sản phẩm du lịch hấp dẫn du khách.
Ngày xuân, có lẽ không có làng quê Việt Nam nào lại không mở hội, nhỏ thì một ngày, lớn thì nhiều ngày, nhất là những năm được mùa thì lễ hội vui không kể xiết.
Có những lễ hội trở nên tiêu biểu, nức tiếng gần xa như hội: Đền Hùng, tỉnh Phú Thọ, hội Cổ Loa, Lệ Mật, Phù Đổng của Hà Nội, hội Liễu Đôi (Hà Nam), hội Phủ Dầy (Nam Định), Bắc Ninh có hội Đồng Kỵ, hội Lim... Bắc Giang có hội Yên Thế, Xương Giang, Thổ Hà, Vạn Vân, hội đền Kiếp Bạc (Hải Dương), hội chùa Dâu, hội chùa Keo (Thái Bình), hội đua ghe ngo của đồng bào Khơme Nam Bộ, hội vùng núi Sam (Châu Đốc - An Giang)...
Thi ném còn
Hầu hết các dân tộc đều có lễ hội truyền thống tiêu biểu gắn với tín ngưỡng truyền thống của dân tộc mình. Theo kết quả khảo sát, nghiên cứu của Bộ VHTT&DL, mặc dù sinh sống trong những không gian địa lý, điều kiện tự nhiên khác nhau nhưng trong dịp lễ, tết của các dân tộc có nhiều nét tương đồng nhất là các lễ, hội.
Chẳng hạn, nhiều dân tộc cùng tổ chức Lễ Tết Nguyên đán, đón Giao thừa, Rằm tháng Giêng, Tết Đoan Ngọ (5/5 âm lịch), Rằm tháng 7… Có những lễ, tết tuy không tổ chức vào cùng thời điểm nhưng mục đích, ý nghĩa lại rất giống nhau, như: Lễ tạ ơn, mừng lúa mới, cầu mưa, cầu ngư, cúng thần rừng… thể hiện lòng biết ơn của con người với trời đất, tổ tiên, ông bà và mong ước của người lao động về mùa màng tươi tốt, cuộc sống sung túc, ấm no, hạnh phúc.
Việc tổ chức các lễ, tết trong cộng đồng các dân tộc góp phần bảo tồn các giá trị văn hoá, tri thức dân gian trong ứng xử giữa con người với thiên nhiên, giữa con người với con người. Chính ý nghĩa, giá trị nhân văn đó đã làm nên sức sống của lễ hội. Những gì không phù hợp sẽ bị loại thải, những giá trị thực sự sẽ trường tồn.
Một mùa lễ hội mới đã về trên khắp đất nước Việt Nam. Chúng ta mong rằng các lễ hội vẫn giữ nguyên sức cuốn hút, hấp dẫn của nó, đồng thời ngày một giảm trừ các hủ tục, tệ nạn xã hội. Bởi lễ hội là tinh hoa văn hóa Việt Nam, các giá trị văn hóa của lễ hội được bảo tồn và phát huy chắc chắn góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
Nguồn: Báo điện tử chính phủ