Thứ Sáu, 22/11/2024 11:23:55 GMT+7
Lượt xem: 9447

Tin đăng lúc 21-11-2017

Tăng cường quản lý bán hàng đa cấp

Bộ Công Thương cho biết đã và đang nỗ lực phối hợp với các cơ quan liên quan để xử lý các tình huống phát sinh do doanh nghiệp bán hàng đa cấp ngừng hoạt động và tăng cường công tác quản lý loại hình kinh doanh này.
Tăng cường quản lý bán hàng đa cấp
Ảnh minh họa

Bán hàng đa cấp đã giảm mạnh cả về số lượng doanh nghiệp và người tham gia trong thời gian vừa qua. Đến nay, số doanh nghiệp kinh doanh đa cấp có giấy chứng nhận hoạt động còn 36 đơn vị, giảm 46% so với cuối năm 2015 (trong đó có 01 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động); số người tham gia vào khoảng 360.000 người, giảm 276.000 người (43%) so với cuối năm 2016.

 

Theo số liệu báo cáo từ các doanh nghiệp kinh doanh đa cấp đang hoạt động, tổng số hoa hồng và các lợi ích kinh tế khác họ đã chi trả cho người tham gia trong vòng 6 tháng đầu năm 2017 là 986 tỷ đồng/tổng doanh thu 3.067 tỷ đồng (chiếm 32%). Con số này tuy lớn về giá trị tuyệt đối, nhưng tính bình quân cho khoảng 360.000 người tham gia thì thu nhập từ bán hàng đa cấp chỉ đạt khoảng 2,7 triệu đồng/người/năm. Điều này cho thấy, bán hàng đa cấp không phải là một phương thức kinh doanh có thể làm giàu cho tất cả những người tham gia.

 

Trong số 35 doanh nghiệp đang hoạt động có giấy chứng nhận, 11 doanh nghiệp phát sinh nghĩa vụ phải mua lại hàng hóa từ người tham gia với tổng giá trị ước tính khoảng 6 tỷ đồng. Thời gian qua, Bộ Công Thương cũng đã nhận được nhiều đơn khiếu nại của người tham gia bán hàng đa cấp nhưng hầu hết là không hoạt động bán hàng mà chỉ trao tiền cho người khác rồi hy vọng nhận được tiền lời cao. Đặc biệt, 100% các thỏa thuận về lợi nhuận đều không được ghi lại thành văn bản nên khi xảy ra tranh chấp cơ quan Nhà nước không có chứng cứ để xử lý.  

 

Công ty TNHH Thiên Ngọc Minh Uy có quy mô kinh doanh đa cấp lớn nhất đã chấm dứt hoạt động (từ tháng 4/2017). Tại thời điểm chấm dứt hoạt động, công ty có 165.000 người tham gia, trên 20 chi nhánh, 41 địa điểm kinh doanh tại các địa phương. Nhận định tình hình có thể dẫn tới khiếu nại, khiếu kiện, tiềm ẩn khả năng ảnh hưởng tới an ninh trật tự ở các địa phương, đặc biệt trong tình huống Công ty Thiên Ngọc Minh Uy không còn khả năng hoặc từ chối hoàn trả tiền tham gia của người dân, Bộ Công Thương đã báo cáo Chính phủ chỉ đạo Bộ Công an và ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chủ động nắm tình hình và bảo đảm an ninh trật tự; thành lập tổ công tác gồm đại diện Bộ Công Thương và Cục Cảnh sát điều tra tội phạm kinh tế và tham nhũng (Bộ Công an) làm việc với Công ty TNHH Thiên Ngọc Minh Uy để theo dõi, giám sát quá trình công ty này thanh lý hợp đồng với người tham gia. Hỗ trợ các sở công thương và ủy ban nhân dân các địa phương xây dựng phương án tiếp nhận khiếu nại, hướng dẫn và bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người tham gia bán hàng đa cấp tại Công ty Thiên Ngọc Minh Uy.

 

Đến nay đã có 15/63 tỉnh, thành phố (Hà  Nội, TP. Hồ Chí Minh, Quảng Ninh, Lạng Sơn, Yên Bái…) chỉ đạo các cơ quan chức năng xử lý các vấn đề phát sinh từ việc Công ty Thiên Ngọc Minh Uy chấm dứt hoạt động kinh doanh đa cấp, có phương án tiếp nhận khiếu nại, hướng dẫn người tham gia bán hàng đa cấp bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình; giám sát chặt chẽ hoạt động của Công ty Thiên Ngọc Minh Uy đảm bảo công ty này không hoạt động bán hàng đa cấp nữa theo thông báo chấm dứt; nắm bắt kịp thời tình hình thực tế tại địa phương để có kế hoạch giải quyết, xử lý kịp thời các vấn đề phát sinh liên quan đến việc Công ty Thiên Ngọc Minh Uy thanh lý hợp đồng với người tham gia.

 

Ngoài việc chủ động xử lý các tình huống phát sinh từ việc Công ty Thiên Ngọc Minh Uy ngừng hoạt động, từ đầu năm 2017 đến nay Bộ Công Thương cũng đã kết thúc điều tra và xử phạt 4 doanh nghiệp bán hàng đa cấp có hành vi vi phạm pháp luật với tổng số tiền phạt 490 triệu đồng. Kết thúc kiểm tra và đang tiến hành thủ tục xử lý các vi phạm đối với 02 công ty bán hàng đa cấp khác có liên quan đến việc vi phạm pháp luật kinh doanh trong lĩnh vực này. Bộ Công Thương cũng đã tích cực hỗ trợ các sở công thương địa phương thực hiện các thủ tục hành chính về xác nhận thông báo hoạt động, tổ chức hội nghị, hội thảo, đào tạo về bán hàng đa cấp... của các doanh nghiệp.

 

Để quản lý hiệu quả hoạt động kinh doanh đa cấp cũng như có đủ chế tài pháp luật quản lý bán hàng đa cấp trong thời gian tới, Bộ Công Thương đã xây dựng và đang phối hợp với Văn phòng Chính phủ hoàn thiện dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 42/2014/NĐ-CP để trình Thủ tướng Chính phủ ban hành. Bộ Công Thương cho rằng, cần phải duy trì thường xuyên hoạt động kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm, đặc biệt là ở các địa phương đối với hoạt động kinh doanh đa cấp; tích cực hoàn thiện pháp luật về quản lý hoạt động bán hàng đa cấp; tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật; kiện toàn tổ chức, nhân sự để thực hiện công tác quản lý hoạt động bán hàng đa cấp tốt hơn./.

 

Nguồn Báo Công Thương


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang