Thứ Sáu, 22/11/2024 11:31:53 GMT+7
Lượt xem: 4566

Tin đăng lúc 13-01-2015

Tăng cường các biện pháp đẩy mạnh xuất khẩu gạo sang thị trường châu Phi, Tây Á, Nam Á

Trong năm 2015, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục triển khai nhiều biện pháp nhằm đẩy mạnh xuất khẩu gạo sang thị trường châu Phi, Tây Á, Nam Á.
Tăng cường các biện pháp đẩy mạnh xuất khẩu gạo sang thị trường châu Phi, Tây Á, Nam Á

Nhu cầu nhập khẩu gạo của Châu Phi:

 

Theo Tổ chức Nông lương Liên Hiệp quốc (FAO), mức tiêu thụ gạo của châu Phi vào khoảng từ 24-24,5 triệu tấn/năm và mức tiêu thụ bình quân tính theo đầu người là 22,1 kg/năm.

 

Với số dân hơn 1 tỷ người, nhu cầu tiêu thụ gạo ở châu Phi ngày càng lớn bởi sự tiện dụng của việc chế biến gạo so với kê và những loại ngũ cốc truyền thống khác cũng như do tỷ lệ đô thị hóa ngày càng tăng tại các nước trong khu vực này.

 

Mặt khác, giá gạo không còn quá cao so với thu nhập của đại bộ phận người dân châu Phi, vì vậy gạo trở thành thức ăn phổ biến trong bữa ăn hàng ngày. Những nước có mức tiêu thụ gạo bình quân đầu người cao nhất trong khu vực là Guinea Bissau (112kg/người/năm), Sierra Leon (88,6 kg/người/năm), Guinea (73 kg/người/năm) và Gabon (72 kg/người/năm).

 

Lúa chiếm 10% diện tích canh tác các loại ngũ cốc và đóng góp 15% sản lượng lương thực của châu Phi. Tuy nhiên, do sản xuất không đáp ứng được nhu cầu nên từ năm 2009 đến nay, châu Phi phải nhập khẩu từ 8 đến 10 triệu tấn gạo, trị giá từ 3,5 đến 5 tỷ USD trong đó chủ yếu là loại gạo 25% tấm. Đây là mặt hàng có giá trị thấp nên mặc dù lượng gạo nhập khẩu lớn nhưng chỉ chiếm tỷ trọng khiêm tốn so với những loại hàng hóa có hàm lượng giá trị cao hơn như các sản phẩm tiêu dùng, máy móc thiết bị. Tốc độ tăng trưởng nhập khẩu gạo không cao, chỉ ở mức 2-3%/năm do phụ thuộc vào tình hình sản xuất lúa trong nước, đặc biệt là yếu tố thời tiết.

 

Các quốc gia nhập khẩu gạo lớn nhất châu Phi là Nigeria (3 triệu tấn/năm), Senegal, Côte d’Ivoire (800.000-1 triệu tấn/năm), Nam Phi, Ghana (400-600.000 tấn), Tanzania, Algeria, Cameroon, Guinea… Ngoại trừ hai nước nhập khẩu nhiều gạo đồ chất lượng cao là Nam Phi và Nigeria, các nước khác trong khu vực chủ yếu nhập khẩu loại gạo tấm có phẩm cấp và giá thành vừa phải. Riêng thị trường Nigeria đã chiếm 30% tổng lượng gạo nhập khẩu vào châu Phi, tiếp đến là Bờ Biển Ngà, Senegal (5%), Nam Phi, Ghana (4%), Cameroon, Guinea, v.v…

 

Các nước cung cấp gạo chính cho khu vực này là Thái Lan, Ấn Độ, Pakistan, Việt Nam và Mỹ, trong đó Thái Lan vẫn là nhà cung cấp gạo với khối lượng lớn nhất và chủng loại đa dạng, chiếm đến 50% tổng lượng gạo nhập khẩu của châu Phi.

 

Hiện khu vực Đông Nam Á vẫn cung cấp gần ¾ tổng lượng gạo nhập khẩu của Tây và Trung Phi, tuy nhiên đã có thêm những nguồn cung cấp mới, nhất là kể từ năm 2008, khi những nước châu Á chủ động hạn chế xuất khẩu gạo. Trên thị trường Tây Phi đã xuất hiện các loại gạo đến từ khu vực Nam Mỹ (Uruguay và Braxin).

 

Theo Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA), năm 2014, các nước châu Phi như Nigeria, Bờ Biển Ngà và Senegal nhập khẩu lần lượt là 3 triệu, 1,15 triệu và 1,2 triệu tấn gạo. Dự báo năm 2015, nhu cầu nhập khẩu gạo sẽ tăng, trong đó, khu vực hạ Sahara được dự báo sẽ nhập khẩu gạo ở mức kỷ lục với 12,75 triệu tấn gạo. Nigeria sẽ tiếp tục là nước nhập khẩu gạo lớn nhất khu vực này và là nước nhập khẩu gạo lớn thứ hai thế giới chỉ sau Trung Quốc. Trong năm 2015, Nigeria sẽ nhập khẩu 3,5 triệu tấn gạo, tăng 17% so với năm 2014 do sản lượng gạo nội địa nước này giảm xuống trong khi đó nhu cầu tiêu thụ tăng lên. Bờ Biển Ngà sẽ nhập khẩu 1,2 triệu tấn gạo trong năm 2015, tăng 4% so với năm 2014. Lượng gạo được Senegal và Nam Phi nhập khẩu trong năm 2015 sẽ không đổi so với năm 2014, đạt 1,1 triệu tấn gạo.

 

Nhu cầu nhập khẩu gạo của Tây Á (Trung Đông):

 

Các nước Tây Á cũng có nhu cầu nhập khẩu gạo cao. Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA) ước tính sản lượng gạo của Iran năm 2014-2015 đạt 1,683 triệu tấn và nhập khẩu 1,7 triệu tấn nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu thụ 3,45 triệu tấn.

 

Iraq cũng là một trong những nhà nhập khẩu gạo lớn nhất ở Trung Đông, mua khoảng 1,2 triệu tấn gạo mỗi năm chủ yếu thông qua hình thức đấu thầu.

 

Theo FAO, dự kiến nhu cầu nhập khẩu gạo của Ả-rập Xê-út năm 2014 có thể đạt 1,3 triệu tấn. Ả-rập Xê-út chủ yếu nhập khẩu gạo từ các nước châu Á như Ấn Độ, Thái Lan, Pakistan (trong đó Ấn Độ là nước xuất khẩu gạo lớn nhất chiếm trên 60% tổng kim ngạch nhập khẩu gạo của nước này).

 

Kuwait nhập khẩu trung bình từ 300.000 đến 450.000 tấn gạo mỗi năm. Nguồn nhập khẩu gạo của nước này chủ yếu đến từ Ấn Độ chiếm khoảng 35%, Thái Lan 25%, Ốt-xtrây-li-a 20% và các nước khác khoảng 20%.

 

Các Tiểu vương quốc Ả rập thống nhất (UAE) được xem là một cửa ngõ quan trọng cho xuất khẩu gạo bởi hiện UAE là quốc gia tái xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới, nhờ vị trí địa lý, hạ tầng dịch vụ phát triển và luật lệ thương mại thông thoáng. UAE không chỉ tái xuất gạo và nông sản vào thị trường Trung Đông-châu Phi mà còn đến các nước Nam Á. Năm 2013 nước này từng nhập khẩu gạo với kim ngạch đạt mức kỷ lục 2 tỷ USD trong đó gạo tái xuất chiếm 93%. Mỗi năm, UAE nhập khẩu khoảng 1 triệu tấn gạo các loại. Thị trường UAE có đặc điểm riêng là mọi hoạt động giao thương, tiếp cận đối tác được tiến hành thông qua các hội chợ triển lãm chuyên ngành được tổ chức thường xuyên và diễn ra sôi động quanh năm, chủ yếu tập trung tại Dubai.

 

Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ dự báo nhu cầu nhập khẩu gạo tại khu vực Trung Đông sẽ tăng trong năm 2015.

 

Nhu cầu nhập khẩu gạo của Nam Á:

 

Tại khu vực này, Bangladesh là nước nhập khẩu gạo lớn nhất. Năm 2014, nước này dự kiến nhập khẩu 400.000 tấn gạo. Trước đây, Việt Nam xuất khẩu một lượng lớn gạo sang Bangladesh. Tuy nhiên, 03 năm trở lại đây, nước này lại chủ yếu mua gạo của nước láng giềng Ấn Độ và gạo giá rẻ Thái Lan. Việt Nam và Bangladesh vừa ký gia hạn MOU về thương mại gạo cấp Chính phủ vào đầu năm 2014 song đầu mối nhập khẩu gạo của Chính phủ Bangladesh chỉ mua vào 3.060 tấn trong năm nay (trên tổng số 400.000 tấn dự kiến nhập). Số còn lại được tư nhân nhập khẩu tự do.

 

Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ dự báo lượng gạo khu vực Nam Á nhập khẩu trong năm 2015 sẽ giảm 20% so với năm 2014 do sản xuất gạo tại Ấn Độ, Pakistan và Bangladesh tăng.

 

Tình hình xuất khẩu gạo của Việt Nam

 

Theo số liệu của Tổng Cục hải quan Việt Nam, tính đến hết tháng 11 năm 2014, gạo của Việt Nam đã xuất khẩu sang 46 trên 78 thị trường tại khu vực châu Phi, Tây Á, Nam Á với tổng kim ngạch đạt khoảng 410 triệu USD trong đó xuất khẩu gạo sang các thị trường chính ở châu Phi như Bờ Biển Ngà, Angola, Cameroon giảm mạnh.

 

Nguyên nhân chủ yếu là một số nước xuất khẩu gạo như Thái Lan, Ấn Độ, Pakistan có chính sách đẩy mạnh xuất khẩu sang châu Phi bằng cách giảm giá gạo. Đặc biệt, việc Thái Lan xả hàng bán gạo tồn kho giá rẻ đã tác động tiêu cực đến xuất khẩu gạo của Việt Nam sang châu Phi.

 

Năm 2014, xuất khẩu gạo sang châu Phi còn gặp khó khăn do đại dịch Ebola bùng phát ở khu vực Tây Phi (gồm 4 nước Guinea, Liberia, Sierra Leone và Nigeria). Số lượng tàu hàng đến các nước châu Phi giảm mạnh do thủy thủ đoàn không muốn đến các nước có dịch. Hầu hết các công ty bảo hiểm cũng không muốn cung cấp bảo hiểm toàn cầu liên quan đến đại dịch này.

 

 

Các biện pháp hỗ trợ xuất khẩu gạo của Bộ Công Thương

 

Nhằm đẩy mạnh xuất khẩu gạo sang thị trường châu Phi, Tây Á, Nam Á, trong năm 2015, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục:

 

- Triển khai Chỉ thị 08 về tăng cường công tác thông tin thị trường, xúc tiến thương mại gạo; Triển khai thực hiện Bản ghi nhớ giữa Bộ Công Thương và Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn về phối hợp công tác nhằm đẩy mạnh sản xuất, xuất khẩu nông lâm thủy sản. Nghiên cứu, xây dựng Đề án chiến lược phát triển thị trường gạo đến năm 2020.

 

- Đàm phán và ký kết Bản ghi nhớ (MOU) về thương mại gạo với các nước Bờ Biển Ngà, Congo, Kenya, Angola, Mozambique, Madagascar, v.v...

 

- Đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền về tiềm năng xuất khẩu gạo sang thị trường khu vực trên các phương tiện thông tin đại chúng và qua các cuộc hội thảo tại địa phương.

 

- Chỉ đạo các Thương vụ trong khu vực bám sát và thường xuyên báo cáo về Bộ những thông tin tình hình thị trường gạo phụ trách, khả năng ký MOU. Giới thiệu khách hàng, hỗ trợ doanh nghiệp xác minh đối tác, đàm phán, ký kết hợp đồng, giải quyết các tranh chấp phát sinh.

 

- Tổ chức các đoàn giao thương, XTTM tại khu vực trong đó chú trọng thúc đẩy xuất khẩu mặt hàng gạo.

 

- Phối hợp với VCCI, Tổ chức Quốc tế Pháp ngữ (OIF) và Trung tâm Thương mại quốc tế (ITC) tổ chức các Cuộc gặp ngân hàng, Cuộc gặp bên mua/bên bán về gạo nhằm thiết lập quan hệ giữa các ngân hàng thương mại Việt Nam và châu Phi, các doanh nghiệp xuất nhập khẩu gạo, tạo điều kiện cho hoạt động kinh doanh và thanh toán xuất nhập khẩu.

 

- Tăng cường theo dõi, phân tích, đánh giá tình hình hoạt động của các đối thủ cạnh tranh xuất khẩu gạo với Việt Nam như Pakistan, Thái Lan, Ấn Độ tại khu vực thị trường.

 

- Theo dõi, đôn đốc và hỗ trợ doanh nghiệp đầu mối hai bên thực hiện các MOU về thương mại gạo đã ký với Bangladesh, Sierra Leone, Guinea và Comoros. Hỗ trợ doanh nghiệp thành lập công ty, mở kho ngoại quan gạo tại một số thị trường trọng điểm như Cameroon, Angola, Mozambique... để tiêu thụ gạo trực tiếp. Hỗ trợ các doanh nghiệp triển khai đề án đổi gạo Việt Nam lấy điều châu Phi.

 

Vụ Thị trường châu Phi, Tây Á, Nam Á


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang