Triệt phá nhiều đường dây sản xuất hàng giả quy mô lớn
Như đã thông tin, trung tuần tháng 4/2025, Bộ Công an đã triệt phá đường dây sữa giả do Công ty CP Dược quốc tế Rance Pharma và Công ty CP Dược dinh dưỡng Hacofood Group sản xuất, kinh doanh. Hai công ty bắt đầu sản xuất, kinh doanh thừ năm 2021. Sau 04 năm, hai đơn vị này đã sản xuất 573 nhãn hiệu sữa bột các loại. Có cả sản xuất các loại sữa dành cho những người bị tiểu đường, suy thận, trẻ sinh non, thiếu tháng và phụ nữ có thai.
Cuối tháng 4 vừa qua, Công an tỉnh Phú Thọ đột kích, khám xét khẩn cấp xưởng sản xuất và kho hàng của Công ty TNHH Famimoto Việt Nam tại địa chỉ Khu Đồng Đồi, xã Thụy Vân, TP.Việt Trì, tỉnh Phú Thọ. Tại thời điểm khám xét, Công an phát hiện, tạm giữ hơn 71.000 lít dầu ăn, khoảng 40 tấn mì chính, 22 tấn hạt nêm, 9 tấn bột canh giả. Cùng đó là gần 84 tấn phụ gia các loại dùng để sản xuất, sang chiết các loại mì chính, hạt nêm, bột canh giả và hơn gần 1,6 triệu vỏ bao bì, can nhựa đựng sản phẩm cùng dây chuyền sản xuất đóng gói. Kết quả điều tra bước đầu xác định, Công ty TNHH Famimoto Việt Nam đã tiêu thụ ra thị trường 144 tấn dầu ăn; 118 tấn bột canh, 363 tấn hạt nêm giả. Ngoài ra, cơ quan Công an còn làm rõ hơn 1.220 tấn mì chính có dấu hiệu vi phạm về chỉ dẫn tem mác. Đáng chú ý, các sản phẩm hàng giả trên đã được Công ty TNHH Famimoto Việt Nam bán cho các bếp ăn tại các khu công nghiệp, nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe của người lao động.
Trước đó, cơ quan chức năng đã kiểm tra, xử lý khởi tố một số KOL, KOC (Quang Ving Vlog, Hằng Du Mục) trong vụ sản xuất kẹo rau củ Kera giả của Công ty Cổ phần Tập đoàn Chị em Rọt. Ngoài ra, Cục Phát truyền hình và Thông tin điện tử ra Quyết định xử phạt BTV Quang Minh 37,5 triệu đồng, MC Vân Hugo 70 triệu đồng do có sai phạm trong hoạt động quảng cáo.
Các vụ việc hàng giả liên tục bị phanh phui, cùng với đó các KOL, KOC diễn viên, nghệ sĩ bị xử phạt vì liên quan đến sản xuất hàng giả, sai phạm trong quảng cáo đã ghi nhận sự quyết tâm của lực lượng chức năng, cơ quan quản lý trong công tác đấu tranh chống hàng giả và chấn chỉnh các hoạt động quảng cáo của người nổi tiếng.
Tăng cường chống hàng giả, hậu kiểm toàn quốc
Để nâng cao hơn nữa vai trò quản lý nhà nước trong lĩnh vực TP, ngày 5/5, Bộ Y tế đã ban hành công văn đề nghị các thành viên Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về ATTP và Ủy ban nhân dân các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương căn cứ lĩnh vực được phân công quản lý về ATTP, khẩn trương triển khai thực hiện tăng cường công tác quản lý thị trường, thanh tra, kiểm tra đối với các sản phẩm TP trên thị trường, tập trung phát hiện các nguyên liệu không rõ nguồn gốc, TP giả, sữa giả, TP bảo vệ sức khỏe giả, TP kém chất lượng, TP chưa thực hiện thủ tục tự công bố/đăng ký bản công bố trên thị trường, nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các vi phạm.
Tăng cường rà soát, xử lý theo quy định của pháp luật đối với các hành vi vi phạm về quảng cáo TP trên môi trường mạng, hoặc trên các phương tiện thông tin đại chúng khác; tăng cường thông tin, tuyên truyền các quy định của pháp luật về bảo đảm ATTP nhằm nâng cao nhận thức của người tiêu dùng trong lựa chọn, mua và sử dụng các sản phẩm TP.
Rà soát quy định về bảo đảm ATTP đối với các sản phẩm TP, đặc biệt đối với sản phẩm sữa, sản phẩm dinh dưỡng, TPCN; chủ động sửa đổi hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền sửa đổi các quy định hiện hành trong trường hợp cần thiết nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý ATTP.
Ngay sau đó, ngày 6/5, Cục ATTP đã ban hành công văn đề nghị các đơn vị quản lý ATTP các tỉnh, thành phố tăng cường kiểm tra, hậu kiểm,phát hiện quảng cáo TP, TPCN trên các phương tiện truyền thông.
Cụ thể, thực hiện Kế hoạch số 11/KH-BCĐTƯATTP ngày 03/01/2025 của Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương ATTP về việc triển khai công tác hậu kiểm về ATTP năm 2025; Công văn số 2310/BYT-ATTP ngày 17/4/2025 của Bộ Y tế về việc quảng cáo TP, TPCN, Cục ATTP đã ban hành công văn số 960/ATTP-NĐTT ngày 6/5/2025 đề nghị Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Sở ATTP Thành phố Hồ Chí Minh; Ban Quản lý ATTP thành phố Đà Nẵng và Chi cục ATTP của các tỉnh, thành phố tăng cường kiểm tra, hậu kiểm, phát hiện việc quảng cáo TP, TPCN trên các phương tiện truyền thông, mạng xã hội, trang thương mại điện tử, sàn thương mại điện tử, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm liên quan. Thực hiện công khai, cảnh báo các đường link, địa chỉ vi phạm để người tiêu dùng tránh mua và sử dụng sản phẩm TP, TPCN trên các đường link, địa chỉ đó, tránh gây ảnh hưởng sức khỏe và kinh tế.
Trường hợp không xác định được chủ thể thực hiện hành vi vi phạm quảng cáo, đề nghị đơn vị phối hợp với cơ quan chức năng: Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Văn hóa địa phương, hoặc Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử - Bộ Văn hóa thể thao và Du lịch phụ trách mạng xã hội, website, facebook, youtube... Cục Thương mại điện tử - Bộ Công Thương quản lý trang thương mại điện tử, sàn thương mại điện tử để xác định chủ thể và xử lý theo quy định hiện hành.
Tin rằng, với sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan quản lý, lực lượng chức năng, tình hình sản xuất, kinh doanh TP, TPCN sẽ được kiểm soát chặt chẽ, chất lượng sản phẩm sẽ được đảm bảo an toàn hơn. Nhờ đó, người tiêu dùng trong nước sẽ được yên tâm khi mua và sử dụng sản phẩm TP.
Minh Nghĩa