Theo Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương), với 75% số người dân sử dụng internet, Việt Nam có 74,8% số người dùng internet tham gia mua sắm trực tuyến. Quần áo, giày dép, mỹ phẩm; thiết bị đồ dùng gia đình; đồ công nghệ và điện tử; sách, hoa, quà tặng và thực phẩm… là những loại hàng hóa dịch vụ được người tiêu dùng lựa chọn mua sắm trực tuyến nhiều nhất.
Môi trường bán hàng online đã khiến tình trạng buôn bán hàng giả, gian lận thương mại ngày một diễn biến phức tạp với những thủ đoạn hết sức tinh vi. Hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ phổ biến ở rất nhiều phân khúc của thị trường, từ các hàng tạp hóa trên các phiên chợ vùng sâu, vùng xa đến hè phố các đô thị, thậm chí len lỏi, trà trộn vào cả những siêu thị cao cấp ở những đô thị lớn.
Hồi tháng 12/2022, 30.000 bộ thể thao giả mạo nhãn hiệu trên thương mại điện tử đã bị lực lượng Quản lý thị trường Hà Nội phát hiện và xử lý. Thực tế kiểm tra, đoàn kiểm tra phát hiện gần 30.000 bộ quần áo, đôi giày, đôi găng tay có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu adidas với mẫu mã quần áo của một số quốc gia như Bỉ, Nhật Bản và các Câu lạc bộ Manchester United, Tottenham Hotspur... đang bầy bán tại cơ sở. Làm việc với đoàn kiểm tra, chủ cơ sở kinh doanh cho biết, cơ sở kinh doanh của ông sử dụng tài khoản trên mạng xã hội: https://www.facebook.com/sport.mai/ và các tài khoản trên mạng xã hội zalo để đăng tải hình ảnh, nhận đặt hàng để bán các sản phẩm hàng hóa có dấu hiệu giả mạo nói trên.
Với sự đa dạng về mẫu mã và phong phú về chủng loại, hàng giả, hàng kém chất lượng… không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến doanh nghiệp, mà nguy hại hơn là ảnh hưởng đến quyền lợi và sức khỏe của người tiêu dùng.
Khảo sát trên các trang mạng xã hội dễ dàng bắt gặp những lời mời chào mua hàng có thương hiệu nổi tiếng như: Adidas, Gucci, Chanel, Boss… nhưng chủ yếu đó là những loại hàng hóa làm giả thương hiệu, hàng vi phạm bản quyền và cả hàng cấm kinh doanh. Khách hàng chỉ cần đặt số lượng và báo địa chỉ là hàng sẽ được chuyển tới tận nơi. Hiện nay, không ít người tiêu dùng lo ngại khi mua bán trên môi trường thương mại điện tử.
Chị Trần Thị Dung (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho biết: “Người tiêu dùng như chúng tôi rất khó nhận biết hàng thật, hàng giả và khó kiểm tra chất lượng hàng khi mua hàng trên mạng. Nhiều lúc cảm thấy rất hoang mang khi mua hàng trên mạng”. Thực tế cho thấy, tại những thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM… vấn nạn gian lận thương mại điện tử xảy ra rất phổ biến. Khi xảy ra thiệt hại, người mua thường không thể khiếu nại bởi nhiều lý do: giá trị hàng hoá nhỏ, phức tạp trong việc truy vết, xử phạt chủ shop…
Lợi nhuận thu được từ việc sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng nhái, hàng không rõ nguồn gốc quá lớn, khiến nhiều đối tượng bất chấp, giở đủ thủ đoạn tinh vi để trục lợi. Nhất là môi trường thương mại điện tử có đặc thù là người bán và người mua không tiếp xúc trực tiếp với nhau, với mặt hàng. Tất cả giao dịch diễn ra qua mạng khiến người mua không có cơ hội kiểm tra chất lượng sản phẩm kĩ càng ngay cả khi được kiểm hàng trước khi thanh toán.
Trong khi đó, các chủ quyền sở hữu trí tuệ chưa thật sự chú ý đến quyền và lợi ích hợp pháp của mình, chỉ quan tâm đến các quy định về công bố tiêu chuẩn chất lượng, ghi nhãn hàng hóa và quên đăng ký bảo hộ nhãn hiệu sản phẩm. Nhiều doanh nghiệp chưa phối hợp với các cơ quan chức năng, xem việc xử lý vi phạm là nhiệm vụ của các cơ quan thực thi pháp luật.
Mặt khác, trong quá trình yêu cầu các đơn vị là các sàn giao dịch thương mại điện tử rà soát website về hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ... còn gặp một số khó khăn. Chẳng hạn như các sàn chưa đầu tư đúng mức cho nhân sự, bộ phận kỹ thuật để kiểm duyệt sản phẩm. Đáng lo ngại hơn, còn có một số hiện tượng người nổi tiếng tiếp tay cho các đối tượng quảng bá những sản phẩm kém chất lượng trên các mạng xã hội theo hình thức livestream, rồi việc khó xác định kho bãi, nguồn gốc hàng hóa, làm cho công tác thực thi pháp luật, kiểm tra càng trở nên khó khăn.
Để tăng cường hiệu quả bảo vệ và thực thi quyền sở hữu trí tuệ trên nền tảng thương mại điện tử, góp phần kiểm soát hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, bảo vệ thương hiệu các sản phẩm trên internet, Phó Cục trưởng Cục Nghiệp vụ, Quản lý thị trường (Tổng cục Quản lý thị trường) Trần Văn Dũng cho biết, cùng với việc thực hiện nghiêm Kế hoạch số 888 (Kế hoạch đấu tranh phòng chống hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc và hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ giai đoạn 2021-2025) của Tổng cục Quản lý thị trường, các doanh nghiệp cần phối hợp với ngành chức năng áp dụng công nghệ tiên tiến trong việc ứng dụng công nghệ số chống hàng giả.
Trong đó, chú trọng xử lý các hành vi lợi dụng thương mại điện tử để kinh doanh các sản phẩm giả mạo nhãn hiệu, hàng không rõ nguồn gốc, gây ảnh hưởng đến sức khỏe người sử dụng. Cùng với đó, các doanh nghiệp cần xây dựng và nâng cao năng lực của bộ phận sở hữu trí tuệ trong doanh nghiệp; thiết lập các kênh phân phối chính thức, ổn định, thuận tiện (đặc biệt chú trọng các kênh thương mại điện tử) để người tiêu dùng dễ tiếp cận; thiết lập các kênh giám sát thị trường, hợp tác chặt chẽ với các cơ quan thực thi, các cơ quan hỗ trợ thực thi, các sàn thương mại điện tử để đối phó có hiệu quả với các hành vi giả mạo, cạnh tranh không lành mạnh, cố tình gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng.
Hoàng Đại Nghĩa, Đội trưởng Đội Quản lý thị trường số 1, Cục Quản lý thị trường Hà Nội cũng cho biết, trong thời gian tới, Đội Quản lý thị trường số 1 cũng sẽ tiếp tục thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ kiểm tra, kiểm soát thị trường nhằm ngăn chặn sớm các hành vi vi phạm đặc biệt đối với các đối tượng lợi dụng thương mại điện tử để kinh doanh các sản phẩm giả mạo nhãn hiệu, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng lậu gây ảnh hưởng đến sức khỏe người sử dụng cũng như uy tín của các doanh nghiệp làm ăn chân chính.
Lê Phương