Báo cáo của Tổng cục Quản lý thị trường cho thấy, từ năm 2021 đến nay, đơn vị đã trực tiếp phát hiện, kiểm tra và xử lý 15 vụ vi phạm pháp luật trên khâu lưu thông hàng hóa qua dịch vụ bưu chính, với tổng số tiền xử phạt hơn 550 triệu đồng, trị giá hàng hóa vi phạm hơn 1,5 tỷ đồng. Hàng hóa vi phạm rất đa dạng như: Các loại quần áo, túi xách, đồ chơi trẻ em và mỹ phẩm các loại…
Theo phản ánh qua đường dây nóng của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, trên địa bàn một số tỉnh như Hà Nội, Bắc Ninh... một số đối tượng có kinh doanh các mặt hàng mỹ phẩm có nguồn gốc nhập lậu số lượng lớn, không đảm bảo chất lượng, sử dụng dịch vụ chuyển phát nhanh để vận chuyển đưa đi các nơi tiêu thụ. Mặt khác, tại một số cảng nội địa (ICD) các đối tượng lợi dụng các kho hàng này để kinh doanh hàng nhập lậu sau đó thông qua dịch vụ bưu chính để vận chuyển đi tiêu thụ.
Bà Chu Quỳnh Anh - Phó Trưởng ban Dịch vụ bưu chính, Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam cho biết: Hiện nay các doanh nghiệp bưu chính chưa được trang bị công cụ, dụng cụ hiện đại nhằm hỗ trợ kiểm tra, phát hiện hàng giả, hàng nhái. Nhân viên bưu chính chưa được đào tạo bài bản và cũng chưa đủ trình độ chuyên môn, nghiệp vụ để phát hiện, xác định hàng nhận gửi là hàng giả, hàng nhái, hàng vi phạm pháp luật. Do vậy, nhiều đối tượng vi phạm lợi dụng bưu chính để vận chuyển hàng cấm, hàng lậu có thủ đoạn tinh vi (giấy tờ chứng minh nguồn gốc hàng giả, chia nhỏ các chi tiết hàng hóa…) khiến nhân viên bưu điện rất khó phát hiện.
Theo quy định hiện hành, cơ quan bưu chính và doanh nghiệp làm dịch vụ chuyển phát thay mặt cho khách hàng kê khai hàng hoá và làm các thủ tục hải quan. Vì vậy, khi phát hiện bưu gửi có vi phạm, truy tìm người chịu trách nhiệm rất khó vì người gửi thường dùng địa chỉ giả, còn người nhận khi biết đó là hàng cấm hoặc phải đóng thuế cao thì từ chối nhận. Đây là những bất cập và khó thay đổi, vì đó là thể lệ bưu chính và tuân thủ theo thông lệ quốc tế. Đối với hàng hóa vận chuyển trong nước bằng đường hàng không sẽ chỉ bị kiểm tra ở đầu nhập hàng và đầu cuối trả hàng, không bị kiểm tra trong quá trình vận chuyển như đường bộ. Hơn nữa hàng hóa được kẹp chì, dán niêm phong, gây khó khăn cho các lực lượng chức năng trong việc kiểm tra, phát hiện, xử lý gian lận.
Bên cạnh đó, hiện nay, việc các đơn vị dịch vụ bưu chính luôn hướng tới việc đơn giản hóa các thủ tục, đồng hành cùng các doanh nghiệp, đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng với chi phí hợp lý, thời gian giao hàng nhanh... cũng tạo điều kiện thuận lợi cho các đối tượng lợi dụng để vận chuyển hàng hoá nhập lậu, hàng giả hàng nhái. Thực tế trên cho thấy, hàng hóa được vận chuyển qua các dịch vụ bưu chính đang được lợi dụng như một phương thức vận chuyển mới cho việc kinh doanh hàng giả, hàng nhái.
Để ngăn chặn tình trạng trên, thời gian qua, Ban chỉ đạo 389 quốc gia đã chỉ đạo các lực lượng chức năng tăng cường phối hợp thực hiện tốt công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, trong đó chú trọng đối với phương thức thông qua dịch vụ bưu chính để vận chuyển hàng hóa nhập lậu, không để hình thành, phát sinh các điểm nóng, phức tạp về buôn lậu trong hoạt động này. Cụ thể, lực lượng Hải quan tập trung kiểm tra, giám sát, kiểm soát chặt chẽ đối với hàng hóa được vận chuyển thông qua hoạt động dịch vụ chuyển phát nhanh trong địa bàn kiểm soát hải quan; Lực lượng Công an, Quản lý thị trường tăng cường kiểm tra, kiểm soát các tuyến trọng điểm, các điểm dịch vụ bưu chính, các cơ sở kinh doanh có sử dụng hóa đơn bán hàng, hóa đơn giá trị gia tăng, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm.
Cùng với đó, Bộ TT&TT cũng đã ban hành Chỉ thị số 28/CT-BTTTT, ngày 8/5/2020 về việc tăng cường công tác bảo đảm an toàn, an ninh bưu chính và nâng cao hiệu quả phòng chống việc chấp nhận, vận chuyển và phát hàng lậu, hàng cấm qua đường bưu chính. Trong đó có yêu cầu các doanh nghiệp cung ứng dịch vụ bưu chính cần nâng cao cảnh giác, tăng cường công tác kiểm tra nội dung gói, kiện hàng hóa tại các điểm phục vụ, nhất là tại các điểm phục vụ cấp xã, khu vực vùng sâu, vùng xa trước khi chấp nhận bưu gửi để kịp thời phát hiện, ngăn chặn và đề phòng nguy cơ kẻ xấu lợi dụng để gửi vật phẩm, hàng hóa bị cấm gửi, chấp nhận, vận chuyển và phát qua mạng bưu chính…
Tổng cục Quản lý thị trường và Tổng công ty Bưu điện Việt Nam cũng đã ký kết quy chế phối hợp số 04/QCPH-TCQLTT-TCTBĐVN về việc kiểm tra và xử lý tình huống đối với hàng hóa kinh doanh gửi qua đường bưu điện trong nước. Hai đơn vị phối hợp xây dựng và thực hiện các kế hoạch kiểm tra, thanh tra định kỳ và đột xuất xử lý những bưu phẩm, bưu kiện là hàng hóa vi phạm pháp luật; cung cấp thông tin về hoạt động kinh doanh, vận chuyển hàng hóa, cập nhật các vi phạm xảy ra trên thị trường. Tuy nhiên, việc ký kết này mới được thực hiện ở các đơn vị nhà nước, còn các doanh nghiệp bưu chính lớn khác cùng các doanh nghiệp vận chuyển chưa có quy chế để phối hợp và ràng buộc trách nhiệm.
Theo dự báo, trong thời gian tới, vận chuyển hàng giả, hàng lậu, hàng cấm qua đường bưu chính sẽ vẫn tiếp tục có chiều hướng gia tăng và diễn biến phức tạp, vì vậy, một trong những giải pháp quan trọng để ngăn chặn vấn nạn này đo là cần nhanh chóng sửa các quy định pháp luật liên quan đến công tác kiểm soát hoạt động vận chuyển hàng hoá qua đường bưu chính. Cùng với đó, các cơ quan chức năng cần tiếp tục tăng cường phối hợp, kiểm soát kiểm soát đối với hàng hoá được vận chuyển thông qua đường bưu chính; đặc biệt, cần nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu doanh nghiệp bưu chính, các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực bưu chính cần có quy trình nghiệp vụ và quy chế tự kiểm tra, nâng cao cảnh giác khi liên kết, hợp tác kinh doanh với các đối tác trong việc cung ứng dịch vụ bưu chính… để phòng ngừa hiệu quả việc lợi dụng mạng lưới của bưu chính vận chuyển và buôn bán hàng giả, hàng cấm, hàng nhập lậu gây bất ổn cho thị trường, ảnh hưởng đến lợi ích của doanh nghiệp chân chính và cả người tiêu dùng.
Công Vinh