Hàng giả, hàng nhái vẫn diễn ra phức tạp, tinh vi
Theo ông Trần Hữu Linh, Tổng Cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường, Bộ Công Thương nhận định, mặt trận chống hàng giả tiếp tục diễn ra dai dẳng, nhất là giai đoạn trong và sau dịch Covid-19. Đặc biệt, từ đầu năm 2022 đến nay, khi dịch Covid-19 bắt đầu giảm đi, thì tốc độ cũng như quy mô và tính phức tạp của hàng giả, ngày càng tinh vi hơn.
Nếu như trước đây, hàng giả thường tập trung ở các mặt hàng như mỹ phẩm, đồ gia dụng... nhưng bây giờ, hàng giả, hàng kém chất lượng xuất hiện ở những mặt hàng khác nhau, ví dụ như xăng dầu, vật tư nông nghiệp, phân bón, vật tư y tế.... Trong 9 năm 2022, lực lượng quản lý thị trường đã kiểm tra và phát hiện ra rất nhiều vụ việc có dấu hiệu giả mạo hoàn toàn các thương hiệu nổi tiếng.
Trên các mô hình kinh doanh online, sàn giao dịch thương mại điện tử, hàng giả thậm chí còn được vận chuyển một cách tương đối công khai. Đặc biệt là việc mua bán, trao đổi, các kênh giới thiệu quảng bá sản phẩm trong thương mại điện tử cũng góp phần làm cho hàng giả được lưu thông dễ dàng hơn.
Một nguyên nhân nữa thúc đẩy hàng hóa được làm giả ngay tại trong nước, là cho đến thời điểm này, ở phía biên giới với Trung Quốc vẫn đang là cấm biên, cho nên hàng hóa không đi qua được những kênh truyền thống ngày xưa như là đường mòn, lối mở nữa mà phải đi chính ngạch…
Điển hình cách đây một tháng chúng tôi có bắt một cơ sở kiểm tra và thu giữ cơ sở ở ngay huyện Hoài Đức, Hà Nội là sản xuất mật ong ngay trong một hộ gia đình, một ngày hàng trăm lít mật ong giả hoàn toàn và chỉ có bán ở trên facebook. Đấy là những thứ rất nguy hiểm đến sức khỏe của người dân. Một vụ khác, đó là ngày 10/8, Đội Quản lý thị trường số 4 (Cục Quản lý thị trường Hà Nội) đã phát hiện tại một cơ sở kinh doanh trong ngõ Thịnh Hào 1 (phường Hàng Bột, quận Đống Đa) 2.800 sản phẩm đồ chơi trẻ em không có nhãn hàng hóa, không rõ nguồn gốc. Ngày 18/8, lực lượng chức năng phát hiện tại phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy 1.350 gói bánh, kẹo các loại không rõ xuất xứ...
Điều này cho thấy rằng, sau gần 2 năm Covid-19, khi thị trường mở cửa trở lại thì những hàng hóa còn tồn, hàng hóa chuẩn bị quá date được những đối tượng gian lận thương mại, tẩy xóa, sửa chữa rồi tiếp tục có sự thỏa hiệp của một bộ phận người tiêu dùng trong việc biết là giả nhưng vẫn mua… dẫn đến tình hình tệ nạn hàng giả vẫn tiếp tục gia tăng và rất là dai dẳng.
Chung tay chống lại hàng giả, hàng nhái
Chia sẻ tại tọa đàm, ông Phạm Quốc Lộc, Thành viên Ban lãnh đạo Công ty TNHH URC Việt Nam, Giám Đốc Nhà máy URC Hà Nội cho biết, việc khách hàng mua phải hàng giả, hàng nhái, nhất là hàng hóa từ nước ngoài, không có xuất xứ không chỉ ảnh hưởng đến quyền lợi của họ khách hàng mà doanh nghiệp cũng bị ảnh hưởng về thương hiệu và uy tín.
Do đó về trách nhiệm của doanh nghiệp, nhằm ngăn chặn để bảo vệ người tiêu dùng, tránh mua phải những cái hàng giả, hàng nhái trên thị trường hiện nay, URC đang và đã không ngừng đầu tư về kỹ thuật và nghiên cứu công nghệ, kiểm soát tất cả những nguyên vật liệu đầu vào, nhất là hợp tác với các đối tác nước ngoài làm ăn chân chính để làm sao sản phẩm đạt chất lượng tốt nhất và an toàn vệ sinh nhất khi đến tay người tiêu dùng.
Đồng thời, đối với những kênh phân phối, các doanh nghiệp xuất nhập khẩu thì cũng phải tư vấn, định hướng cho người tiêu dùng biết cách xác định được hàng giả, hàng nhái nhằm đảm bảo cho khách hàng cũng như là với khâu phân phối…
Dưới góc độ luật pháp, Tiến sĩ Bùi Kim Hiếu, Trưởng khoa luật Trường Đại học Ngoại ngữ - Tin học TPHCM; Trưởng Ban Luật Dân Sự, Viện Nghiên cứu Pháp luật Bảo vệ doanh nghiệp và người tiêu dùng cho biết, để bảo vệ quyền lợi của mình, các doanh nghiệp phải xác lập quyền sở hữu của mình đối với nhãn hiệu hoặc là đối với kiểu dáng thông qua đăng ký bảo hộ dưới góc độ của Luật sở hữu trí tuệ và bảo hộ nhãn hiệu; bảo hộ kiểu dáng công nghiệp, bảo hộ sáng chế và xác lập quyền tác giả; đăng ký bảo hộ trong phạm vi lãnh thổ Việt Nam hoặc trong phạm vi vùng hoặc lãnh thổ nào đó.
Bản thân các doanh nghiệp cũng phải tự hoàn thiện các chính sách, đặc biệt là những chính sách liên quan đến bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, có những cam kết đối với người tiêu dùng và thực hiện đúng các cam kết, bởi vì trong xu thế hiện nay, người tiêu dùng có nhiều cơ hội để lựa chọn.
Còn theo ông Nguyễn Hữu Tuấn, Trưởng phòng Quản lý hoạt động thương mại điện tử, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương), nhiều người tiêu dùng dù biết là hàng giả nhưng vẫn chuộng tên tuổi, thương hiệu món hàng đó vì giá rẻ. Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp chưa quan tâm đúng mức đến nạn hàng giả trên sàn thương mại điện tử để ngăn chặn.
Để hạn chế rủi ro, ông Nguyễn Hữu Tuấn cho rằng, khi mua trực tuyến, người tiêu dùng nên xem đánh giá của những người tiêu dùng trước hoặc là của các doanh nghiệp đánh giá về doanh nghiệp đó, mức độ uy tín của doanh nhập đó trên thị trường thay vì mua được món hàng giảm giá không ưng ý.
Đặc biệt, Cục Hải quan thành phố Hà Nội cần thực hiện các biện pháp nghiệp vụ kiểm soát hải quan, cửa khẩu, các cảng hàng không quốc tế, để tăng cường công tác thu thập thông tin, kiểm tra, kiểm soát tại các địa bàn trọng điểm Hải quan quản lý; Tập trung kiểm tra các mặt hàng trọng điểm như hàng cấm (ma túy, vũ khí, sản phẩm động vật hoang dã, văn hóa phẩm phản động, linh kiện, thiết bị điện tử đã qua sử dụng); hàng xuất nhập khẩu có điều kiện (dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, tiền, kim loại quý, xăng dầu, máy móc, thiết bị y tế đã qua sử dụng), hàng có thuế suất cao (thuốc lá, rượu, bia, điện thoại di dộng), hàng hóa tiêu dùng như bánh kẹo, thực phẩm đông lạnh, gia súc, gia cầm… nhằm lành mạnh hóa thị trường và bảo đảm quyền lợi của người tiêu dùng.
Nguyễn Đan