Trong những năm qua, sự phát triển của thương mại điện tử tại Việt Nam là rất nóng. Năm 2022 vừa qua, quy mô thị trường thương mại điện tử ước đạt 16,4 tỷ USD, tăng trưởng 20% so với năm trước. Với mức tăng trưởng 20%, trong suốt 7 năm qua, thương mại điện tử Việt Nam luôn giữ được tốc độ tăng trưởng từ 16 - 30%. Điều đó khiến việc kiểm soát hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng trở thành một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2023.
Với 75% người dân sử dụng Internet, Việt Nam có 74,8% người dùng Internet tham gia mua sắm trực tuyến. Quần áo, giày dép, mỹ phẩm; thiết bị đồ dùng gia đình; đồ công nghệ và điện tử; sách, hoa, quà tặng và thực phẩm… là những loại hàng hóa dịch vụ được người tiêu dùng lựa chọn mua sắm trực tuyến nhiều nhất. Điện thoại di động tiếp tục là phương tiện chủ yếu thường được người tiêu dùng sử dụng để đặt hàng trực tuyến (chiếm 91%).
Mức tăng trưởng thương mại điện tử của Việt Nam được các hãng dự báo tiếp tục bùng nổ trong những năm tới và sẽ cán mốc 39 tỷ USD vào năm 2025, đứng thứ 2 sau Indonesia (104 tỷ USD), ngang bằng Singapore. Tuy nhiên, theo Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số - Bộ Công Thương, bên cạnh những mặt tích cực, tình trạng buôn bán hàng giả, gian lận thương mại trên môi trường thương mại điện tử vẫn tiếp tục diễn biến hết sức phức tạp.
Cụ thể, phương thức, thủ đoạn hoạt động của đối tượng vi phạm ngày càng tinh vi. Nhiều đối tượng không có kho hàng hay cửa hàng, chỉ tiếp nhận đặt online, phân tán hàng hóa nhiều nơi, chỉ giao hàng với số lượng dè dặt nhỏ lẻ, khó xác định được kho hàng. Nhiều đối tượng chỉ bán hàng qua cộng tác viên trung gian; nhiều khi trên website đăng nhiều sản phẩm nhưng thực tế chỉ nhận đơn hàng rồi đặt qua đơn vị khác để làm trung gian kiếm lời.
Đặc biệt, việc các website và các trang mạng xã hội dễ dàng được tạo ra và đóng lại trong thời gian nhanh chóng khiến lực lượng chức năng rất khó kiểm soát. Bên cạnh đó, phương thức “treo đầu dê, bán thịt chó” cũng hết sức phổ biến. Các đối tượng khi đưa thông tin lên mạng thì là hình ảnh và thông tin của hàng thật nhưng khi khách hàng nhận được có thể là hàng giả, hàng nhái mà bản thân nhiều lúc khách hàng cũng khó phát hiện.
Đáng lưu ý hơn, nhận thức của một bộ phận người dân đôi khi còn hạn chế hoặc người mua biết hàng giả vẫn mua vì giá rẻ, thích hàng nhái thương hiệu nổi tiếng hoặc chưa đủ kĩ năng và thông tin để nhận biết. Thực tế cho thấy, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số cũng như Tổng cục Quản lý thị trường, lực lượng chức năng các địa phương đã tiến hành xử lý nhiều trường hợp vi phạm.
Khảo sát trên các trang mạng xã hội dễ dàng bắt gặp những lời mời chào mua hàng có thương hiệu nổi tiếng như: Adidas, Gucci, Chanel, Boss… nhưng chủ yếu đó là những loại hàng hóa làm giả thương hiệu, hàng vi phạm bản quyền và cả hàng cấm kinh doanh. Khách hàng chỉ cần đặt số lượng và báo địa chỉ là hàng sẽ được chuyển tới tận nơi. Hiện nay, không ít người tiêu dùng lo ngại khi mua bán trên môi trường thương mại điện tử.
Chị Trần Thị Dung (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho biết: “Người tiêu dùng rất khó nhận biết hàng thật, hàng giả và khó kiểm tra chất lượng hàng khi mua hàng trên mạng”. Chị Dung cho biết, mình đã không ít lần mua phải hàng giả, hàng nhái, cuối cùng đành phải tốn một số tiền không nhỏ trong khi trải nghiệm sử dụng là rất tệ.
Không chỉ người tiêu dùng mà các công ty, doanh nghiệp cũng dễ trở thành nạn nhân của gian lận thương mại điện tử. Công ty TNHH Chis Việt Nam (Hà Nội) là đại lý phân phối độc quyền cho một công ty thực phẩm chức năng của Mỹ. Thời gian gần đây, trên các sàn thương mại điện tử xuất hiện nhiều sản phẩm tương tự, nhưng giá lại rẻ hơn gấp đôi, gấp 3 khiến doanh thu của doanh nghiệp bị ảnh hưởng.
Bà Vũ Lê Minh Chi, Giám đốc điều hành Công ty TNHH Chis Việt Nam, cho biết: “Hiện nay, các sản phẩm collagen công ty chúng tôi phân phối đang được các đối tượng bày bán công khai trên các sàn thương mại điện tử. Các sản phẩm này là hàng giả, hàng xách tay không rõ nguồn gốc xuất xứ”.
Theo Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, trong năm 2022, đơn vị đã phối hợp với lực lượng Quản lý thị trường gỡ bỏ 1.663 gian hàng với 6.437 sản phẩm vi phạm; chặn 5 website có dấu hiệu lợi dụng thương mại điện tử để kinh doanh hàng giả, hàng nhái và hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ. Tổng mức xử phạt cho các hành vi gian lận thương mại điện tử là 222 triệu đồng.
Nhằm lành mạnh hóa môi trường thương mại điện tử, ngăn chặn những hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực thương mại điện tử như: kinh doanh hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng; không thực hiện thủ tục thông báo, đăng ký website thương mại điện tử; giả mạo logo đã đăng ký với Bộ Công Thương; lừa đảo khách hàng, giả mạo doanh nghiệp khác...
Trong thời gian tới, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số sẽ tập trung vào một số giải pháp như tuyên truyền và tổ chức thanh tra, kiểm tra việc thực hiện trách nhiệm của các sàn giao dịch thương mại điện tử, mạng xã hội trong việc sàng lọc, phòng ngừa, ngăn chặn đối với các tài khoản không cung cấp đầy đủ thông tin, các tài khoản có dấu hiệu kinh doanh hàng hóa vi phạm. Đồng thời, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, đồng thời, tăng cường quản lý hoạt động thương mại điện tử có yếu tố nước ngoài và hoạt động thương mại điện tử trên mạng xã hội. Tiếp tục rà soát cơ chế, chính sách để có sự điều chỉnh phù hợp thực tế nhằm quản lý tốt hơn hoạt động kinh doanh trên môi trường thương mại điện tử.
Bên cạnh nỗ lực của các sàn thương mại điện tử, các cơ quan chức năng, người tiêu dùng cũng cần thể hiện vai trò và trách nhiệm của mình, nói không với hàng giả, hàng kém chất lượng. Khi gặp phải các trường hợp có dấu hiệu là hàng giả, khách hàng cần gửi báo cáo, phản hồi ngay cho sàn. Đây là cách bảo vệ quyền lợi của chính mình, cũng như góp phần tạo ra một môi trường mua sắm số lành mạnh.
Phương Lê