Vướng mắc, bất cập sau 3 năm thực hiện Nghị định 178
Ngày 21/7, Văn phòng Chính phủ thông tin, Bộ Y tế đang dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 178 năm 2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm.
Bộ Y tế cho biết, Nghị định 178/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm (Nghị định 178/2013/NĐ-CP) được ban hành và có hiệu lực từ ngày 31/12/2013.
Trong thời gian qua, việc triển khai thi hành Nghị định 178/2013/NĐ-CP đã đáp ứng được yêu cầu thực tế của công tác quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm (ATTP), tạo cơ sở pháp lý cần thiết cho việc đấu tranh, phòng chống các hành vi vi phạm hành chính (VPHC) về ATTP, góp phần đưa Luật ATTP và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật ATTP vào cuộc sống.
Các hành vi VPHC quy định tại Nghị định 178/2013/NĐ-CP tương đối đầy đủ; chế tài xử phạt rõ ràng, minh bạch, góp phần quan trọng giúp các cơ quan quản lý nhà nước từ trung ương đến địa phương duy trì và bảo đảm trật tự, kỷ cương trong hoạt động quản lý nhà nước về ATTP.
Tuy nhiên, sau hơn 3 năm thực hiện, bên cạnh những kết quả đạt được, Nghị định 178/2013/NĐ-CP đã bộc lộ một số vướng mắc, bất cập, không đáp ứng yêu cầu của thực tiễn.
Cụ thể, Quốc hội thông qua Bộ Luật hình sự số 100/2015/QH13 ngày 27/11/2015 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ Luật hình sự trong đó có nhiều nội dung mới, tác động trực tiếp tới hoạt động xử phạt VPHC về ATTP.
Ngày 19/6/2015, Quốc hội thông qua Luật Tổ chức Chính phủ số 76/2015/QH13 trong đó đã khẳng định nguyên tắc và quy định nội dung về phân cấp, phân quyền hợp lý giữa Chính phủ với chính quyền địa phương (khoản 4 Điều 5; Điều 25), do vậy dự thảo Nghị định cố gắng tối đa việc phân định thẩm quyền xử phạt của Bộ, ngành trong dự thảo Nghị định theo chỉ đạo của Chính phủ.
Một số quy định trong Nghị định 178/2013/NĐ-CP chưa đủ sức răn đe, do vậy, dự thảo Nghị định theo hướng tăng nặng mức phạt chính và bổ sung các hình thức xử phạt bổ sung (tước quyền sử dụng giấy, đình chỉ hoạt động có thời hạn), biện pháp khắc phục hậu quả (buộc tiêu hủy hàng hóa gây hại cho sức khỏe con người).
Các hình thức xử phạt, các biện pháp khắc phục hậu quả quy định một cách nghiêm minh, chặt chẽ với mức xử phạt cao nhất mà pháp luật cho phép. Đồng thời, hạn chế quy định hình thức xử phạt cảnh cáo, trường hợp có quy định hình thức xử phạt cảnh cáo cần quy định rõ cho từng hành vi cụ thể, tách riêng ra khỏi hình thức phạt tiền.
Một số hành vi vi phạm hành chính khác liên quan đến an toàn thực phẩm được quy định tại các Nghị định xử phạt vi phạm hành chính về ghi nhãn, chất lượng, quảng cáo sản phẩm cần tích hợp đưa vào Nghị định này cho phù hợp với xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm.
Từ các lý do nêu trên và số lượng các hành vi dự kiến sửa đổi, bổ sung nhiều, do vậy, việc nghiên cứu, ban hành Nghị định thay thế Nghị định 178/2013/NĐ-CP (thay cho hình thức Nghị định sửa đổi, bổ sung) là rất cần thiết.
Bộ Y tế đã dự thảo Nghị định gồm 4 chương, 51 điều, bên cạnh những quy định chung, dự thảo đã đề xuất những quy định xử phạt quy định về điều kiện bảo đảm an toàn đối với sản phẩm thực phẩm; điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm; vi phạm quy định chất lượng sản phẩm thực phẩm…
Tăng nặng mức phạt, quản lý chặt chẽ việc quảng cáo sản phẩm
Cụ thể, Bộ Y tế đề xuất tăng nặng mức phạt chính và bổ sung các hình thức xử phạt như tước quyền sử dụng giấy, đình chỉ hoạt động có thời hạn, và biện pháp khắc phục hậu quả như buộc tiêu hủy hàng hóa gây hại cho sức khỏe con người. Theo dự thảo, mức phạt tiền tối đa đối với mỗi hành vi vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm là 100 triệu đồng đồng đối với cá nhân và 200 triệu đồng đối với tổ chức.
Riêng lĩnh vực quảng cáo, các tổ chức, cá nhân sẽ bị phạt tiền từ 10 đến 20 triệu đồng nếu sử dụng một trong các từ "nhất" "duy nhất", "tốt nhất", "số một" hoặc từ có ý nghĩa tương tự mà không có tài liệu hợp pháp chứng minh. Những quảng cáo sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, sử dụng hình ảnh, lời nói, chữ viết của cá nhân khi chưa được phép bị phạt từ 20 đến 30 triệu đồng.
Còn quảng cáo có nội dung so sánh trực tiếp về giá cả, chất lượng, hiệu quả sử dụng với sản phẩm cùng loại của tổ chức, cá nhân khác, hoặc có nội dung trái với truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức... thì bị phạt từ 30 đến 40 triệu đồng.
Dự thảo cũng quy định phạt từ 40 đến 50 triệu đồng đối với một trong các hành vi quảng cáo sản phẩm sữa thay thế sữa mẹ dùng cho trẻ dưới 24 tháng tuổi, sản phẩm dinh dưỡng bổ sung dùng cho trẻ dưới 6 tháng tuổi, bình bú và vú ngậm nhân tạo.
Bộ Y tế đề xuất phạt tiền từ 70 đến 100 triệu đồng đối với việc sử dụng nguyên liệu không thuộc loại dùng làm thực phẩm để sản xuất, chế biến thực phẩm. Mức phạt này cũng được áp dụng xử phạt khi cơ sở, cá nhân sử dụng động vật mắc bệnh truyền nhiễm, động vật chết do bệnh hoặc chết không rõ nguyên nhân hoặc nguyên liệu thực phẩm có chứa tạp chất không bảo đảm an toàn thực phẩm để sản xuất, chế biến thực phẩm.
Nguồn VietQ