Tại Kenya, đoàn đã có buổi làm việc với bà Joyce A. Ogundo, Vụ trưởng Vụ Các vấn đề kinh tế và thương mại quốc tế, Bộ Ngoại giao và Ngoại thương nước này. Hai bên đã thông báo cho nhau về tình hình phát triển kinh tế của mỗi nước, điểm lại tình hình trao đổi thương mại song phương, xác định tiềm năng cũng như những khó khăn, thách thức trong việc phát triển quan hệ hợp tác, đồng thời nêu ra một số giải pháp thúc đẩy quan hệ thương mại giữa hai nước.
Bà Joyce A. Ogundo cho biết, Kenya luôn mong muốn tăng cường trao đổi quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại với Việt Nam. Là thành viên tích cực của khối Cộng đồng Đông Phi (EAC), khối Thị trường chung các nước Đông và Nam Phi (COMESA), với vị trí địa lý thuận lợi, Kenya là thị trường đầy tiềm năng cho hàng hóa Việt Nam và cũng là cửa ngõ để hàng hóa Việt Nam có thể thâm nhập sâu rộng hơn vào thị trường các nước khu vực Đông Phi. Hiện tại, Kenya cũng đang mong muốn mở rộng quan hệ thương mại “hướng Đông”, đặc biệt chú trọng đến các nước ASEAN, trong đó có Việt Nam.
Nói về những khó khăn còn tồn tại, ảnh hưởng đến quan hệ thương mại song phương, đại diện Bộ Công Thương Việt Nam cho biết hai bên hiện chưa có cơ quan đại diện tại thủ đô của nhau, doanh nghiệp còn thiếu thông tin về thị trường, đối tác, ít tham gia các hội chợ triển lãm quốc tế tổ chức tại mỗi nước, thiếu các cuộc tiếp xúc trực tiếp giữa hai doanh nghiệp, khó khăn trong khâu thanh toán xuất nhập khẩu, khoảng cách địa lý xa xôi, v.v...
Hai bên cũng vui mừng nhận thấy thời gian qua quan hệ hợp tác giữa hai nước đã có những chuyển biến tích cực. Đại sứ quán Kenya tại Thái Lan thường xuyên tham dự Hội chợ triển lãm quốc tế Vietnam Expo của Việt Nam. Tháng 3/2015, hãng hàng không Kenya Airways mở đường bay thẳng nối liền Hà Nội với Nairobi vào tháng 3/2015 đã tạo một bước ngoặt lớn trong quan hệ thương mại giữa Việt Nam – Kenya nói riêng và Việt Nam với các nước châu Phi nói chung, thu hẹp khoảng cách giữa Việt Nam và lục địa đen, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho doanh nghiệp hai bên tìm hiểu lẫn nhau.
Năm 2014, kim ngạch thương mại hai chiều đạt 44,18 triệu USD, trong đó Việt Nam xuất khẩu 39,78 triệu USD và nhập khẩu 4,4 triệu USD. Các mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam sang Kenya là sản phẩm dệt may, clanhke, hóa chất, điện thoại di động và linh kiện… Các mặt hàng nhập khẩu chính bao gồm nguyên phụ liệu dệt may, da và giày, quặng và khoáng sản, hóa chất, thức ăn gia súc và nguyên liệu, v.v… Trong 6 tháng đầu năm 2015, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Kenya đạt 20,2 triệu USD, tăng 28% so với cùng kỳ năm 2014 với các mặt hàng chính là hàng dệt may, điện thoại di động và linh kiện, vải, gạo, v.v...
Hai bên nhất trí về tầm quan trọng của việc ký kết các hiệp định, thỏa thuận song phương trong các lĩnh vực kinh tế, thương mại, đầu tư; tăng cường trao đổi các đoàn, tạo điều kiện cho doanh nghiệp hai bên tham dự các hội chợ, triển lãm quốc tế lớn, các diễn đàn doanh nghiệp tổ chức tại mỗi nước nhằm gặp gỡ, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, chia sẻ cơ hội kinh doanh, đầu tư, vv. Nhân dịp này, đại diện Bộ Công Thương Việt Nam đã trao cho đại diện Bộ Ngoại giao và Ngoại thương Kenya Bản ghi nhớ về hợp tác thương mại và công nghiệp để hai bên đàm phán sớm ký kết trong thời gian tới.
Cũng trong khuôn khổ chuyến công tác tại Kenya, đoàn Bộ Công Thương đã gặp và làm việc với đại diện Bộ Công nghiệp hóa Kenya, Bộ Các vấn đề Đông Phi, Thương mại và Du lịch Kenya, Hội đồng xúc tiến xuất khẩu và Cục đầu tư Kenya. Phía Kenya bày tỏ sự vui mừng trước những thành tựu mà Việt Nam đã đạt được trong thời gian qua và mong muốn được chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm trong việc phát triển kinh tế của Việt Nam.
Nhân dịp này, phía bạn kêu gọi Việt Nam đầu tư, thành lập liên doanh tại Kenya trong các lĩnh vực công nghiệp chế biến (dệt may, giày dép) và khai mỏ để tận dụng nguồn nguyên liệu dồi dào, nhân công chất lượng cao và ưu đãi về xuất xứ để xuất khẩu hàng với thuế suất thấp sang các thị trường như Hoa Kỳ, EU, các nước thành viên Cộng đồng Đông Phi (EAC), Cộng đồng phát triển miền Nam châu Phi (COMESA) mà Kenya đã ký FTA.
Trong thời gian ở Kenya, đoàn Việt Nam đã có buổi làm việc với Phòng Thương mại và Công nghiệp Kenya (KNCCI). Ông Michael G. Gaitho, Trưởng ban điều hành phát triển doanh nghiệp KNCCI cho biết, thương mại hai nước có tính bổ sung cho nhau. Kenya có thể trở thành nhà cung cấp nguyên liệu đầu vào quan trọng cho một số ngành sản xuất của Việt Nam như dệt may, sản phẩm thủ công, thực phẩm, quặng và khoáng sản… trong khi Việt Nam có tiềm năng xuất khẩu một số mặt hàng sang Kenya như quần áo, gạo, clanhke, điện thoại di động và linh kiện, v.v… Phía Kenya đề xuất việc tổ chức “Tuần lễ Việt Nam” tại Kenya và xem đây là cơ hội tốt để các doanh nghiệp Việt Nam giới thiệu hàng hóa của mình vào thị trường nước này.
Đại diện Phòng Thương mại và Công nghiệp Kenya cũng mong muốn KNCCI và VCCI sẽ sớm ký kết MOU về hợp tác đồng thời tăng cường trao đổi các đoàn doanh nghiệp. Nhân dịp này, KNCCI đã trao cho đoàn Việt Nam danh sách các doanh nghiệp xuất nhập khẩu uy tín tại Kenya để các doanh nghiệp Việt Nam tham khảo và liên hệ chào hàng.
Trong thời gian ở Kenya, đoàn cũng gặp gỡ một số doanh nghiệp nhập khẩu gạo lớn của nước này. Mỗi năm, Kenya tiêu thụ khoảng 300.000 tấn gạo trong khi sản xuất trong nước chỉ đạt khoảng 45.000 tấn. Để đáp ứng nhu cầu của địa phương, Kenya phải nhập khẩu gạo từ Pakistan, Thái Lan, Ấn Độ, Việt Nam… Lý giải về sự sụt giảm trong kim ngạch nhập khẩu gạo từ Việt Nam, doanh nghiệp Kenya cho biết, gạo Việt Nam rất được ưa chuộng tại Kenya, tuy nhiên, trong 02 năm vừa qua, mặt hàng này phải đối mặt với sự cạnh tranh ngày càng lớn về giá so với gạo Pakistan và Thái Lan. Pakistan đã đạt được thỏa thuận giảm thuế nhập khẩu gạo với Kenya, theo đó, gạo Pakistan chỉ chịu khoảng 35% thuế nhập khẩu trong khi gạo các nước khác phải chịu trung bình mức thuế 60%.
Được đánh giá là trung tâm kinh tế của Đông Phi với dân số khoảng 46 triệu người và mức tăng trưởng GDP bình quân đạt trên 5%/năm, Kenya không chỉ là thị trường tiềm năng mà còn là cầu nối cho hàng hóa Việt Nam thâm nhập vào thị trường các nước châu Phi khác trong khu vực. |
Nguồn: Báo Công Thương điện tử