Trong những năm gần đây, công tác quản lý hóa chất nguy hiểm, tiền chất thuốc nổ và vật liệu nổ công nghiệp (VLNCN) được thực thi khá nền nếp, tuân thủ quy định Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ; Luật Hóa chất và các văn bản hướng dẫn đã góp phần đảm bảo an toàn, an ninh và trật tự xã hội. Tuy nhiên, thời gian qua ở Việt Nam vẫn xảy ra một số sự cố cháy nổ nguy hiểm ảnh hưởng đến môi trường, sức khỏe con người như sự cố hóa chất độc hại sau vụ cháy tại kho cảng Đức Giang, Long Biên, Hà Nội và cháy nhà xưởng sản xuất sơn tại Khu công nghiệp Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh… Đặc biệt, đại dịch Covid-19 đang diễn biến hết sức phức tạp làm cho sản xuất, lưu thông bị đình đốn, dẫn đến các hóa chất nguy hiểm, tiền chất thuốc nổ có thể phải tồn trữ với số lượng lớn tại các kho chứa, kho ngoại quan, bãi cảng tiềm ẩn rủi ro, nguy cơ xảy ra các sự cố hóa chất.
Để đảm bảo an toàn trong tồn trữ, bảo quản hóa chất nguy hiểm, tiền chất thuốc nổ và VLNCN, không để xảy ra các sự cố, thảm họa gây thiệt hại về con người, tài sản, mất an ninh và trật tự xã hội và ảnh hưởng đến môi trường, Bộ trưởng Bộ Công Thương chỉ thị về việc tăng cường công tác quản lý hóa chất nguy hiểm, tiền chất thuốc nổ và VLNCN.
Theo đó, đối với các cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ Công Thương, cụ thể giao Cục Hóa chất chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan đôn đốc việc xây dựng và thực hiện Kế hoạch, biện pháp phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất; đôn đốc các địa phương tổ chức diễn tập ứng phó sự cố hoá chất cấp tỉnh theo kế hoạch đã được phê duyệt. Trên cơ sở đó, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tăng cường kiểm tra công tác đảm bảo an toàn, phòng chống cháy nổ và bảo vệ môi trường các kho chứa hóa chất nguy hiểm, tiền chất thuốc nổ, kiên quyết xử lý các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm theo quy định.
Cục Hóa chất phối hợp với Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp, Vụ Pháp chế, Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tăng cường công tác phổ biến pháp luật, nâng cao nhận thức về an toàn hóa chất nguy hiểm, tiền chất thuốc nổ đối với cộng đồng doanh nghiệp.
Ngoài ra, Cục Hóa chất cũng chủ trì, phối hợp với các cơ quan, tổ chức có liên quan xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật an toàn về hóa chất nguy hiểm, tiền chất thuốc nổ và VLNCN.
Bộ Công Thương cũng giao Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp tăng cường phổ biến, hướng dẫn việc thực hiện các quy định pháp luật bảo đảm an toàn, phòng cháy chữa cháy và bảo vệ môi trường trong hoạt động bảo quản VLNCN, tiền chất thuốc nổ; đôn đốc các doanh nghiệp có kho VLNCN xây dựng và thực hiện Báo cáo đánh giá rủi ro, Kế hoạch ứng cứu khẩn cấp.
Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp phối hợp với các đơn vị liên quan ở Trung ương và địa phương tăng cường kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm trong hoạt động sản xuất tiền chất thuốc nổ và VLNCN theo quy định. Trên cơ sở đó, Cục chủ trì đề xuất sửa đổi quy định pháp luật liên quan đến quản lý VLNCN, tiền chất thuốc nổ phù hợp với tình hình thực tế.
Bộ trưởng Bộ Công Thương yêu cầu Tổng cục Quản lý thị trường chỉ đạo cục Quản lý thị trường các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường kiểm tra hóa chất nguy hiểm, tiền chất thuốc nổ lưu thông trên thị trường và xử lý hành vi vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật. Đồng thời chủ trì, phối hợp với các đơn vị công an, môi trường kiểm tra và xử lý hành vi vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật.
Đối với Thanh tra Bộ, phối hợp với Cục Hóa chất, Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra đối với các doanh nghiệp hoạt động tồn trữ, bảo quản hóa chất nguy hiểm, tiền chất thuốc nổ và VLNCN.
Đáng chú ý, đối với các đơn vị truyền thông thuộc Bộ, cần đa dạng hóa các hình thức truyền thông nhằm tăng cường, cảnh báo các nguy cơ, phổ biến và hướng dẫn các quy định pháp luật trong hoạt động tồn trữ, bảo quản hóa chất nguy hiểm, tiền chất thuốc nổ và VLNCN.
Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tập trung tăng cường kiểm tra việc triển khai thực hiện kế hoạch, biện pháp phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất, Báo cáo đánh giá rủi ro, Kế hoạch ứng cứu khẩn cấp tại các doanh nghiệp hoạt động tồn trữ VLNCN trên địa bàn, kiên quyết xử lý các hành vi vi phạm theo quy định.
Rà soát các hoạt động lưu trữ quản hóa chất nguy hiểm, tiền chất thuốc nổ và VLNCN tại các bãi cảng, kho ngoại quan, kho của doanh nghiệp dịch vụ logistics trên địa bàn. Thực hiện việc báo cáo về chủng loại, số lượng, thời gian lưu trữ, quy cách xếp đống của hàng hóa quản hóa chất nguy hiểm, tiền chất thuốc nổ và VLNCN về Cục Hóa chất, Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp.
Ngoài ra, các Sở Công Thương địa phương chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan trên địa bàn thực hiện kiểm tra các kho hóa chất nguy hiểm, tiền chất thuốc nổ và VLNCN chấp hành các quy định về an ninh, an toàn, phòng chống cháy, nổ và bảo vệ môi trường, kiên quyết yêu cầu các doanh nghiệp bảo quản tiền chất thuốc nổ, VLNCN đảm bảo khoảng cách an toàn với các khu vực dân cư, các khu vực công cộng, trường học, bệnh viện; tham mưu UBND cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có kế hoạch, lộ trình di dời kho chứa hóa chất nguy hiểm, tiền chất thuốc nổ và VLNCN ra khỏi các địa điểm nêu trên.
Tiếp tục phối hợp với các cơ quan liên quan phổ biến chỉ thị đến các đơn vị trực tiếp sản xuất, kinh doanh, sử dụng, lưu trữ và bảo quản hóa chất nguy hiểm, tiền chất thuốc nổ, VLNCN trên địa bàn.
Các tập đoàn, tổng công ty, công ty có hoạt động hóa chất nguy hiểm, tiền chất thuốc nổ và VLNCN. Cụ thể, thực hiện thống kê chi tiết các kho chứa, vị trí tồn trữ của cơ sở sản xuất, kinh doanh và sử dụng hóa chất nguy hiểm, tiền chất thuốc nổ và VLNCN do tập đoàn, tổng công ty, công ty quản lý và báo cáo về Cục Hóa chất, Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp theo chức năng quản lý.
Các đơn vị trực tiếp sản xuất, kinh doanh, sử dụng và tồn trữ bảo quản hóa chất nguy hiểm, tiền chất thuốc nổ, VLNCN phải xây dựng biện pháp và kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất phù hợp với quy mô, điều kiện sản xuất và đặc tính của hóa chất nguy hiểm, tiền chất thuốc nổ, VLNCN; đảm bảo tốt nhất khả năng phòng ngừa và ứng phó khi xảy ra sự cố.
Chú trọng, xây dựng kế hoạch cải tạo nâng cấp kho chứa VLNCN và tiền chất thuốc nổ đáp ứng các yêu cầu quy định tại Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 01:2019/BCT về an toàn trong sản xuất, thử nghiệm, nghiệm thu, bảo quản, vận chuyển, sử dụng, tiêu hủy vật liệu nổ công nghiệp và bảo quản tiền chất thuốc nổ.
Chấp hành nghiêm quy định pháp luật về huấn luyện kỹ thuật an toàn đối với các đối tượng tiếp xúc với hóa chất nguy hiểm, tiền chất thuốc nổ, VLNCN.
Rà soát, lập kế hoạch phòng ngừa và ứng phó sự cố môi trường, chuẩn bị công cụ, phương tiện, thiết bị phòng ngừa, ứng phó theo kế hoạch.
Bộ trưởng Bộ Công Thương giao Cục Hóa chất chủ trì phối hợp với Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp theo dõi, đôn đốc, định kỳ hàng năm tổng hợp báo cáo tình hình triển khai thực hiện các nhiệm vụ được giao tại chỉ thị về việc tăng cường công tác quản lý hóa chất nguy hiểm, tiền chất thuốc nổ và VLNCN. Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị chịu trách nhiệm tổ chức triển khai chỉ thị này theo chức năng, nhiệm vụ được giao; kịp thời báo cáo các khó khăn, vướng mắc và đề xuất giải pháp khắc phục về Bộ Công Thương qua Cục Hóa chất để kịp tổng hợp, báo cáo lãnh đạo Bộ. |
Theo Congthuong