Đó là nhận định của Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Lê Hồng Thăng tại Hội nghị giao ban trực tuyến triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2017 về công tác quản lý nhà nước lĩnh vực Công Thương cấp quận, huyện trên địa bàn thành phố diễn ra ngày 12/7/2017.
Tăng cường phối hợp trong quản lý nhà nước lĩnh vực công thương
Theo báo cáo của Sở Công Thương Hà Nội, thời gian qua, công tác phối hợp quản lý nhà nước giữa Sở Công Thương với các quận, huyện, thị xã không ngừng được tăng cường và phát huy hiệu quả thiết thực.
Có thể thấy rõ qua hoạt động sản xuất công nghiệp trong 6 tháng đầu năm duy trì tăng trưởng khá: chỉ số phát triển công nghiệp trên địa bàn tăng 6,1%, giá trị tăng thêm ngành công nghiệp tăng 6,45% so với cùng kỳ. Tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán ra và doanh thu dịch vụ trên địa bàn tăng 7,2% so cùng kỳ, trong đó tổng mức bán lẻ tăng 7,1%. Kim ngạch xuất khẩu trên địa bàn đạt 5.780 triệu USD, tăng 12,1% so với cùng kỳ năm 2016.
Để đạt được những kết quả đáng khích lệ trên, Sở Công Thương Hà Nội đã phối hợp chặt chẽ với các quận, huyện, thị xã trong công tác lập, rà soát Quy hoạch ngành công thương. Cụ thể, đã rà soát các cụm công nghiệp phù hợp với các quy hoạch chung xây dựng, các quy hoạch phân khu đã được phê duyệt để hoàn thiện Quy hoạch phát triển cụm công nghiệp thành phố Hà Nội đến năm 2020, có xét đến năm 2030 báo cáo Hội đồng thẩm định, trình UBND thành phố phê duyệt. Xây dựng Quy hoạch phát triển cơ sở kinh doanh khí dầu mỏ hóa lỏng trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn đến năm 2025 có xét đến năm 2030. Phối hợp với các quận, huyện thị xã trong công tác quản lý Quy hoạch phát triển điện lực. Phối hợp xây dựng Quy định quản lý chợ.
Đáng chú ý, trong lĩnh vực an toàn thực phẩm, Sở Công Thương Hà Nội đã phối hợp với 12 quận trên địa bàn thành phố xây dựng, trình UBND Thành phố phê duyệt “Đề án thí điểm quản lý các cửa hàng kinh doanh trái cây trên địa bàn các quận nội thành của thành phố Hà Nội”. Trong 6 tháng đầu năm, Sở Công Thương đã phối hợp với các huyện Ứng Hòa, Mê Linh, Quốc Oai, Gia Lâm, Hoài Đức, Sóc Sơn tổ chức 7 lớp tập huấn phổ biến kiến thức an toàn thực phẩm với khoảng 1.200 người tham dự.
Bên cạnh đó, công tác phối hợp quản lý trong các lĩnh vực về tiểu thủ công nghiệp-làng nghề, thương mại, chợ, xăng dầu, quản lý thị trường, bán hàng đa cấp..., được Sở Công Thương Hà Nội cùng các quận, huyện thường xuyên chỉ đạo các phòng kinh tế thực hiện, kịp thời giải quyết hoặc trình UBND thành phố tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp trên địa bàn.
Tuy nhiên, theo đánh giá của Sở Công Thương Hà Nội, bên cạnh những kết quả đã đạt được, thì chế độ thông tin báo cáo của một số quận, huyện chưa được thực hiện nghiêm túc, công tác phối hợp giữa Sở Công Thương và các quận huyện vẫn chưa thực sự chặt chẽ nên hiệu quả còn chưa được như mong muốn.
Rà soát mô hình chuyển đổi chợ
Tại buổi giao ban, đại diện các quận, huyện và thị xã đã đưa ra các ý kiến liên quan đến lĩnh vực phát triển các cụm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, làng nghề, phát triển thương mại điện tử, quản lý, cấp phép các mặt hàng kinh doanh có điều kiện, giải tỏa chợ cóc, chợ tạm… Đặc biệt, các quận, huyện kiến nghị với Sở Công Thương Hà Nội cần có những hướng dẫn nhằm giải quyết các vấn đề vướng mắc liên quan đến quá trình chuyển đổi mô hình chợ cũng như những vướng mắc trong đăng ký nhãn hiệu làng nghề.
Bà Trần Thị Phương Lan- Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội- cho biết liên quan đến việc chuyển đổi mô hình chợ, thành phố đã ban hành kế hoạch chuyển đổi 14 mô hình chợ giai đoạn 2012-2015. Nhưng trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện gặp rất nhiều vướng mắc, khó khăn. Do đó, giai đoạn 2017-2020 phải tập trung vào thực hiện chuyển đổi mô hình quản lý chợ.
Theo bà Trần Thị Phương Lan, Sở Công Thương Hà Nội đã có các văn bản gửi các quận, huyện và yêu cầu các quận, huyện phải xây dựng kế hoạch đánh giá việc chuyển đổi mô hình giai đoạn 2012-2015 và xây dựng kế hoạch 2017-2020 gửi về Sở Công Thương gửi các sở, ngành thẩm định và báo cáo Ủy ban Nhân dân thành phố, hạn nộp là 30/6/2017. Nhưng hiện mới có 6 quận, huyện có báo cáo đánh giá mô hình chuyển đổi chợ, 12 đơn vị xây dựng kế hoạch giai đoạn 2017-2020.
Đối với các địa phương xây dựng kế hoạch 2012-2025 và đã được thành phố phê duyệt, bà Trần Thị Phương Lan đề nghị cần rà soát lại xem mô hình mình xây dựng có còn phù hợp với thực tế hiện nay hay không. Nếu còn phù hợp thì các quận, huyện cần có văn bản kiến nghị cho thực hiện tiếp kế hoạch đó, nếu không phù hợp thì cần xây dựng lại để Sở Công Thương tổng hợp trình thành phố phê duyệt.
Ông Lê Hồng Thăng- Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội: Các quận, huyện, thị xã tăng cường chỉ đạo giải tỏa dứt điểm các tụ điểm chợ cóc, chợ tạm, đồng thời bố trí quỹ đất thích hợp để xây chợ dân sinh, di chuyển các hộ kinh doanh từ các tụ điểm chợ cóc vào hoạt động ổn định, đáp ứng nhu cầu kinh doanh của bà con. |
Nguồn Báo Công Thương