Theo các nhà khoa học, trước diễn biến ngày càng rõ rệt của BÐKH, TP Hồ Chí Minh được dự đoán sẽ chịu tác động nặng nề trong tương lai. Bởi vị trí địa lý của thành phố nằm trải dọc theo sông Sài Gòn và là vùng đất thấp, có nơi chỉ cao hơn mực nước biển từ 0,5 m đến 1 m. Theo kịch bản dự báo BÐKH, đến năm 2100, nếu nước biển dâng thêm 100 cm thì 17,8% diện tích TP Hồ Chí Minh bị ngập. Do đó, thành phố phải đối mặt với những thách thức nghiêm trọng do BÐKH gây ra, đặc biệt là nước biển dâng. Các yếu tố có tác động mạnh nhất đến thành phố sẽ là nhiệt độ, lượng mưa và tần suất triều cường ngày càng tăng. Ðiều này thể hiện khi tình trạng ngập ở đô thị, xâm nhập mặn ngày càng sâu vào vùng thượng nguồn, nước biển dâng đã và đang gây ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, nguồn cung cấp nước sạch, cơ sở hạ tầng và đời sống nhân dân thành phố. Trong đó, nông dân là đối tượng bị ảnh hưởng nhiều nhất.
Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) TP Hồ Chí Minh Trần Tấn Quý, tuy nông nghiệp chỉ đóng góp khoảng 0,9% trong tổng sản phẩm nội địa (GRDP) của thành phố nhưng địa bàn của năm huyện ngoại thành là nơi sinh sống trực tiếp khoảng 1,6 triệu người. Trong đó, huyện Cần Giờ là địa phương giáp với biển và rất "mẫn cảm" với thời tiết cực đoan. "BÐKH, sự thay đổi thời tiết, khí tượng thủy văn đã và đang diễn ra ảnh hưởng nhất định đến điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, đời sống của người dân thành phố. Dự báo nếu mực nước biển dâng 1m thì có đến 50% diện tích đất nông nghiệp của thành phố bị ngập vĩnh viễn", ông Trần Tấn Quý nói.
Ông Trần Tấn Quý cũng cho biết thêm, sản xuất nông nghiệp của thành phố phụ thuộc rất nhiều vào thời tiết. Khi BÐKH và nước biển dâng làm thay đổi cơ cấu mùa vụ và cơ cấu cây trồng... dẫn tới làm thay đổi năng suất theo hướng bất lợi, gia tăng chi phí đầu tư, giảm khả năng cạnh tranh. Ðồng thời làm gia tăng dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi, gây thiệt hại về năng suất. Còn xâm nhập mặn do hạn hán và nước biển dâng có thể làm thu hẹp địa bàn bố trí cây trồng, vật nuôi, tác động đến các hệ sinh thái, làm suy giảm sản lượng thủy sản nuôi trồng... Những yếu tố đó là thách thức lớn cho an ninh lương thực, thực phẩm trên địa bàn thành phố. Ðể ứng phó BÐKH, ngành nông nghiệp thành phố tập trung đẩy mạnh chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng các cây khác có hiệu quả kinh tế cao hơn, phù hợp với phát triển nông nghiệp đô thị; đẩy mạnh phát triển ngành chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao với mục tiêu đến năm 2020 tổng đàn gia súc đạt 330 nghìn con heo, 137 nghìn bò thịt, bò sữa. Ðồng thời, chọn lọc và xây dựng thương hiệu giống gia súc chất lượng cao để TP Hồ Chí Minh trở thành trung tâm cung cấp con giống cho thị trường trong khu vực.
Ngoài ra, để ứng phó với BÐKH, TP Hồ Chí Minh đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học, áp dụng các biện pháp phi công trình, trong đó, nhiều đề tài nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực này đã được triển khai thực hiện. Ðồng thời, triển khai những giải pháp công trình như đê bao, hồ điều tiết, công trình chống ngập, tạo thêm vùng đệm cây xanh. Từ năm 2013 đến nay, thông qua các chương trình hợp tác quốc tế, thành phố đã cử 112 lượt cán bộ tham gia các khóa tập huấn và các hội thảo quốc tế liên quan nhằm nâng cao năng lực cán bộ quản lý ứng phó với BÐKH trên nhiều lĩnh vực. Thành phố hiện đang hợp tác với thành phố Osaka (Nhật Bản) trong chương trình phát triển thành phố phát thải các-bon thấp và với thành phố Rotterdam (Hà Lan), trong "Chương trình TP Hồ Chí Minh phát triển về hướng biển thích ứng với BÐKH"…Tuy nhiên, cần thẳng thắn nhìn nhận, việc triển khai các giải pháp ứng phó với BÐKH chưa được như kỳ vọng và còn nhiều bất cập, nhất là sự phối hợp giữa các sở, ngành chưa được đồng bộ, thiếu sự chia sẻ thông tin từ lập quy hoạch cho đến việc thực thi chính sách. Song song đó, một số quy hoạch ngành, lĩnh vực chưa quan tâm tích hợp đầy đủ các yếu tố bảo vệ môi trường, ứng phó BÐKH, gây ra một số tác động tiêu cực đến xã hội và khó khăn trong công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường, cũng như chủ động ứng phó với BÐKH…
Để khắc phục những hạn chế nêu trên, UBND thành phố Hồ Chí Minh đã ban hành Kế hoạch hành động ứng phó với BÐKH trên địa bàn thành phố, giai đoạn 2017-2020, tầm nhìn đến năm 2030. Trong đó, đặt ra các mục tiêu: Lồng ghép các yếu tố BÐKH vào các chiến lược, chương trình, quy hoạch và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội với điều kiện cụ thể phù hợp; đánh giá được mức độ ảnh hưởng của BÐKH và mức độ tác động đối với các lĩnh vực, ngành nghề; xây dựng và triển khai các chương trình, dự án nhằm thích nghi và giảm thiệt hại do tác động của biến đổi khí hậu, giảm phát thải khí nhà kính trong mười lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội; nâng cao khả năng hợp tác quốc tế và thu hút đầu tư trong công tác ứng phó với BÐKH; tăng cường công tác quản lý và nỗ lực triển khai các hoạt động giảm phát thải… |
Theo báo Nhân dân