Những ngày cận Tết Nguyên đán, các doanh nghiệp chế biến thực phẩm đều đưa ra thị trường lượng hàng hóa lớn, phong phú về chủng loại, đa dạng về hình thức, mẫu mã... Tuy nhiên, có những chủ hàng sẵn sàng vì lợi nhuận mà sản xuất và nhập khẩu những loại hàng kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng, đặc biệt là tại địa phương biên giới như tỉnh Cao Bằng.
Để hạn chế nguy cơ hàng hóa giả mạo, kém chất lượng trà trộn trên thị trường, lực lượng chức năng tỉnh Cao Bằng đã tiến hành kiểm tra gần 3.000 cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống, qua đó phát hiện hơn 700 cơ sở vi phạm; lập biên bản, phạt hành chính với tổng số tiền trên 120 triệu đồng.
Ông Nông Tuấn Phong, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Cao Bằng cho biết: “Chúng tôi sẽ tiếp tục triển khai kiểm tra các mặt hàng theo chỉ đạo của Bộ Y tế, thực hiện việc lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 để đảm bảo an toàn phòng chống dịch. Lực lượng chuyên ngành yêu cầu các nhà hàng thực hiện lưu mẫu thức ăn với những nhà hàng chế biến đồ ăn sẵn, theo dõi tình hình trên địa bàn, khi có vấn đề phát sinh phải kịp thời xử lý”.
Bên cạnh việc lực lượng chức năng tăng cường giám sát, kiểm tra nguồn gốc thực phẩm, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, người dân cũng cần nâng cao hiểu biết, lựa chọn và sử dụng những thực phẩm có đầy đủ nhãn mác, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng để đảm bảo sức khỏe, đón Tết an toàn, lành mạnh.
“Gia đình tôi có hai cháu nhỏ nên tôi rất quan tâm đến vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm. Tôi hay mua rau, quả, bánh kẹo, những đồ phục vụ cho việc nấu nướng ở những siêu thị lớn để đảm bảo an toàn. Tôi mong lực lượng chức năng sẽ kiểm soát tốt nguồn hàng nhập khẩu để bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng” - chị Hoàng Lệ Biếc, người dân tại thành phố Cao Bằng chia sẻ./.
Theo VOV