Thứ Bẩy, 23/11/2024 08:24:05 GMT+7
Lượt xem: 2817

Tin đăng lúc 28-04-2016

Tăng cường xuất khẩu vào EU qua “cầu nối” Thụy Điển

Thụy Điển sẽ là đối tác giúp Việt Nam tăng cường hơn các hoạt động xuất khẩu vào Liên minh châu Âu (EU) và tranh thủ tốt nhất các lợi ích từ Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA).
Tăng cường xuất khẩu vào EU qua “cầu nối” Thụy Điển
Ảnh minh họa

Thống kê của Bộ Công Thương cho thấy hiện Việt Nam chủ yếu xuất khẩu sang Thụy Điển các mặt hàng như thủy sản, cao su, sản phẩm từ chất dẻo, túi xách, gỗ và sản phẩm gỗ, dệt may, giày dép các loại... còn nhập khẩu từ Thụy Điển máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng, dược phẩm, điện thoại và linh kiện...

 

Trong năm 2015, Việt Nam nhập khẩu 240 triệu USD và xuất khẩu gần 698 triệu USD sang Thụy Điển. Dự kiến khi EVFTA có hiệu lực vào năm 2018, kim ngạch thương mại giữa hai nước sẽ tăng trưởng mạnh mẽ.

 

Đại sứ Thụy Điển tại Việt Nam Camilla Mellander cho biết EVFTA không chỉ mang ý nghĩa về cắt giảm thuế quan mà còn bãi bỏ các hàng rào kỹ thuật. Điều này sẽ nâng cao hơn nữa kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường này.

 

“Thụy Điển ngày càng coi trọng vai trò về thương mại của Việt Nam trong khối ASEAN. Đồng thời, tôi tin rằng việc nắm chắc và đầy đủ các quy định, tiêu chuẩn của EU sẽ giúp cho doanh nghiệp Việt Nam có lợi thế cạnh tranh tương đối so với nhà xuất khẩu các nước khác", bà Camilla Mellander cho hay.

 

Còn theo ông Trần Ngọc Quân, Phó Vụ trưởng Vụ châu Âu (Bộ Công Thương), bên cạnh việc thực hiện phát triển thương mại với các đối tác lớn như Đức, Pháp, Anh, Hà Lan thì Việt Nam cũng đồng thời triển khai các biện pháp thúc đẩy quan hệ thương mại với các nước Bắc Âu, Nam Âu và Tây Âu để có thể tiếp cận thị trường EU một cách toàn diện.

 

"Thụy Điển đã coi Việt Nam là đối tác quan trọng tại khu vực Đông Nam Á và chúng ta cũng coi Thụy Điển sẽ là đối tác giúp Việt Nam tăng cường hơn các hoạt động xuất khẩu vào khu vực này và tranh thủ tốt nhất các lợi ích từ Hiệp định. Việc cắt giảm thuế quan lớn lên tới 99% sẽ là lợi thế cạnh tranh lớn cho hàng hóa Việt Nam so với các nước khác. Tuy nhiên, doanh nghiệp hai bên phải nắm bắt được thị trường của nhau thì mới có biện pháp để thúc đẩy quan hệ thương mại hơn nữa", ông Quân nói.

 

Về các giải pháp mà Bộ Công Thương sẽ hỗ trợ doanh nghiệp trong thời gian tới, ông Trần Ngọc Quân cho biết, hiện tại Hiệp định chưa có hiệu lực nhưng Bộ đã phổ biến, hướng dẫn cho doanh nghiệp những kiến thức cần thiết để tận dụng các lợi ích mà Hiệp định này mang lại. Đồng thời, Bộ cũng đã thành lập tổ công tác thực thi EVFTA cùng với Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Tổ công tác này có nhiệm vụ tìm ra biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp khai thác tối đa hiệp định, giảm thiểu tác động tiêu cực cho doanh nghiệp.

 

Ông Quân cho biết thêm, trong EVFTA có đặt vấn đề phát triển bền vững về lao động, an toàn môi trường… Tuy nhiên, đây là chương mang tính hỗ trợ hợp tác. Theo đó, EU hỗ trợ Việt Nam tăng cường tiêu chuẩn kỹ thuật, môi trường và khuyến khích Việt Nam thực hiện các công ước đã tham gia. “Về cơ bản, họ không tạo ra nghĩa vụ mới mà chỉ hỗ trợ Việt Nam phát triển tốt hơn”, ông Quân nói.

 

Trước đó, ngày 2/12/2015 vừa qua, EVFTA đã chính thức kết thúc đàm phán. Đây được coi là hiệp định thế hệ mới, tạo ra một kỷ nguyên mới trong quan hệ giữa Việt Nam và 28 quốc gia EU, có ý nghĩa lớn với thương mại, đầu tư bởi nền kinh tế của hai bên có tính bổ sung cao, ít cạnh tranh trực tiếp.

 

Theo nội dung đã đạt được trong các vòng đàm phán, việc ký kết EVFTA sẽ giúp loại bỏ hơn 99% dòng thuế xuất khẩu từ Việt Nam sang EU và ngược lại, trong thời hạn từ 7 đến 10 năm. Hiệp định này sẽ mở ra cơ hội xuất khẩu các sản phẩm cốt lõi của Việt Nam như dệt may, da giày, thủy sản sang một trong những khu vực kinh tế phát triển và có yêu cầu chất lượng, kỹ thuật cao nhất thế giới.

 

Ngoài việc giúp hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam tiếp cận thuận lợi hơn với thị trường 500 triệu dân, FTA cũng sẽ tạo ra lợi thế về đầu tư của EU, trong đó có tác động quan trọng cho đầu tư của các doanh nghiệp vừa và nhỏ hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp phụ trợ, một mắt xích còn yếu trong sản xuất công nghiệp của Việt Nam.

 

Nguồn: Chinhphu.vn


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang