Tăng mức lương tối thiểu vùng năm 2016 là "bài toán" gai góc mà gần 500.000 doanh nghiệp nhỏ và vừa trong cả nước sẽ phải đối mặt trong thời gian tới. Nhất là trong tình cảnh có gần 70% doanh nghiệp trong số này đang kinh doanh không có lãi.
Đã vậy, theo Cục quản lý đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), trong 7 tháng qua có tới 5.456 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể – chấm dứt hoạt động kinh doanh và 32.373 doanh nghiệp gặp khó khăn buộc phải tạm ngừng hoạt động, trong đó phần lớn là doanh nghiệp nhỏ.
Áp lực thêm đè nặng
Có thể thấy, các doanh nghiệp nhỏ và vừa đang trong một giai đoạn "bĩ cực" từ bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế đến áp lực lớn từ các hiệp định thương mại tự do; và từ hàng ngoại giá rẻ cho đến biến động tỷ giá đang diễn ra cùng các loại rào cản, nợ ngân hàng, gồng gánh thuế, phí, tiền "bôi trơn"…
Và nay, với mức tăng lương tối thiểu vùng năm 2016 sắp được chốt lại để trình Chính phủ vào tháng 10 tới đây thì trong tương lai, khi chi phí nhân công tăng lên sẽ tiếp tục là áp lực đè nặng lên vai các doanh nghiệp nhỏ vốn đang có sức "đề kháng yếu" trước hội nhập.
Minh chứng cho tình hình này, ông Cao Sỹ Kiêm, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam cho biết: "Các doanh nghiệp cũng thừa nhận việc tăng lương tối thiểu là cần thiết. Song trong bối cảnh này thì doanh nghiệp buộc phải tăng quỹ lương, đồng nghĩa tăng chi phí, giảm lợi nhuận. Tăng lương thì giá thành sản xuất cũng phải tăng theo. Điều này khiến doanh nghiệp lo ngại sẽ giảm tính cạnh tranh trên thị trường quốc tế".
Cũng theo ông Cao Sỹ Kiêm, khi tăng lương tối thiểu, doanh nghiệp sản xuất hàng nội địa cũng phải tăng giá bán vì giá thành tăng, khiến sức mua của thị trường ít nhiều đi xuống. Ngoài ra, tình trạng nợ đọng thuế, nợ bảo hiểm xã hội khả năng còn tiếp diễn và tình trạng thất nghiệp cũng là tình huống có thể xảy ra.
Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc cũng bi quan trước phương án đề xuất tăng 17% so với năm 2015 của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam. Ông cho rằng nếu các khu vực sản xuất khác như dệt may, da giày, lắp ráp điện tử, thủy sản…, những ngành thâm dụng lao động và được hưởng lợi từ Hiệp định Đối tác thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP), không thể tạo thêm nhiều việc làm mới do chi phí nhân công cao, tăng trưởng đầu tư thấp, thất nghiệp sẽ trở thành vấn đề nhức nhối đối với nền kinh tế, chính trị và xã hội Việt Nam trong thời gian tới.
Nói như vậy, rõ ràng nếu tăng mức lương tối thiểu quá cao có thể làm giảm số việc làm và hệ quả là nạn thất nghiệp tăng. Bởi vì khi giá nhân công tăng, các doanh nghiệp thường có khuynh hướng giảm số nhân công xuống. Và trong chiến lược dài hạn, mức cầu giảm nhiều hơn ngắn hạn bắt buộc các doanh nghiệp nhỏ phải tìm đến những phương pháp sản xuất tiết kiệm nhân công.
Đó là chưa kể, từ năm 2016, người sử dụng lao động phải đóng các khoản chi phí cho người lao động tăng thêm 35% – 40% so với năm 2015 vì mức lương làm căn cứ đóng các chế độ bảo hiểm và kinh phí công đoàn cho người lao động sẽ bao gồm tiền lương và các khoản phụ cấp.
Ngoài ra, doanh nghiệp còn phải đóng thêm các chi phí liên quan tới lao động nữ, chính sách về an toàn vệ sinh lao động…Vì thế, nếu mức tăng lương tối thiểu vùng quá cao thì các doanh nghiệp nhỏ sẽ khó mà gồng gánh nổi.
Bài toán nan giải
Theo VCCI, các doanh nghiệp nhỏ đa phần cho rằng khó khăn nhất hiện nay là giá thành, khi mức tăng lương tối thiểu được thông qua cũng đồng nghĩa với việc giá thành sẽ đội lên, mức cạnh tranh của hàng nội so với hàng ngoại sẽ yếu đi. Đơn cử như ngành may mặc hiện nay rất khó khăn, khi giá cả vẫn giữ nguyên nhưng các chi phí tăng lên rất nhiều, ngay cả phần trăm các tỷ lệ đóng bảo hiểm cũng tăng. Với mức tăng lương tối thiểu được chốt lại thì trong tương lai các doanh nghiệp may mặc nếu chỉ đơn thuần sản xuất gia công thì sẽ lỗ nặng.
Trước thực trạng này, Hiệp hội Dệt may đã kiến nghị nhà nước cần nghiên cứu tính lại nhu cầu sống tối thiểu, nghiên cứu giảm tỷ lệ đóng các khoản bảo hiểm, kinh phí công đoàn một cách hợp lý. Bởi vì việc tăng lương tối thiểu vùng ở mức cao và duy trì tỷ lệ trích nộp các khoản bảo hiểm, kinh phí công đoàn cao sẽ là một nguyên nhân khiến nhiều doanh nghiệp làm ăn thua lỗ, trốn đóng, chậm đóng bảo hiểm xã hội, ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động.
Các doanh nghiệp da giày cũng day dứt tương tự như vậy, Tiến sĩ Ngô Đại Quang, Phó Chủ tịch Hiệp hội da giày Việt Nam, cho rằng việc tăng mức lương tối thiểu sẽ làm tăng không nhỏ tiền đóng bảo hiểm xã hội hàng tháng. Trong bối cảnh giá nguyên liệu đầu vào tăng như hiện nay, việc tăng hàng trăm triệu tiền đóng bảo hiểm xã hội cho nhân viên cũng là một gánh nặng cho doanh nghiệp.
Các chuyên gia kinh tế nhận định, khi tăng mức lương tối thiểu, để tránh lỗ thì các công ty cũng sẽ chuyển giá phí nhân công gia tăng qua người tiêu thụ bằng việc tăng giá sản phẩm. Mà thông thường giá bán sản phẩm đã được thương lượng trước thời điểm điều chỉnh mức lương tối thiểu, dẫn đến sự khó khăn trong kinh doanh gia tăng.
Tăng mức lương tối thiểu vùng năm 2016 là "bài toán" gai góc mà gần 500.000 doanh nghiệp nhỏ và vừa
trong cả nước sẽ phải đối mặt trong thời gian tới.
Ông Nguyễn Hữu Hưng, Giám đốc doanh nghiệp vận tải Hữu Hưng (Tp. Thủ Dầu Một, Bình Dương) cho biết nếu năm tới bắt buộc phải tăng lương tối thiểu, dù giá xăng dầu có giảm đi nữa thì doanh nghiệp của ông cũng không thể giảm cước vận tải, bởi nếu giảm thì chắc chắn sẽ gặp lỗ ngay.
Một câu hỏi cũng được đặt ra là nếu tăng mức lương tối thiểu không đủ bù trượt giá thì người lao động chưa chắc được hưởng lợi, còn các doanh nghiệp nhỏ thì lại gánh thêm các loại chi phí tăng.
Xét cho cùng, dù có thế nào, doanh nghiệp vẫn phải chấp nhận mức tăng lương tối thiểu. Kể cả người lao động được hưởng thêm mức lương cũng có thể chấp nhận được vì rõ ràng đây là phương án nhằm hài hòa lợi ích cho cả doanh nghiệp và người lao động.
Tuy nhiên, khi tăng mức lương tối thiểu, số công nhân tiếp tục có việc làm được hưởng lương cao hơn. Nhưng còn số lao động đang thất nghiệp, nhất là các lao động trẻ thì sao? Với quy định mức lương tối thiểu, các doanh nghiệp nhỏ sẽ không dám "lách luật" để mướn nhân công giá rẻ. Nó cũng hạn chế những công nhân chấp nhận lương thấp để có việc làm thay vì thất nghiệp, đây cũng là một vấn đề hóc búa!
Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI
"Tốc độ tăng lương cần bám sát tốc độ tăng năng suất lao động cộng với tốc độ mất giá của đồng tiền. Nếu tốc độ tăng lương vượt quá xa so với tổng của hai biến số này, doanh nghiệp sẽ rơi vào tình trạng thua lỗ, thậm chí phá sản, tăng trưởng kinh tế sẽ chậm lại và thất nghiệp sẽ gia tăng. Chắc chắn là các doanh nghiệp Việt Nam không thể chịu đựng được một mức tăng lương cao và kéo dài như vậy."
Nguồn: Thoibaokinhdoanh.vn