Phương án thu hỗn hợp là áp theo mức giá trị tuyệt đối 1.000 đồng/bao thuốc lá 20 điếu áp dụng từ năm 2020. Trong khi đó, phương án thu theo lộ trình sẽ tăng 5% (từ 70% lên 75%) vào năm 2019; tiếp đó năm 2020 tăng thêm 5% nữa; và năm 2021 tăng thêm 5% lên đạt mức thuế là 85%.
Nhìn chung, cả hai phương án được Bộ Tài chính đề xuất đều bị đánh giá là thấp. Ý kiến từ ngành y tế cho rằng cần tăng mức thu theo phương án thu hỗn hợp lên mức từ 2.000-5.000 đồng/bao. Bởi thuốc lá là loại sản phẩm/hàng hóa có hại cho sức khỏe, không khuyến khích tiêu dùng.
Mặt khác, thuế tiêu thụ đặc biệt hiện hành đối với thuốc lá tại Việt Nam trong cơ cấu giá bán ra còn khá thấp, chỉ khoảng 35%, trong khi mức bình quân trên thế giới là 59%.
Trong khi các đề xuất của Bộ Tài chính như tăng thuế VAT, áp thuế tài sản… chưa có được sự đồng thuận rộng rãi của dư luận thì đề xuất sửa đổi mức thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá theo hướng tăng lên lại nhận được nhiều sự đồng tình.
Dùng rào cản thuế để hạn chế số người hút thuốc dù không phải là biện pháp quyết định nhưng cũng góp phần cần thiết, đồng thời qua đó cũng giúp tăng nguồn thu cho ngân sách quốc gia. Tuy nhiên, hệ lụy có thể xảy ra là việc tăng thuế đối với thuốc lá sản xuất trong nước có thể kích thích tình trạng buôn lậu thuốc lá càng trở nên phức tạp hơn vì lợi nhuận từ việc buôn lậu thuốc lá có thể tăng lên. Khả năng thuốc lá lậu “thế chân” thuốc lá sản xuất trong nước trên thị trường sẽ không giúp kéo giảm số người hút thuốc lá trong khi các doanh nghiệp trong lĩnh sản xuất thuốc lá lại gặp khó khăn, kéo theo việc làm của người lao động trong ngành cũng bị ảnh hưởng (công nhân và nông dân trồng cây thuốc lá).
Tình hình buôn lậu thuốc lá ở các khu vực biên giới phía bắc, miền Trung và biên giới Tây Nam những năm qua luôn nóng và diễn biến phức tạp, gắn với nhiều chiêu thức, thủ đoạn tinh vi, táo tợn. Thuế đối với thuốc lá tăng phải đồng hành với việc tăng cường các biện pháp ngăn chặn thuốc lá lậu thì mới đạt được các mục tiêu đề ra.
Theo báo Lao động